Căn cứ pháp lí
- Bộ luật Lao động 2012
- Luật Bảo hiểm xã hội 2014
- Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014
- Quyết định 595/QĐ-BHXH
- Nghị định 134/2015/NĐ-CP
- Nghị định 146/2018/NĐ-CP
- Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH
Nội dung tư vấn
1.Bảo hiểm tự nguyện là gì?
Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng bảo hiểm xã hội.
Khác với bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ gồm có hai chế độ hưu trí và tử tuất. Tức là, nếu đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia có thể sẽ được hưởng lương hưu, đồng thời, được trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất theo quy định.
Bảo hiểm y tế tự nguyện
Hiện nay, pháp luật chưa có một quy định cụ thể nào trực tiếp quy định về khái niệm bảo hiểm y tế tự nguyện. Tuy nhiên, dựa trên tinh thần của định nghĩa về bảo hiểm y tế nói chung, có thể hiểu rằng, bảo hiểm y tế tự nguyện là loại hình bảo hiểm mà người dân tự nguyện tham gia, do Nhà nước thực hiện không vì mục đích lợi nhuận để mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe khi đau ốm, bệnh tật từ Quỹ bảo hiểm y tế.
2. Đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bắt buộc thì đều có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Cụ thể, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, không thuộc diện áp dụng của pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng;
- Cán bộ không chuyên trách ở cấp xã;
- Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, kể cả xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
- Người lao động tự tạo việc làm;
- Người lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đã nhận bảo hiểm xã hội một lần;
- Người tham gia khác.
Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện
Hiện nay, có 06 nhóm đối tượng phải tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP:
- Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng;
- Nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng;
- Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng;
- Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng;
- Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình;
- Nhóm do người sử dụng lao động đóng.
Theo đó, chỉ những đối tượng không thuộc diện tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc nêu trên mới được tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Các cá nhân cần lưu ý diện tham gia bảo hiểm y tế của mình để có thể kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi cần thiết.
3. Mua bảo hiểm tự nguyện có cần làm thủ tục gì không?
Thủ tục mua bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 97 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, để mua bảo hiểm xã hội tự nguyện, người dân cần thực hiện đúng thủ tục như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và điền đầy đủ thông tin vào các giấy tờ sau:
- Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội;
- Lưu ý: Trường hợp người đã tham gia bảo hiểm xã hội tại nơi khác, cần bổ sung thêm:
-
- Sổ bảo hiểm xã hội
- Bản quá trình đóng bảo hiểm xã hội (do cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đi cấp)
- Mẫu tờ khai đối với đơn vị đại diện (trường hợp đơn vị đại diện cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện)
Bước 2: Nộp hồ sơ, giấy tờ và đóng tiền tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú (nơi tạm trú hoặc thường trú) theo quy định.
Cụ thể: Mỗi tháng người tham gia phải đóng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn.
Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. ( Theo Khoản 1 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP).
Bước 3: Nhận giấy hẹn trả kết quả, căn cứ thời hạn trên giấy hẹn để đến nhận thẻ.
Thủ tục mua bảo hiểm y tế tự nguyện
Để có thể mua bảo hiểm y tế tự nguyện, người dân cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và điền đầy đủ thông tin vào các giấy tờ sau:
- Tờ khai tham gia bảo hiểm y tế theo mẫu TK1-TS (01 bản/người);
- Danh sách hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế theo mẫu DK01 nhận từ Trưởng thôn, xóm, khu phố, ấp, bản;
- Bản sao Sổ hộ khẩu;
- Bản chính hoặc bản chụp thẻ bảo hiểm y tế của các thành viên khác trong hộ khẩu đã có thẻ để xác định giảm trừ mức đóng.
Bước 2: Xuất trình giấy chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân, hộ khẩu hoặc giấy tạm trú, cơ quan bảo hiểm xã hội xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc đại lý thu bảo hiểm xã hội.
Bước 3: Nộp hồ sơ, giấy tờ và đóng tiền tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện theo quy định.
Cụ thể: Theo điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng hàng tháng của người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện theo hộ gia đình được tính như sau:
- Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở;
- Người thứ hai đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất;
- Người thứ ba đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất;
- Người thứ tư đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất;
- Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Bước 4: Nhận giấy hẹn trả kết quả, căn cứ thời hạn trên giấy hẹn để đến nhận thẻ.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan bảo hiểm y tế nhận được hồ sơ hợp lệ, người dân sẽ được nhận thẻ bảo hiểm y tế của mình.
Như vậy, dù là hình thức bảo hiểm tự nguyện, tuy nhiên để được công nhận là đã tham gia loại hình bảo hiểm này, chúng ta vẫn cần phải thực hiện theo đúng trình tự thủ tục mà pháp luật về bảo hiểm đã quy định, tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra, gây ảnh hưởng đến thời gian, tiền bạc và những lợi ích hợp pháp của cá nhân nói chung.
Mong bài viết hữu ích cho các bạn!