Sau khi tuyên án, bản án sơ thẩm, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật ngay mà còn có một thời hạn để các đương sự có thể kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp trên xét xử lại, khi họ không đồng ý với kết luận của bản án, quyết định sơ thẩm đó. Nhưng pháp luật cũng quy định chỉ có một số chủ thể nhất định mới có quyền kháng cáo này. Cụ thể như thế nào, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X nhé.
Căn cứ:
- Bộ Luật tố tụng dân sự 2015;
- Bộ Luật tố tụng hình sự 2015;
- Luật tố tụng hành chính 2015;
- Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự do Hội đồng Thẩm phán nhân dân tối cao ban hành;
- Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn Quy định trong phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của Bộ Luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi theo Luật sửa đổi Bộ Luật tố tụng dân sự do Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành.
Nội dung tư vấn:
1. Quyền kháng cáo là gì?
Quyền kháng cáo là quyền của những người tham gia tố tụng được đề nghị Toà án cấp trên trực tiếp xem xét lại bản án hay quyết định của Toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ Luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính.
Ví dụ: Trong lĩnh vực hình sự, bị cáo dưới 16 tuổi bị tuyên phạt về Tội giết người với hình phạt 15 năm tù. Nếu không đồng ý với mức phạt, cảm thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ hình phạt, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, thì chính bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của bị cáo đó có thể làm đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp trên xét xử lại.
2. Chủ thể có quyền kháng cáo:
Trong lĩnh vực dân sự
Theo Điều 271 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì những người sau đây sẽ có quyền kháng cáo, cụ thể:
Điều 271. Người có quyền kháng cáo
Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Theo đó, chỉ đương sự và người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện mới có quyền kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết theo thủ tục phúc thẩm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Trong trường hợp đương sự là cá nhân có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ thì có thể tự mình thực hiện việc kháng cáo. Trong trường hợp đương sự là cá nhân không thể tự mình kháng cáo thì có thể ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo. Ngoài ra, trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức thì người đại diện theo pháp luật của cơ gian, tổ chức đó có thể tự mình kháng cáo hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện việc kháng cáo. Việc uỷ quyền phải được làm thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản uỷ quyền đó được lập tại Toà án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc cán bộ Toà án được Chánh án Toà án phân công. Trong văn bản uỷ quyền phải có nội dung đương sự uỷ quyền cho người đại diện theo uỷ quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm.
Tuy nhiên, tại Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP có quy định trường hợp cần lưu ý rằng:
Điều 2. Người có quyền kháng cáo quy định tại Điều 243 của BLTTDS
4. Đương sự được hướng dẫn tại khoản 2 và khoản 3 Điều này nếu không tự mình kháng cáo, thì có thể uỷ quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo, trừ kháng cáo bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm về ly hôn. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo uỷ quyền có kháng cáo; họ, tên, địa chỉ của đương sự uỷ quyền kháng cáo và văn bản uỷ quyền. Đồng thời, ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo uỷ quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Theo đó, đối với những bản án, quyết định về ly hôn thì đương sự không được ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo mà phải chính bản thân mình thực hiện.
Trong lĩnh vực hình sự
Theo Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì những người sau đây sẽ có quyền kháng cáo, cụ thể:
Điều 331. Người có quyền kháng cáo
1. Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
2. Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.
3. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
5. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.
6. Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.
Như vậy, các chủ thể sau đây sẽ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo Bộ luật tố tụng dân sự:
Thứ nhất: Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo
Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo có quyền kháng cáo toàn bộ hoặc một phần bản án mà bản thân họ cảm thấy chưa thuyết phục. Cần lưu ý rằng, tại Khoản 1.1 Điều 1 Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP có quy định người đại diện hợp pháp của bị cáo là người đại diện theo pháp luật, cụ thể:
1. Về Điều 231 của Bộ luật Tố tụng Hình sự
Chủ thể có quyền kháng cáo và giới hạn của việc kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm được xác định như sau:
1.1. Bị cáo, người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật) của bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm
Thứ hai: Bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại.
Trong trường hợp người bị hại chết hoặc trong trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật) của người bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo hướng tăng nặng hoặc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Trong trường hợp người bị hại chỉ kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại, thì họ có thể uỷ quyền cho người khác. Người được uỷ quyền có các quyền và nghĩa vụ như người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự.
Bên cạnh đó, Khoản 1.4 Điều 1 Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP cũng có hướng dẫn các xác định người đại diện hợp pháp của bị hại trong trường hợp người bị hại đã chết mà có từ hai người trở lên đều là người đại diện hợp pháp của người bị hại, cụ thể như sau:
1.4. Trong trường hợp người bị hại chết mà có từ hai người trở lên đều là người đại diện hợp pháp của người bị hại (ví dụ cha, mẹ, vợ và con thành niên của người bị hại) thì phân biệt như sau:
a) Trường hợp trong quá trình điều tra, truy tố hoặc tại phiên toà sơ thẩm những người này đã đồng ý cử một người trong số họ thay mặt họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị hại (sự đồng ý này có thể được thể hiện trong văn bản riêng hoặc trong lời khai của họ), thì sau khi xét xử sơ thẩm những người này vẫn có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Việc kháng cáo có thể do từng người thực hiện hoặc có thể cử một người trong số họ thay mặt họ thực hiện.
b) Trường hợp trong quá trình điều tra, truy tố hoặc tại phiên toà sơ thẩm những người này chưa cử ai trong số họ thay mặt họ làm người đại diện hợp pháp của người bị hại, mà người đại diện hợp pháp của người bị hại chỉ do một hoặc một số người trong số họ tự nhận, nếu sau khi xét xử sơ thẩm có người trong số những người chưa cử người đại diện có đơn với nội dung khiếu nại bản án sơ thẩm hoặc xin xét xử phúc thẩm vụ án thì xử lý như sau:
b.1) Nếu nội dung đơn của họ phù hợp với nội dung kháng cáo của người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng, thì Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận để xét xử phúc thẩm theo thủ tục chung;
b.2) Nếu nội dung đơn của họ không phù hợp với nội dung kháng cáo của người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng hoặc người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng không kháng cáo và trong vụ án còn có những người tham gia tố tụng khác kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị, thì khi xét xử phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án hoặc quyết định sơ thẩm về phần có liên quan mà họ có khiếu nại hoặc xin xét xử phúc thẩm vụ án để điều tra lại hoặc xét xử sơ thẩm lại do vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng (chưa đưa họ vào tham gia tố tụng khi quyền, lợi ích của họ xung đột với quyền, lợi ích của người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng);
b.3) Nếu trong vụ án không có ai kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị, thì đơn của họ được coi là đơn khiếu nại đối với bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Trong trường hợp này bản án hoặc quyết định sơ thẩm sẽ được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm.
Thứ ba: Người bào chữa
Để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo bị hạn chế về mặt năng lực hành vi tố tụng, người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của bị cáo chưa thành niên hoặc có nhược điểm về tinh thần và thể chất. Đây là quyền kháng cáo độc lập của người bào chữa, không phụ thuộc vào việc bị cáo có đồng ý hay không đồng ý.
Thứ tư: Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ
Vì nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự tham gia vụ án hình sự để giải quyết vấn đề dân sự phát sinh trong vụ án hình sự, cho nên, quyền kháng cáo bị hạn chế trong phạm vi phần bản án, quyết định liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
Thứ năm: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
Thứ sáu: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ. Đây cũng là quyền kháng cáo độc lập của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp , không phụ thuộc vào việc bị hại, đương sự có đồng ý hay không đồng ý.
Trong lĩnh vực hành chính
Theo Điều 204 Luật tố tụng hành chính 2015 thì những người sau đây sẽ có quyền kháng cáo, cụ thể:
Điều 204. Người có quyền kháng cáo
Đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Như vậy, theo quy định trên chủ thể có quyền kháng cáo bao gồm: Người khởi kiện, người bị kiện hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo đối với toàn bộ hoặc một phần bản án, quyết định sơ thẩm liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ chỉ có thể thực hiện quyền kháng cáo đối với phần nội dung ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Trong đó:
- Nếu đương sự là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có thể tự mình thực hiện quyền kháng cáo hoặc ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện việc kháng cáo.
- Nếu đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì người đại diện theo pháp luật sẽ kháng cáo mà không cần có sự ủy quyền bằng văn bản của đương sự.
- Nếu đương sự không có người đại diện cho họ thì Tòa án sẽ cử một người thân thích của họ hoặc yêu cầu một cơ quan tổ chức cử thành viên làm người đại diện cho họ kháng cáo.
- Nếu đương sự là cơ quan, tổ chức thì quyền kháng cáo thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền
Hy vọng bài viết có ích cho bạn đọc!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư doanh nghiệp Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102