Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp

bởi Vudinhha

Mỗi doanh nghiệp khi kinh doanh có lãi đều phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Vậy công thức tính cũng như cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp được tính như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật sư X sẽ giải đáp thắc mắc của các ban.

Căn cứ:

  • Luật doanh nghiệp 2014
  • Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2013;
  • Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
  • Thông tư 78/2014/TT – BTC.

Nội dung tư vấn

1. Đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

Điều 2 của Nghị định 218/2013/NĐ – CP có quy định về người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp gồm những trường hợp sau:

  • Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật chứng khoán, Luật dầu khí, Luật thương mại và quy định tại các văn bản pháp luật khác dưới các hình thức: Công ty cổ phần; công ty trách nhiệm hữu hạn; công ty hợp danh; doanh nghiệp tư nhân; các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh; các bên trong hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, xí nghiệp liên doanh dầu khí, công ty điều hành chung; 
  • Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; 
  • Các đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Nghị định này;
  • Các tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật hợp tác xã;
  • Tổ chức khác ngoài tổ chức quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản này có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Nghị định này. 
  • Tổ chức được thành lập và hoạt động (hoặc đăng ký hoạt động) theo quy định của pháp luật Việt Nam, cá nhân kinh doanh là người nộp thuế theo phương pháp khấu trừ tại nguồn trong trường hợp mua dịch vụ (kể cả mua dịch vụ gắn với hàng hóa, mua hàng hóa được cung cấp, phân phối theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ hoặc theo các điều khoản thương mại quốc tế) trên cơ sở hợp đồng ký kết với doanh nghiệp nước ngoài quy định tại các Điểm c, d Khoản 2 Điều 2 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. 

2. Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp:

Thuế TNDN phải nộp

 = 

 (

Thu nhập tính thuế

 – 

Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có)

 x 

Thuế suất thuế TNDN

2.1. Xác định thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế  =  Thu nhập chịu thuế  –   ( Thu nhập được miễn thuế  +  Các khoản lỗ kết chuyển )

Trong đó:

– Thu nhập chịu thuế được tính bằng công thức sau:

Thu nhập chịu thuế  =  (  Doanh thu   –  Các khoản chi phí được trừ của hoạt động sản xuất, kinh doanh  +  Thu nhập khác

+ Doanh thu = tiền bán hàng + tiền gia công + tiền cung ứng dịch vụ + trợ giá, phụ thu, phụ trội.

+ Các khoản chi phí được trừ bao gồm:

  •  Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khoản chi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
  •  Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

+ Các khoản chi phí không được trừ bao gồm:

  • Khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện trên, trừ phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường;
  • Khoản tiền phạt do vi phạm hành chính;
  • Khoản chi được bù đắp bằng nguồn kinh phí khác;
  • Phần chi phí quản lý kinh doanh do doanh nghiệp nước ngoài phân bổ cho cơ sở thường trú tại Việt Nam vượt mức tính theo phương pháp phân bổ do pháp luật Việt Nam quy định;
  • Phần chi vượt mức theo quy định của pháp luật về trích lập dự phòng;
  • Phần chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa vượt định mức tiêu hao do doanh nghiệp xây dựng, thông báo cho cơ quan thuế và giá thực tế xuất kho;
  • Phần chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay;
  • Trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định của pháp luật (Phần trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định của Bộ Tài chính, bao gồm: Khấu hao đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ: ô tô dùng cho kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn; ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô) tương ứng với phần nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng/xe; khấu hao của tàu bay dân dụng, du thuyền không sử dụng kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn)
  • Khoản trích trước vào chi phí không đúng quy định của pháp luật;
  • Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân; thù lao trả cho sáng lập viên doanh nghiệp không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh; tiền lương, tiền công, các khoản hạch toán khác để trả cho người lao động nhưng thực tế không chi trả hoặc không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật;
  • Chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu;
  • Thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được khấu trừ, thuế giá trị gia tăng nộp theo phương pháp khấu trừ, thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt quá 10% tổng số chi được trừ; đối với doanh nghiệp thành lập mới là phần chi vượt quá 15% trong ba năm đầu, kể từ khi được thành lập. Tổng số chi được trừ không bao gồm các khoản chi quy định tại điểm này; đối với hoạt động thương mại, tổng số chi được trừ không bao gồm giá mua của hàng hóa bán ra;
  • Khoản tài trợ, trừ khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, khắc phục hậu quả thiên tai và làm nhà tình nghĩa cho người nghèo theo quy định của pháp luật.

