Nghĩa vụ quân sự là một nghĩa vụ vẻ vang của công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng và của tất cả các quốc gia trên thế giới đang quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với công dân của mình nói chung. Việc công dân tham gia nghĩa vụ quân sự không chỉ giúp cho quốc gia đó bồi dưỡng, đào tạo được nhiều người có thể sẵn sàng chiến đấu khi có chiến tranh mà còn giúp cho chính những công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự có tác phong “chuyên nghiệp”. Khi tham gia nghĩa vụ quân sự, chắc hẳn người thân của những cá nhân đi nghĩa vụ quân sự cũng như chính cá nhân đó đều quan tâm đến việc “con cái của họ/ họ có được về thăm nhà hay không hay nói cách khác những người đi nghĩa vụ quân sự có được về phép hay không”? Vậy, hãy cùng Luật sư X tìm hiểu nhé!
Căn cứ pháp lý
Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015
Nghị định số 27/2016/NĐ-CP
Nội dung tư vấn
1. Nghĩa vụ quân sự là gì?
Khái niệm
Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang, bắt buộc đối với cá nhân khi họ đáp ứng những điều kiện mà pháp luật quy định phục vụ trong Quân đội nhân dân.
Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự 2015.
Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân:
- Phục vụ tại ngũ là việc công dân đang phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển.
- Phục vụ trong ngạch dự bị là việc công dân đã đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.
Đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự
Đăng ký nghĩa vụ quân sự là việc lập hồ sơ về nghĩa vụ quân sự của công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự, gồm:
- Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên.
- Công dân nữ đủ 18 tuổi trở lên có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân.
Đối tượng không được đăng ký nghĩa vụ quân sự, gồm:
- Công dân đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích;
- Công dân đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Công dân bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Đối tượng được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự, bao gồm: người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ phục vụ tại ngũ và nghĩa vụ phục vụ trong ngạch dự bị
Nghĩa vụ phục vụ tại ngũ được áp dụng đối với:
- Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân.
- Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ.
Nghĩa vụ phục vụ trong ngạch dự bị được áp dụng đối với:
- Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có nghĩa vụ phục vụ trong ngạch dự bị bao gồm các trường hợp sau đây:
- (i) Hết độ tuổi gọi nhập ngũ (trên 25 tuổi, đối với công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì trên 27 tuổi đến hết 45 tuổi) nhưng chưa phục vụ tại ngũ;
- (ii) Thôi phục vụ tại ngũ;
- (iii) Thôi phục vụ trong Công an nhân dân.
- Công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân.
2. Công dân đang thực hiện nghĩa vụ quân sự có được về phép không?
Điều 50 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân, theo đó : “Từ tháng thứ mười ba trở đi, được nghỉ phép theo chế độ; các trường hợp nghỉ vì lý do đột xuất khác do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định”.
Theo tinh thần của điều luật có thể thấy, công dân khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự từ tháng thứ mười ba trở đi có quyền được nghỉ phép theo chế độ hoặc vì lý do khác theo quy định của pháp luật. Việc quy định về chế độ nghỉ phép đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ như vậy là hoàn toàn phù hợp.
Về chế độ nghỉ phép này được quy định cụ thể tại Điều 3 Nghị định 27/2016/NĐ-CP theo đó:
- Hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ từ tháng thứ mười ba trở đi thì được nghỉ phép hàng năm; thời gian nghỉ là 10 ngày (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định pháp luật hiện hành.
- Hạ sĩ quan, binh sĩ đã nghỉ phép năm theo chế độ, nếu gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn nặng hoặc bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng và con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trần, mất tích hoặc hạ sĩ quan, binh sĩ lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì được nghỉ phép đặc biệt, thời gian không quá 05 ngày (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định pháp luật hiện hành.
Trường hợp đặc biệt do yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu hoặc ở những nơi điều kiện đi lại khó khăn không thể giải quyết cho nghỉ phép thì được thanh toán bằng tiền. Mức tiền thanh toán một ngày không nghỉ phép bằng mức tiền ăn cơ bản một ngày của của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh.
Con người ta ai cũng có nỗi nhớ nhà, nhớ người thân; việc pháp luật quy định cho phép công dân đang thực hiện nghĩa vụ quân sự được về phép tạo điều kiện cho họ về thăm quê hương, gia đình; cũng như giúp cho họ làm tròn bổn phận của một người con, người cha (mẹ), người chồng (người vợ),…; ngoài ra, đây cũng như là một “phần thưởng” cho sự phấn đấu, công sức mà họ đã bỏ ra.
Hi vọng bài viết hữu ích đối với bạn đọc!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ giải quyết hành chính Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102