Vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam gần đây đã và đang ngày càng được các cơ quan, tổ chức quan tâm. Quấy rối tình dục và ngược đãi người lao động bị cấm theo bộ luật Lao động. Theo đó, mỗi người phải tự biết bảo vệ mình trước việc bị quấy rối tình dục nơi làm việc. Có thể bằng cách lên tiếng và có thái độ dứt khoát, rõ ràng đối với mọi hành động quấy rối đó. Theo đó, quy định của pháp luật hiện hành đối với hành vi quấy rối tình dục người khác nơi làm việc bị xử lý thế nào? Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X để có thể bảm đảm được quyền lợi của mình nếu không may gặp phải trường hợp này.
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật lao động 2012;
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình;
- Văn bản hợp nhất 01/VBHN-VPQH năm 2017 hợp nhất Bộ luật Hình sự do Văn phòng Quốc hội ban hành;
Nội dung tư vấn
1. Thế nào được coi là có hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc ?
a. Định nghĩa:
Hiện nay, Bộ luật Lao động đã nhắc đến hành vi quấy rối tình dục và quy định một số hệ quả pháp lý khi xảy ra hành vi này, song lại không có quy định cụ thể thế nào là hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Vì vây, để từng bước góp phần thực thi các qui định của pháp luật và thúc đẩy việc phòng, chống hành vi quấy rối tình dục trên thực tế, Ủy ban Quan hệ lao động, do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc” để người sử dụng lao động (cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp…), cùng với người lao động xây dựng, lồng ghép vào nội quy, quy chế của đơn vị, làm cơ sở cho việc phòng, chống hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, nhằm mục đích phát triển quan hệ lao động hài hòa, tạo môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, năng suất và chất lượng cao.
Theo bộ quy tắc, “Quấy rối tình dục” là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu. Hình thức tồi tệ nhất của hành vi quấy rối tình dục là những hành vi tấn công có tính chất tình dục hoặc hiếp dâm được quy định trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật hình sự. Những lời khen hoặc khích lệ thông thường được chấp nhận hoặc phù hợp về mặt văn hóa, xã hội không bị coi là hành vi quấy rồi tình dục. Hành vi giao cấu đồng thuận (trừ hành vi pháp luật cấm như giao cấu với trẻ em, giao cấu với người chưa thành niên…), tiếp nhận hay đáp lại đều không được xem là hành vi quấy rối tình dục.
Thuật ngữ “nơi làm việc” trong Bộ quy tắc không chỉ bao hàm những địa điểm cụ thể nơi thực hiện công việc như văn phòng hay nhà máy, mà còn là những địa điểm khác có liên quan tới công việc. Do đó, nơi làm việc ở đây có thể hiểu theo nghĩa rộng là bao gồm cả những địa điểm hay những việc có liên quan đến công việc như:
• Các hoạt động xã hội liên quan đến công việc, như tiệc chiêu đãi, đón tiếp được doanh nghiệp tổ chức, dành cho nhân viên hoặc khách hàng,…;
• Hội thảo, tập huấn;
Chuyến đi công tác chính thức;
• Các bữa ăn liên quan đến công việc;
• Hội thoại trên điện thoại liên quan đến công việc;
• Các hoạt động giao tiếp liên quan đến công việc qua phương tiện điện tử…
b. Các hành vi cụ thể:
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể là hành vi liên quan đến thể chất, lời nói hoặc phi lời nói, bao gồm những nội dung chủ yếu như sau:
- Quấy rối tình dục bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, hay cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.
- Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.
- Quấy rối tình dục bằng hành vi phi lời nói gồm các hành động không được mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của các ngón tay… Hình thức này cũng bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, các áp phích, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan tới tình dục.
Những hành vi này có thể được thực hiện bởi người sử dụng lao động, người giám sát hay người quản lý, cũng có thể là những người đồng nghiệp thường xuyên làm việc với nhau. Từ đó, sẽ tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ và khó chịu.
2. Các hình thức xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc:
a. Xử lý kỷ luật lao động:
Trước hết, đối với người lao động là nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc thì theo điểm c Khoản 1 Điều 37 Bộ luật lao động 2012 có quy định như sau:
Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:
c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;
Theo đó, người lao động hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lý do bị quấy rối tình dục nơi làm việc, song đó, người lao động cần tuân thủ thời hạn thông báo chấm dứt hợp đồng cho người sử dụng lao động là được. Tuy nhiên, hiện nay không có hình thức xử lý cho người vi phạm những điều trên được quy định trong Bộ luật Lao động.
Mặt khác, để ngăn chặn tình trạng này cũng như bảo vệ người lao động, đặc biệt là lao động nữ, dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động hiện tại cũng đã đưa phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc và trình tự, thủ tục xử lý hành vi vi phạm phòng, chống quấy rối tình dục nơi làm việc là một nội dung của nội quy lao động. Khi đó, người lao động thực hiện hành vi quấy rối tình dục trong phạm vi nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động có thể sẽ bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.
b. Xử phạt vi phạm hành chính:
Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định như sau:
Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
b) Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác;
c) Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng.
Theo đó, người nào quấy rối thực hiện những hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” thì có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
c. Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Tùy vào mức độ hành vi thỏa mãn các quy định được mô tả trong điều luật nào thì tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng như sau:
- Tội hiếp dâm được quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 cụ thể:
Điều 141. Tội hiếp dâm
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
- Hoặc Tội cưỡng dâm được quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự 2015, cụ thể:
Điều 143. Tội cưỡng dâm:
1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
- Hoặc Tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự, cụ thể:
Điều 155. Tội làm nhực người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Như vậy, khi các chủ thể có hành vi quấy rối tình dục thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm một trong các tội nêu trên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của bộ luật hình sự.
Mong bài viêt hữu ích cho bạn đọc!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư trạnh tụng tại Việt Nam.
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.