Vay tín chấp là gì?

bởi Luật Sư X

Hiện nay, vay tín chấp là một trong các hình thức được rất nhiều khách hàng lựa chọn bởi vì những tiện ích  mà nó đem lại đối với việc giải quyết các vấn đề chi tiêu cá nhân. Vậy vay tín chấp là gì? Lợi ích và tiện ích của hình thức vay này là gì? Tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X để hiểu rõ hơn về hình thức vay này.

Căn cứ:

Bộ luật dân sự 2015.

Nội dung tư vấn:

1. Vay tín chấp là gì?

Căn cứ theo khoản 8 Điều 292 Bộ luật dân sự 2015, vay tín chấp là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Theo điều 344 Bộ luật dân sự 2015 về bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị – xã hội:

Tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể hiểu: Vay tín chấp là hình thức cho vay không cần thế chấp tài sản. Theo đó, các ngân hàng, công ty tài chính sẽ dựa dựa trên uy tín cá nhân và đơn vị công tác của khách hàng để xem xét có cho vay không.

Ví du: Có thể vay đối với các khoản chi phí cho đám cưới, du lịch, mua hàng tiêu dùng,…

Việc vay tín chấp rất thuận tiện phục vụ tất cả các nhu cầu hàng ngày của bạn. Một khoản vay tín chấp thường dao động từ 10 triệu đồng đến 500 triệu đồng và thời hạn cho vay trả góp linh hoạt từ 12 tháng đến 60 tháng.

2. Hình thức, nội dung của việc cho vay tín chấp

Theo quy định của pháp luật, việc cho vay tín chấp cần đảm bảo nội dung và hình thức như sau:

Điều 345. Hình thức, nội dung tín chấp

Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có xác nhận của tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn.

Thỏa thuận bảo đảm bằng tín chấp phải cụ thể về số tiền, mục đích, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp.

Như vậy, việc cho vay tín chấp cần đảm bảo:

– Hình thức: văn bản có xác nhận văn bản có xác nhận của tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm  bằng tín chấp về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn.

– Nội dung: Thỏa thuận bảo đảm bằng tín chấp phải cụ thể về số tiền, mục đích, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp.

3. Quy định về lãi suất cho vay tín chấp

Hiện nay, lãi suất vay tín chấp được pháp luật quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Từ quy định của pháp luật, có thể hiểu rằng, ngân hàng có quyền đặt ra mức lãi suất đối với hình thức cho vay tín chấp tuy nhiên không được vượt quá 20%/năm. Mức lãi suất vay tín chấp ngân hàng thông thường dao động từ 15 – 18%/năm và trên 20% đối với các công ty tài chính.

4. Cách thức tính lãi đối với hình thức cho vay tín chấp

Lãi suất vay tín chấp sẽ không biến động trong quá trình vay tín chấp nếu thị trường có thay đổi về lãi suất.

Khách hàng vay có quyền tất toán hợp đồng, nghĩa là có thể trả trước hạn. Khách hàng sẽ phải trả số tiền gốc còn lại cùng với mức phí tất toán hợp đồng, mỗi ngân hàng sẽ có phí % trên số tiền gốc còn lại khác nhau.

Việc vay tín chấp sẽ không tự gia hạn khi hết thời gian hợp đồng, khách hàng phải đến ngân hàng thực hiện tất toán khoản vay.

Đối với trường hợp khách hàng không hoàn trả số tiền vay, trả quá hạn thì điểm thông tin tín dụng sẽ được cập nhật mới nhất trên hệ thống tín dụng ngân hàng Nhà nước, sau này khách hàng khó có cơ hội vay tiếp lần 2 ở tất cả ngân hàng.

Cách tính lãi suất theo dư nợ gốc
Muốn tính lãi suất phải trả hàng tháng khi vay tín chấp theo dư nợ gốc, các bạn áp dụng công thức:

Số tiền người vay phải trả hàng tháng = Số tiền đã vay/thời gian vay tiền + Số tiền đã vay * lãi suất vay tín chấp cố định hàng tháng.

Ví du: Khách hàng vay tín chấp ngân hàng 240 triệu trong 12 tháng, lãi suất là 15%/năm. Thì khách hàng cần phải trả tiền gốc: 240 triệu/12 tháng = 20 triệu/tháng. Lãi phải trả hàng tháng là 15%:12= 1.25%, 240*1.25%= 3 triệu/tháng.

5. Có nên vay tín chấp không?

Vay tín chấp là một hình thức tiện lợi để giải quyết các nhu cầu cá nhân của khách hàng, bởi nó có một số lợi ích như:

– Vay tín chấp không cần thế chấp tài sản đảm bảo.

– Thủ tục hồ sơ đơn giản: Khách hàng cung cấp giấy tờ cá nhân ít nhất, hoàn toàn đơn giản hơn nhiều so với một khoản vay thế chấp.

– Không cần quan tâm đến chi tiết mục đích vay: Bạn không cần phải tiết lộ chi tiết việc sử dụng số tiền vay của bạn, miễn đó là đều là mục đích vay tiêu dùng, các tổ chức tín dụng quan tâm đến khả năng thanh toán của bạn nhiều hơn.

– Số tiền vay cao: Bạn dễ dàng nhận được một khoản vay nhanh với số tiền vay tối đa lên đến 500 triệu đồng. Có ngân hàng hỗ trợ lên đến 1 tỷ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc vay tín chấp cũng có một số hạn chế như:

– Lãi suất cao: Mức lãi suất cao hơn các hình thức vay tiền thông thường. Điều này chủ yếu cũng chỉ nhằm hạn chế rủi ro cho khoản vay. Ngoài ra, một phần nhằm bù đắp lại các chi phí về thẩm định, vốn…

Phí phạt trả nợ trước hạn: Nếu bạn trả nợ trước thời hạn, tùy ngân hàng mà bạn sẽ chịu mức phí là 2% – 5% số tiền trả trước hạn tùy thuộc vào thời gian tất toán.

Hy vọng bài viết có ích cho bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư hành chính tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm