Nhãn hiệu và tên thương mại là hai đối tượng của sở hữu công nghiệp, là cầu nối giữa nhà sản xuất hay nhà cung cấp dịch vụ đối với người tiêu dùng. Chúng hoàn toàn khác nhau về mặt bản chất, tuy nhiên, trên thực tế lại có rất nhiều người nhầm lẫn hai khái niệm này bởi một vài nét tương đồng về hình thức của chúng.Trong khuôn khổ bài viết dưới đây, hãy cùng Luật sư X tìm hiểu xem nhãn hiệu và tên thương mại có gì giống và khác nhau nhé!
Căn cứ pháp lí
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009
Nội dung tư vấn
1. Điểm giống nhau giữa nhãn hiệu và tên thương mại
- Đều là chỉ dẫn thương mại xuất hiện trên hàng hóa, được các chủ thế sử dụng trong hoạt động kinh doanh;
- Đều là những dấu hiệu nhìn thấy được;
- Đều có chức năng phân biệt.
2.Điểm khác nhau giữa nhãn hiệu và tên thương mại
Khái niệm
Nhãn hiệu: Khoản 6 điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định về nhãn hiệu như sau:
Điều 4: Giải thích từ ngữ
6. Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau
Nhìn chung, chữ cái, từ ngữ, hinh ảnh, sự sắp đặt, tiêu đề quảng cáo nhãn hàng hoặc sự kết hợp các yêu tố trên được sử dụng để phân biệt hàng hóa dịch vụ của các công ty khác nhau có thể được coi là nhãn hiệu.
Theo đó, trên cơ sở hai loại nhãn hiệu chính là nhãn hiệu dùng cho hàng hóa và nhãn hiệu cho dịch vụ thì có thể chia ra các loại nhãn hiệu cụ thể như: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết và nhãn hiệu nổi tiếng.
Ví dụ: Bưởi Phúc Trạch, Hồ tiêu Chư Sê, Gốm sứ Bát Tràng, Microsoft, Cocacola,…
Tên thương mại: Khoản 21 điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định về tên thương mại như sau:
Điều 4: Giải thích từ ngữ
21. Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Khu vực kinh doanh quy định tại khoản này là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.
Về cơ bản, do được sử dụng trong hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp, nên tên thương mại sẽ phải đáp ứng các yêu cầu mà pháp luật doanh nghiệp dành cho tên doanh nghiệp. Theo đó, tên thương mại phải là tập hợp các chữ, phát âm được và có nghĩa. Tên thương mại gồm hai phần: phần mô tả và phần phân biệt. Phần mô tả là tập hợp các từ có nghĩa mô tả tóm tắt loại hình kinh doanh. Phần phân biệt là tập hợp các chữ cái phát âm được, có thể có nghĩa hoặc không có nghĩa.
Ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn sữa Mộc Châu, Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Châu,…
Chức năng
Dựa vào hai khái niệm trên, có thể dễ dàng nhận thấy hai chức năng riêng biệt của hai phạm trù này.
-
Nhãn hiệu có chức năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác nhau.
Ví dụ: Nhãn hiệu Gốm sứ Bát Tràng sẽ phân biệt với dịch vụ Gốm sứ Mình Châu, với hai chủ thể hoàn toàn khác nhau là Bát Tràng và Minh Châu. Nhờ vào nhãn hiệu này, mà người tiêu dùng ý thức được rằng chất lượng, giá thành, giá trị sử dụng,… của gốm sứ Bát Tràng và Minh Châu là hoàn toàn khác nhau do không cùng một chủ thể sản xuất.
-
Trong khi đó, tên thương mại lại có chức năng phân biệt chủ thể kinh doanh này với chủ thể kinh doanh khác.
Ví dụ: Với tên Công ty trách nhiệm hữu hạn sữa Mộc Châu, phần mô tả là “Công ty trách nhiệm hữu hạn sữa”, phần phân biệt là “Mộc Châu”. Tên thương mại này giúp phân biệt Công ty sữa Mộc Châu với các công ty sữa khác, như Công ty sữa Long Thành, Công ty sữa Đông Anh,…
2.3.Điều kiện bảo hộ.
Nhãn hiệu: Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu được quy định tại điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ như sau:
Điều 72: Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ
Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc.
2. Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
Ví dụ: Nhãn hiệu lụa Hà Đông, Nhãn hiệu Bắc Cạn cho sản phẩm miến dong,…
Tên thương mại: Điều kiện bảo hộ tên thương mại được quy định tại điều 76 Luật Sở hữu trí tuệ như sau
Điều 76: Điều kiện chung đối với tên thương mại được bảo hộ
Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Cụ thể hóa hơn điều luật này, điều 78 Luật sở hữu trí tuệ quy định tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng được các điều kiện sau:
Điều78: Khả năng phân biệt của tên thương mại.
Tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng.
2. Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
3. Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.
Ví dụ: Công ty Bia rượu Hà Nội. Đây là một tên thương mại không chứa thành phần tên riêng (như là Công ty trách nhiệm hữu hạn bánh kẹo Hải Hà), tuy nhiên cái tên này đã tồn tại trong thời gian lâu dài cũng như được người tiêu dùng biết đến rộng rãi do quá trình sử dụng. Nói đến Bia Hà Nội, người dùng đương nhiên không có sự nhầm lẫn đối với Bia Sài Gòn, hay bất cứ loại bia nào khác. Nói cách khác, trong trường hợp này, tên thương mại đã đạt đến khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh đó với chủ thể kinh doanh khác. Vì vậy, tên thương mại Công ty bia rượu Hà Nội được chấp nhận bảo hộ.
Đối tượng không được bảo hộ
- Nhãn hiệu: Theo quy định tại điều 73 Luật sở hữu trí tuệ, có 5 dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu. Cụ thể là:
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước.
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép.
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài.
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận.
- Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.
- Tên thương mại: Theo điều 77 Luật Sở hữu trí tuệ, các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại là:
- Tên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp
- Tên của chủ thể khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Phạm vi bảo hộ.
- Nhãn hiệu được bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam
- Còn tên thương mại được bảo hộ trong phạm vi khu vực kinh doanh (phụ thuộc vào danh tiếng, uy tín, có thể là phạm vi tỉnh thành, trong cả nước hoặc hơn)
Thời hạn bảo hộ.
- Nhãn hiệu được bảo hộ trong thời hạn là 10 năm, có thể được gia hạn liên tiếp mỗi lần 10 năm.
- Tên thương mại: không bị giới hạn thời hạn bảo hộ, được bảo hộ đến khi tên thương mại này sử dụng không còn hợp pháp nữa.
Chuyển giao
- Nhãn hiệu là đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng và hợp đồng chuyển quyền sử dụng.
- Tên thương mại chỉ có thể là đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng với điều kiện là chuyển nhượng tên thương mại kèm theo việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở sản xuất kinh doanh.
Mong bài viết hữu ích cho các bạn!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về Dịch vụ Luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Để biết thêm thông tin chi tiết về dịch vụ của Luật Sư X, hãy liên hệ: 0833102102