Khi thực hiện các thủ tục hành chính hoặc trong các giao dịch trong đời sống, kinh tế, xã hội, chúng ta thường phải đóng các khoản phí và lệ phí khác nhau. Tuy nhiên, chắc hẳn không nhiều người phân biệt được điểm khác biệt giữa phí và lệ phí. Phí là gì? Lệ phí là gì? Khi nào phải đóng phí? Khi nào phải đóng lệ phí? Bài viết sau sẽ giải đáp những câu hỏi nêu trên.
Căn cứ:
- Luật phí và lệ phí 2015
Nội dung tư vấn
1. Phân biệt thông qua khái niệm
Tuy đều là những khoản tiền mà các tổ chức, cá nhân có liên quan phải nộp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên chúng lại mang những khái niệm khác nhau cơ bản. Cụ thể tại Điều 3 Luật phí và lệ phí quy định như sau:
- Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này.
- Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật này.
Như vậy đầu tiên có thể thấy rằng, “phí” là khoản tiền mà không chỉ được thu bởi các cơ quan nhà nước mà còn được thu bởi các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền trao cho quyền thu phí sau khi sử dụng các dịch vụ công được cung cấp. Như vậy, nguồn tiền thu được không “chảy” về ngân sách nhà nước mà đôi khi được dùng để bù đắp những chi phí của việc cung cấp các dịch vụ công. Đối tượng được quản lý và sử dụng khoản phí này là các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức thực hiện việc thu phí.
Khác với “phí”, pháp luật quy định “lệ phí” chỉ được thu bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc thu “lệ phí” nhằm mục đích đảm bảo hoạt động của việc công cấp dịch vụ công và vận hành bộ máy hành chính để quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công đó. Do đó, các khoản thu từ “lệ phí” sẽ được “chảy” vào ngân sách nhà nước.
2. Phân biệt thông qua nguyên tắc xác định mức thu
Do có những khác nhau về mục đích thu như trên, luật cũng quy định những nguyên tắc khác nhau cho việc thu phí và lệ phí. Cụ thể tại Điều 8 và Điều 9 Luật phí và lệ phí 2015 quy định như sau:
Điều 8. Nguyên tắc xác định mức thu phí
Mức thu phí được xác định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.
Điều 9. Nguyên tắc xác định mức thu lệ phí
Mức thu lệ phí được ấn định trước, không nhằm mục đích bù đắp chi phí; mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.
Như vậy có thể thấy rõ sự khác nhau về thời điểm xác định mức thu và phương pháp xác định mức thu của phí và lệ phí. Đối với việc xác định thu phí, cơ quan chức năng sẽ căn cứ từ việc cân đối chi phí cần bỏ ra để triển khai và hoạt động các dịch vụ công trong từng thời kỳ nhất định. Do chi phí cho các chính sách và các hoạt động của các dich vụ công còn được xuất phát từ nguồn ngân sách nhà nước. Vì vậy, khoản phí mà cơ quan nhà nước, và các tổ chức có thẩm quyền thu phí phải thu được xác định là số tiền sau khi lấy chi phí trừ đi khoản tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ. Cơ quan nhà nước, tổ chức có thẩm quyền thu phí từ đó sẽ phân bổ và xác định thời hạn thu cụ thể.
Còn đối với việc thu lệ phí không nhằm mục đích bù đắp chi phí. Do đó, cơ quan nhà nước sẽ xác định một con số nhất định đối với mỗi dịch vụ công, hoặc các giao dịch được thực hiện dựa trên nguyên tắc minh bạch, bình đẳng.
3. Thẩm quyền thu phí và lệ phí
Do có sự khác nhau về mục đích và hình thức xác định thu phí. Điều này dẫn tới việc các chủ thể có thẩm quyền thu phí và lệ phí cũng khác nhau. Cụ thể:
- Phí có thể do cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc các tổ chức tư nhân được nhà nước trao quyền thu phí. Ví dụ như đối với các dự án BOT, các nhà đầu tư sau khi bỏ tiền ra xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhà nước sẽ chấp thuận cho họ đặt các trạm thu phí của người đi đường để họ thu hồi vốn cũng như kiếm lợi nhuận từ hoạt động đầu từ.
- Lệ phí chỉ được thu bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các tổ chức khác không được phép thu lệ phí và cơ quan nhà nước cũng không được trao quyền thu lệ phí cho các tổ chức tư nhân. Ví dụ như lệ phí trước bạ đối với các giao dịch về chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 0,5% trên giá trị nhà và đất được chuyển nhượng.
4. Khác nhau về nhóm, loại các dịch vụ công thu phí và lệ phí
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ căn cứ theo các khoản thu phí và lệ phí dựa trên tiêu chí phân loại các nhóm, loại dịch vụ công cộng theo phạm vi, lĩnh vực tác động. Do đó, theo mục lục được ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí thì có sự khác nhau giữa số lượng các khoản thu phí và lệ phí như sau:
Đối với phí được thu phân thành 13 nhóm và thu trên 89 loại phí chính
Đối với lệ phí được phân thành 5 loại lệ phí và 64 loại lệ phí chính
Hy vọng thông qua bài viết, quy độc giả đã có cái nhìn rõ ràng hơn đối với hai khái niêm tưởng như tương đồng nhưng lại có những điểm khác nhau cơ bản nêu trên.
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102