Thời đại công nghệ thông tin phát triển bùng nổ, đi cùng đó là sự nở rộ của hình thức kinh doanh online thông qua các mạng xã hội. Hình thức này vừa giúp cho người chủ mô hình kinh doanh tiết giảm được rất nhiều loại chi phí ví dụ như phí thuê mặt bằng, phí thuê nhân viên,…. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến thắc mắc từ phía các chủ cửa hàng kinh doanh online rằng liệu có phải đăng ký kinh doanh hay không? Nếu không đăng ký có bị cơ quan chức năng xử lý hay không? Thông qua bài viết này, Luật sư X sẽ giải đáp những thắc mắc nêu trên.
Căn cứ:
- Luật doanh nghiệp 2014
- Nghị định 39/2007/NĐ-CP
Nội dung tư vấn
1. Những trường hợp nào phải đăng ký kinh doanh?
Xuất phát từ truyền thống tiểu thương nhỏ lẻ của người dân Việt Nam, do vậy trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì nhà nước ta đã xác định nền kinh tế nước nhà là một nền kinh tế nhiều thành phần. Ở đó, những doanh nghiệp nhỏ và các mô hình kinh doanh siêu nhỏ là một thành tố trong nền kinh tế đặc thù của Việt Nam. Để thuận tiện trong công tác quản lý và truy thu các khoản thuế, phí đối với hoạt động kinh doanh của các chủ thể kinh doanh, pháp luật đã có quy định hầu hết các hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lời thì đều phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh, ngoại trừ một số trường hợp là những tiểu thương hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ và không thường xuyên. Cụ thể, những đối tượng không phải đăng ký kinh doanh được quy định tại Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP như sau:
Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
Những gánh hàng rong quen thuộc trên các con phố ở các thành phố lớn đã quá quen thuộc và là một nét văn hóa đặc trưng ở Việt Nam. Do quy mô của những gánh hàng rong này là quá nhỏ, cùng với sự lưu động của họ khi kinh doanh nay dây mai đó, không có địa điểm cố định. Vì vậy, xét thấy việc đăng ký kinh doanh với các gánh hàng rong này là không cần thiết.
Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định
Buôn bán vặt là những hoạt động mua bán bán có đặc điểm gần tương tự như buôn bán hàng rong. Nhưng khác biệt ở chỗ thay vì buôn bán một loại hàng hóa đặc thù như buôn bán hàng rong, thì những người buôn bán vặt thực hiện việc mua bán đa dạng chủng loại hàng hóa và không cố định một mặt hàng buôn bán cố định. Đồng thời, buôn bán vặt cũng là những hoạt động mua bán không có địa điểm cố định cụ thể, đôi khi việc mua bán được thực hiện rất lưu động.
Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định
Đặc trưng cho nhưng hoạt động bán quá vặt này chính là những người bán trà đá vỉa hè, bò bía, kem bông, bánh tráng trộn,… ở trước các cổng trường học. Hoạt động này cũng gần giống tương tự đối với hoạt động buôn bán hàng rong. Tuy vậy, đối với hoạt động này thì có thể có hoặc không có địa điểm cố định. Tức là nếu một cô bán trà đá trước cổng một cơ quan nào đó thì dù có địa điểm cố định nhưng người này không phải đăng ký kinh doanh.
Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ
Buôn chuyến là những hoạt động mua bán, kinh doanh hàng hóa một cách không thường xuyên, có thể mang tính mùa vụ, đầu cơ. Ví dụ như đối với những lái buôn mặt hàng cây ăn trái, đến mùa thu hoạch họ tới vườn để thu mua trái cây sau đó bỏ sỉ cho những người khác. Khi hết mùa thu hoạch thì họ lại làm công việc khác thì những người này sẽ không phải đăng ký kinh doanh.
Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định
Đây là một loạt các dịch vụ thiết yếu cho đời sống sinh hoạt hàng ngày người dân. Tuy nhiên, với dựa trên tính chất nhỏ lẻ và không có địa điểm cố định, nên việc quản lý và truy thu thuế phí với những đối tượng này là khó khăn và không cần thiết. Vì vậy, pháp luật cũng quy định những đối tượng này không phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh/
Trên đây là những hoạt động cụ thể mà pháp luật quy định cho phép miễn đăng ký kinh doanh. Như vậy, quy định pháp luật được nêu bằng phương pháp liệt kê nên mọi trường hợp không thuộc những đối tượng nêu trên thì đều phải thực hiện hoạt động đăng ký kinh doanh.
2. Bán hàng online có phải đăng ký kinh doanh không?
Dựa vào những quy định như trên thì thấy pháp luật không có quy định rõ về việc kinh doanh online thông qua các mạng xã hội thì có phải đăng ký kinh doanh hay không. Do đó, dựa trên quy mô về số lượng hàng hóa bán ra, doanh thu và lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh online để xác định hoạt động kinh doanh đó bắt buộc phải đăng ký hay không.
Xét thấy rằng, nếu trường hợp người kinh doanh online là các bà mẹ bỉm sữa, các sinh viên buôn bán nhỏ lẻ các mặt hàng có giá trị thấp, quy mô không lớn và doanh thu từ việc bán hàng không đáng kể thì phần nào mang đặc trưng tổng hợp của những đối tượng được miễn đăng ký kinh doanh được nêu tại Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP nêu trên. Do đó, những đối tượng này sẽ không phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh dưới các mô hình như hộ kinh doanh hay doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp kinh doanh online với số lượng hàng hóa lớn và là các mặt hàng có giá trị cao. Đồng thời có doanh thu lên tới vài chục hoặc vài trăm triệu, thậm trí hàng tỷ đồng thì bắt buộc phải đăng ký kinh doanh. Việc đăng ký kinh doanh đối với những đối tượng này là cần thiết bởi lẽ với quy mô và doanh thu lớn, nếu không đăng ký kinh doanh và nộp thuế sẽ làm thất thu ngân sách nhà nước, và thực tế thì hiện tượng này đang xảy ra rất phổ biến. Do đó, đối với những trường hợp này nếu không thực hiện việc đăng ký kinh doanh và nộp thuế đầy đủ, trung thực thì khi cơ quan chức năng phát hiện và tiến hành việc kiểm tra thì sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật
Bên cạnh đó hiện nay cũng có không ít những người kết hợp cả hai hoạt động kinh doanh online và offline. Khi đã mở của hàng và có địa điểm kinh doanh cố định nhưng kết hợp và sử dụng kênh online nhằm hỗ trợ và triển khai hoạt động marketing cho sản phẩm thì những đối tượng này bắt buộc phải thực hiện hoạt động đăng ký kinh doanh. Khi đăng ký thì có thể linh hoạt lựa chọn giữa hai mô hình hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp tư nhân. Luật sư X đã có bài viết so sánh cụ thể những ưu và nhược điểm của 2 mô hình này, qua đó giúp người đăng ký có thể lựa chọn và đăng ký phù hợp dựa vào đặc thù hoạt động kinh doanh của mình.
Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ pháp luật doanh nghiệp tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102