+ Các khoản thu nhập khác:

  • Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán.
  • Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.
  • Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, …

– Thu nhập miễn thuế:

  • Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản,…
  • Thu nhập từ việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp,…
  • Thu nhập từ thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học…
  • Thu nhập từ hoạt động kinh doanh nhưng có lao động là người khuyết tật… 

– Lỗ kết chuyển:

  • Doanh nghiệp có lỗ được chuyển lỗ sang năm sau; số lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế. Thời gian được chuyển lỗ không quá năm năm, kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ. 
  • Doanh nghiệp có lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư sau khi đã thực hiện bù trừ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Luật này nếu còn lỗ và doanh nghiệp có lỗ từ hoạt động chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản được chuyển lỗ sang năm sau vào thu nhập tính thuế của hoạt động đó. Thời gian chuyển lỗ cũng không quá 5 năm kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ.

2.2. Thuế suất

  • Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%;
  • Thuế suất từ 32% – 50%: áp dụng đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam. Đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, căn cứ vào vị trí, điều kiện khai thác và trữ lượng mỏ, Thủ tướng Chính phủ quyết định mức thuế suất cụ thể phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
  • Thuế suất 40%: áp dụng trong trường hợp các mỏ có từ 70% diện tích được giao trở lên ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thuộc danh mục địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
  • Thuế suất 50%: áp dụng đối với các mỏ tài nguyên bạch kim, vàng, bạc, thiếc, wonfram, antimoan, đá quý, đất hiếm.

2.3. Phương pháp tính thuế

2.3.1 Đối với doanh nghiệp trong nước:

  • Thuế thu nhập doanh nghiệp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
  • Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế thu nhập ở ngoài Việt Nam thì được trừ số thuế thu nhập đã nộp nhưng tối đa không quá số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

2.3.2 Đối với doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại VN:

Phương pháp tính thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam mà khoản thu nhập này không liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú (điểm c, Điều 2 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp) và doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam (điểm d, Điều 2 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp): Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam, cụ thể như sau:

  • Dịch vụ: 5%, riêng dịch vụ quản lý nhà hàng, khách sạn, casino: 10%; trường hợp cung ứng dịch vụ có gắn với hàng hóa thì hàng hóa được tính theo tỷ lệ 1%; trường hợp không tách riêng được giá trị hàng hóa với giá trị dịch vụ là 2%;
  • Cung cấp và phân phối hàng hóa tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ hoặc theo các điều khoản thương mại quốc tế (Incoterms) là 1%;
  • Tiền bản quyền là 10%;
  • Thuê tàu bay (kể cả thuê động cơ, phụ tùng tàu bay), tàu biển là 2%;
  • Thuê giàn khoan, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải (trừ quy định tại Điểm d Khoản này) là 5%;
  • Lãi tiền vay là 5%;
  • Chuyển nhượng chứng khoán, tái bảo hiểm ra nước ngoài là 0,1%;
  • Dịch vụ tài chính phái sinh là 2%;
  • Xây dựng, vận tải và hoạt động khác là 2%.

2.3.3 Trường hợp đặc biệt:

– Đối với hoạt động khai thác dầu khí có quy định việc hạch toán doanh thu, chi phí bằng ngoại tệ trong hợp đồng thì thu nhập tính thuế và số thuế phải nộp được xác định bằng ngoại tệ.

– Đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác không phải là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp mà các đơn vị này hạch toán được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ, cụ thể như sau:

  • Đối với dịch vụ (bao gồm cả lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay): 5%. Riêng hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật áp dụng mức thuế quy định tại Điểm c Khoản này
  • Đối với kinh doanh hàng hóa là 1%;
  • Đối với hoạt động khác là 2%.

Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả.

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về thành lập công ty tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm