Chi phí phúc lợi cho nhân viên có được trừ khi tính thuế?

bởi Hoàng Hà

Mỗi doanh nghiệp luôn có quỹ phúc lợi riêng để hỗ trợ cho đời sống của nhân viên bên cạnh chế độ tiền lương. Theo đó, để những khoản chi phúc lợi này hợp lý và được trừ khi tính thuế thì phải đáp ứng những điều kiện gì? Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X nhé.

Căn cứ pháp lý

  • Văn bản hợp nhất 14/VBHN-VPQH năm 2014 hợp nhất Luật thuế thu nhập doanh nghiệp do Văn phòng Quốc hội ban hành;
  • Văn bản hợp nhất 11/VBHN-BTC năm 2017 hướng dẫn Nghị định 218/2013/NĐ-CP quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành;
  • Thông tư 92/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung thông tư 111/2013/TT-BTC;
  • Công văn 4005/TCT-CS năm 2015 về kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đối với những khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động do Tổng cục Thuế ban hành;

Nội dung tư vấn

1. Chi phí phúc lợi cho nhân viên gồm những gì?

Căn cứ tại Khoản 2 Điều 6 Văn bản hợp nhất 11/VBHN-BTC có quy định về Chi phí phúc lợi cho nhân viên gồm các chi phí sau:

  • Đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động;
  • Chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị;
  • Chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo;
  • Chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau;
  • Chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập;
  • Chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động;
  • Chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 điều này) 
  • Những khoản chi có tính chất phúc lợi khác.

Cần lưu ý: Mức tối đa đối với chi phí phúc lợi cho nhân viên theo quy định như sau:

Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

Theo đó:

  • Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) 12 tháng.
  • Trường hợp doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng thì: Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) số tháng thực tế hoạt động trong năm.
  • Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).

Ví dụ: Doanh nghiệp A năm 2019 có quỹ lương thực tế thực hiện là 36 tỷ đồng thì việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế 2019 của doanh nghiệp như sau: (36.000.000.000 đồng : 12 tháng) = 3.000.000.000 đồng.

2. Trách nhiệm về thuế đối với chi phí phúc lợi cho nhân viên:

a. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp:

Căn cứ tại Khoản 1 Điều 6 Văn bản hợp nhất 11/VBHN-BTC năm 2017 thì Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động để được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì cần những điều kiện sau:

1. Tổng số chi có tính chất phúc lợi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp;

2. Quy chế lương thưởng của doanh nghiệp, quy chế tài chính, chi tiêu nội bộ, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể,.. (trong đó quy định điều kiện hưởng và mức hưởng).

3. Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp như:

  • Hóa đơn mua hàng hóa dịch vụ
  • Bảng kê danh sách người lao động tham gia nghỉ mát, đi học…
  • Quyết định của bộ phận quản lý có thẩm quyền về việc đi nghỉ mát, quyết định phê duyệt kinh phí.
  • Hoá đơn viện phí, hồ sơ bệnh án… nếu đi điều trị.
  • Hóa đơn của công ty du lịch, khách sạn, nhà hàng.
  • Chi phí đi lại ngày lễ, tết (phải có cuống vé hoặc vé…).

Cần lưu ý:

Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

b. Đối với thuế thu nhập cá nhân:

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC và  Khoản 5 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC có quy định như sau:

Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế

g) Không tính vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản sau:

g.1) Khoản hỗ trợ của người sử dụng lao động cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân của người lao động.

g.2) Khoản tiền nhận được theo quy định về sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức Đảng, đoàn thể.

g.3) Khoản tiền nhận được theo chế độ nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật.

g.4) Các khoản nhận được ngoài tiền lương, tiền công do tham gia ý kiến, thẩm định, thẩm tra các văn bản pháp luật, Nghị quyết, các báo cáo chính trị; tham gia các đoàn kiểm tra giám sát; tiếp cử tri, tiếp công dân; trang phục và các công việc khác có liên quan đến phục vụ trực tiếp hoạt động của Văn phòng Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội; Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; Văn phòng Thành ủy, Tỉnh ủy và các Ban của Thành uỷ, Tỉnh ủy.

g.5) Khoản tiền ăn giữa ca, ăn trưa do người sử dụng lao động tổ chức bữa ăn giữa, ăn trưa ca cho người lao động dưới các hình thức như trực tiếp nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn.

g.6) Khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do người sử dụng lao động trả hộ (hoặc thanh toán) cho người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người lao động là người Việt Nam làm việc ở nước ngoài về phép mỗi năm một lần.

g.7) Khoản tiền học phí cho con của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam học tại Việt Nam, con của người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài học tại nước ngoài theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông do người sử dụng lao động trả hộ.

g.9) Các khoản thanh toán mà người sử dụng lao động trả để phục vụ việc điều động, luân chuyển người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại hợp đồng lao động, tuân thủ lịch lao động chuẩn theo thông lệ quốc tế của một số ngành như dầu khí, khai khoáng.

g.10) Khoản tiền nhận được do tổ chức, cá nhân trả thu nhập chi đám hiếu, hỉ cho bản thân và gia đình người lao động theo quy định chung của tổ chức, cá nhân trả thu nhập và phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp”.

đ.7) Các khoản lợi ích khác.

Các khoản lợi ích khác mà người sử dụng lao động chi cho người lao động như: chi trong các ngày nghỉ, lễ; thuê các dịch vụ tư vấn, thuê khai thuế cho đích danh một hoặc một nhóm cá nhân; chi cho người giúp việc gia đình như lái xe, người nấu ăn, người làm các công việc khác trong gia đình theo hợp đồng…

Cần lưu ý: Khi công ty tiến hành chi các khoản phúc lợi (như chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, giải trí thẩm mỹ, chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, giải trí thẩm mỹ…) cho nhân viên thì tùy từng trường hợp, nhân viên có thể phải đóng thuế thu nhập cá nhân hoặc không đóng. Cụ thể như tại Tiết đ.3.2 Điểm đ Khoản 2 Điều 2 của Thông tư 111/2013/TT-BTC) có quy định như sau:

Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế

đ.3.2) Khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, giải trí thẩm mỹ… nếu nội dung chi trả ghi rõ tên cá nhân được hưởng. Trường hợp nội dung chi trả phí dịch vụ không ghi tên cá nhân được hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

Theo đó, nếu khoản chi phúc lợi ghi rõ tên của nhân viên  được hưởng hoặc khoản chi này được trả bẳng tiền mặt cho từng nhân viên  thì sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế của nhân viên.  Ngược lại, nếu khoản chi phúc lợi không ghi tên nhân viên được hưởng mà chi chung cho toàn công ty thì nó sẽ không được tính vào thu nhập chịu thuế của nhân viên .

c. Đối với thuế giá trị gia tăng:

Theo quy định tại Công văn 4005/TCT-CS năm 2015 có hướng dẫn như sau

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào thì:

“Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất…”.

Căn cứ các hướng dẫn trên, trường hợp doanh nghiệp có khoản chi phúc lợi mà người lao động được thụ hưởng trực tiếp thì khoản chi đó được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản chi có tính chất phúc lợi cho người lao động nếu có đầy đủ hóa đơn chứng từ và tổng số chi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế theo quy định, đồng thời doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đối với những khoản chi phúc lợi tương ứng với khoản tiền được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế nêu trên nếu đáp ứng được các điều kiện về khấu trừ theo quy định.

Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư về thuế tại Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm