Căn cứ:
- Luật phòng cháy, chữa cháy 2001
- Nghị định 38/2006/NĐ-CP
- Thông tư 01/2016/TT-BCA
- Nghị định 27/2010/NĐ-CP
- Thông tư 08/2010/TT-BGTVT
Nội dung tư vấn:
1. Dân phòng có quyền dừng xe kiểm tra không?
Dân phòng còn có tên gọi khác là lực lượng bảo vệ dân phố là một lực lượng thường tham gia với công an phường trong việc giữ trật tự an toàn xã hội ở các phường, thị trấn. Theo quy định của Luật phòng cháy, chữa cháy 2001 thì dân phòng được hiểu như sau: “5. Đội dân phòng là tổ chức gồm những người tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy, giữ gìn an ninh trật tự ở nơi cư trú.”
Theo đó, dân phòng có hai nhiệm vụ chính là tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy và giữ gìn an ninh trật tự ở nơi cư trú. Dựa trên hai nhiệm vụ này mà nhà nước ta quy định cho dân phòng hay lực lượng bảo vệ dân phố những quyền hạn nhất định, cụ thể tại Nghị định 38/2006/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 6. Quyền hạn của Bảo vệ dân phố
1. Bắt, tước hung khí và áp giải người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, trốn thi hành án phạt tù đến trụ sở Công an phường theo quy định của pháp luật.
2. Yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm và báo cáo với Ủy ban nhân dân, Công an phường để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những người đang có hành vi vi phạm trật tự công cộng, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, các vi phạm quy định an toàn cháy nổ và những người vi phạm các quy định khác về trật tự, an toàn xã hội.
3. Tham gia với lực lượng Công an hoặc lực lượng chức năng để truy bắt người phạm tội, người đang bị truy nã, trốn thi hành án; kiểm tra tạm trú, tạm vắng; kiểm tra giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tuỳ thân khác của những người tạm trú, người có nghi vấn đến địa bàn khu phố được phân công phụ trách.
Theo đó, dân phòng không có quyền hạn được dừng xe để kiểm tra mà chỉ có quyền tham gia hỗ trợ và báo cáo với lực lượng công an hoặc lực lượng chức năng xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông… nên dân phòng yêu cầu người dân khác dừng xe kiểm tra là hành vi lạm quyền và bất hợp pháp. Do đó, người dân có quyền từ chối yêu cầu hành vi này của dân phòng và có thể khiếu nại đến cơ quan chức năng như công an phường để được giải quyết.
2. Ai có quyền dừng xe kiểm tra?
Theo quy định của luật hiện hành thì những đối tượng sau được quyền dừng xe kiểm tra:
- Lực lượng cảnh sát giao thông
- Lực lượng cảnh sát khác và công an xã
- Thanh tra giao thông
- Lực lượng 141
Lực lượng cảnh sát giao thông:
Theo khoản 2 điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA, có 5 trường hợp cảnh sát giao thông được phép dừng các phương tiện tham gia giao thông như sau:
- Một là, khi trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
- Hai là, khi thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;
- Ba là, khi thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;
- Bốn là, khi có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
- Năm là, khi có tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Đồng thời, cảnh sát giao thông được dừng xe kiểm tra khi đảm bảo các yêu cầu sau:
- An toàn, đúng quy định của pháp luật;
- Không làm cản trở đến hoạt động giao thông;
- Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Nếu dừng xe để kiểm tra hành chính, cảnh sát giao thông nhất thiết phải đeo biển hiệu, có chuyên đề hoặc mệnh lệnh, kế hoạch do trưởng Công an cấp huyện trở lên ký. Nếu xử lý lỗi vi phạm luật giao thông, cảnh sát giao thông phải chứng minh được lỗi vi phạm bằng hình ảnh.
Lực lượng cảnh sát khác và công an xã
Theo thông tư 01/2016/TT-BCA và nghị định 27/2010/NĐ-CP thì ngoài lực lượng cảnh sát giao thông còn một số lực lượng khác cũng có thẩm quyền dừng phương tiện đang lưu thông để kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ khi được huy động phối hợp với CSGT. Theo nghị định số 27/2010/NĐ-CP thì các lực lượng có thể được huy động phối hợp với CSGT tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi cần thiết gồm: Công an xã, phường, thị trấn và các lực lượng Cảnh sát khác (gồm: Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động (CSCĐ), Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát bảo vệ, và Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội).
Lực lượng này chỉ được quyền dừng xe trong trường hợp có quyết định hoặc kế hoạch huy động phối hợp với CSGT tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi cần thiết. Theo Điều 9 Nghị định số 27/2010/NĐ-CP thì lực lượng cảnh sát khác và công an xã khi phối hợp tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ có ba nhiệm vụ sau:
- Thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo sự chỉ đạo, điều hành của Cảnh sát giao thông đường bộ và theo Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền khi tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có Cảnh sát giao thông đường bộ đi cùng;
- Thống kê, báo cáo các vụ, việc vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông đường bộ; kết quả công tác tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo sự phân công trong Kế hoạch đã được phê duyệt.
Thanh tra giao thông:
Theo Điều 4 Thông tư 08/2010/TT-BGTVT thì thanh tra giao thông được quyền dừng xe kiểm tra khi thuộc một trong các trường hợp sau:
Dừng phương tiện giao thông đường bộ trong trường hợp cấp thiết để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 86 Luật Giao thông đường bộ, cụ thể như sau:
- Phương tiện giao thông đường bộ đang lưu hành có dấu hiệu vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ;
- Phương tiện giao thông đường bộ đang lưu hành có dấu hiệu vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ;
- Xe bánh xích lưu thông trực tiếp xích trên đường làm hư hại đường bộ;
- Phương tiện giao thông đường bộ đổ đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác trái phép lên đường bộ hoặc vào hành lang an toàn đường bộ.
Dừng phương tiện giao thông đường bộ để đình chỉ hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, tại Hà Nội còn có Tổ công tác liên ngành 141, gồm: cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, và cảnh sát hình sự, được thành lập với nhiệm vụ chính là tuần tra kiểm soát, kiểm tra hành chính để phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng lợi dụng tuyến giao thông để thực hiện hành vi phạm tội.
Hy vọng bài viết có ích cho bạn!