Tư cách pháp nhân là một thuật ngữ được quy định trong Bộ luật dân sự 2015 và là điều hướng tới của nhiều người khi lựa chọn loại hình kinh doanh. Tuy nhiên không phải loại hình kinh doanh nào cũng có tư cách pháp nhân. Ví dụ như những loại hình có tư cách pháp nhân phổ biến là công ty TNHH, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh. Vậy còn doanh nghiệp tư nhân? Liệu loại hình này có tư cách pháp nhân hay không hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Căn cứ:
- Bộ luật dân sự 2015
- Luật doanh nghiệp 2014
Nội dung tư vấn
1. Tư cách pháp nhân là gì?
Tư cách pháp nhân là tư cách pháp lý của một tổ chức được pháp luật công nhận, với tư cách này tổ chức có tài sản độc lập, chịu trách nhiệm bằng tài sản của chính mình và tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 64 Bộ luật dân sự 2015 thì một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi đủ các điều kiện sau đây:
- Được thành lập theo quy định của Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan
- Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật dân sự;
Điều 83. Cơ cấu tổ chức của pháp nhân
1. Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.
2. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.
- Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình
- Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Ví dụ: Công ty TNHH A là một pháp nhân hay nói cách khác là một tổ chức có tư cách pháp nhân. Vì công ty A được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp; có cơ cấu tổ chức với cơ quan quản lý cao nhất là hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc là người điều hành công ty và có điều lệ công ty cụ thể; chịu trách nhiệm hữu hạn đối với các vấn đề tài chính bằng chính tài sản của công ty chứ không liên quan đến tài sản của chủ sở hữu công ty và tự mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập với tư cách là công ty TNHH A.
2. Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân
Vì doanh nghiệp tư nhân không đáp ứng đủ 4 điều kiện để trở thành pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 cụ thể là điều kiện về tài sản độc lập và điều kiện về tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập nên doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.
2.1 Doanh nghiệp tư nhân không có tài sản độc lập
Căn cứ theo khoản 1 Điều 183 Luật Doanh nghiệp 2014 thì doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Có thể thấy doanh nghiệp tư nhân không có tài sản độc lập, mọi hoạt động của doanh nghiệp đều dựa trên tài sản của chủ sở hữu trong khi yêu cầu của một tổ chức có tư cách pháp nhân là tổ chức đó phải có tài sản độc lập. Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân phải có trách nhiệm vô hạn đối với các vấn đề tài chính của doanh nghiệp. Trong khi chủ sở hữu của một số loại hình kinh doanh khác như công ty cổ phần hoặc công ty TNHH sẽ có trách nhiệm hữu hạn đối với vấn đề tài chính của công ty.
Ví dụ: Doanh nghiệp tư nhân B tuyên bố phá sản sau 4 năm hoạt động. Số nợ doanh nghiệp B phải thanh toán là 5 tỷ. Sau khi thanh lý tất cả tài sản của doanh nghiệp B, doanh nghiệp B vẫn còn nợ 2 tỷ. Lúc này chủ sở hữu doanh nghiệp phải tiếp tục thanh toán số nợ bằng toàn bộ tài sản của chính mình. Trong trường hợp khác nếu B là công ty TNHH thì chủ sở hữu không có trách nhiệm trả nợ bằng tài sản của mình mà khoản nợ sẽ được thanh toán toàn bộ bằng tài sản của công ty.
2.2 Doanh nghiệp tư nhân không thể tự mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Khi tham gia các quan hệ pháp luật, chủ sở hữu hoặc người đại diện của doanh nghiệp sẽ nhân danh chính họ chứ không thay mặt cho doanh nghiệp mặc dù các quan hệ này liên quan đến doanh nghiệp tư nhân. Theo đó doanh nghiệp tư nhân sẽ không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Mặt khác khi phải tham gia các phiên tòa tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp thì nguyên đơn hoặc bị đơn trong tranh chấp sẽ là chủ doanh nghiệp tư nhân chứ không phải doanh nghiệp tư nhân.
Ví dụ: Doanh nghiệp tư nhân B bị ông A kiện vì đã bán hàng kém chất lượng cho ông A. Trong trường hợp này bị đơn là chủ doanh nghiệp đồng thời là người đại diện theo pháp luật của B chứ không phải là doanh nghiệp B.
Như vậy, vì doanh nghiệp tư nhân chỉ được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp và có cơ cấu tổ chức theo quy định của Bộ luật dân sự mà không có tài sản độc lập cũng như tư cách tham gia quan hệ pháp luật độc lập nên không có tư cách pháp nhân.
Hy vọng bài viết này hữu ích với bạn!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ doanh nghiệp tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102