Chậm trả lương cho người lao động bị xử lý thế nào?

bởi Hoàng Hà

Tiền lương luôn là vấn đề nhạy cảm của người sử dụng lao động và cũng chính là mối quan tâm của người lao động. Nhu cầu được trả lương đúng hạn, đầy đủ là mong muốn tất yếu của họ để đảm bảo cuộc sống. Các doanh nghiệp khi thực hiện tốt vấn đề tiền lương sẽ hạn chế được rất nhiều tranh chấp xảy ra. Vậy trường hợp chậm trả lương cho người lao động thì người người sử dụng lao động bị xử lý thế nào? Người lao động cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Lao động năm 2012;
  • Nghị định số 05/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của bộ luật lao động;
  • Nghị định số 95/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.
  • Các văn bản pháp luật có liên quan khác.

Nội dung tư vấn

1. Nguyên tắc trả lương cho người lao động

Việc trả lương cho người lao động được thực hiện theo ba nguyên tắc: trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Thời hạn trả lương tuỳ vào tính chất công việc và hình thức trả lương mà người sử dụng lao động đã lựa chọn.

Theo quy định tại Điều 96 Bộ luật Lao động năm 2012 về nguyên tắc trả lương như sau:

Điều 96. Nguyên tắc trả lương

Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

Nguyên tắc trả lương được hướng dẫn cụ thể tại Điều 24 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP:

Điều 24. Nguyên tắc trả lương

1. Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

2. Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì không được trả chậm quá 01 tháng. Việc người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động do trả lương chậm được quy định như sau:

a) Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm;

b) Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.

Như vậy người lao động được quyền trả lương đúng hạn, đầy đủ và trực tiếp. Đồng nghĩa với việc người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải thực hiện trả lương đúng theo nguyên tắc trên. Tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động phải thực hiện các quy định của pháp luật về lao động.Do đó nếu người sử dụng lao động không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.

 

2. Xử lý hành vi chậm trả lương cho người lao động

Người sử dụng lao động cần lưu ý khi chậm trả lương cho người lao động sẽ bị xử lý như sau:

Phải trả thêm tiền lãi cho người lao động

Trên thực tế việc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức chậm trả lương cho người lao động có thể xuất phát từ nhiều nguyên do. Theo đó đối với trường hợp chậm trả lương có lý do theo quy định thì có thể trả lương chậm hơn thời hạn đã thỏa thuận. Điều này vừa tạo sự linh hoạt giúp đỡ họ có thể xoay sở giải quyết vấn đề nhưng đồng thời pháp luật cũng bảo vệ quyền lợi của người lao động. 

Theo Điều 24 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP cho phép người sử dụng lao động được trả lương chậm trong trường đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận. Tuy nhiên, không được trả chậm quá 01 tháng. Tùy vào thời gian chậm trả là bao lâu mà pháp luật quy định việc trả thêm tiền lãi cho số tiền chậm trả như sau:

  • Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì công ty không phải trả thêm tiền cho người lao động.
  • Nếu thời gian trả lượng chậm từ 15 ngày trở lên thì ngoài tiền lương, công ty phải trả thêm một khoản tiền cho người lao động. Khoản tiền trả thêm này ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả lương. Hiện nay mức lãi suất như sau: Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%/năm. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6,0%/năm.

Xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ khoản 3 Điều 13 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 88/2015/NĐ-CP quy định về tiền lương như sau:

Điều 13. Vi phạm quy định về tiền lương

3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Theo quy định trên thì mức phạt hành chính sẽ tùy thuộc vào số người lao động mà người sử dụng lao động chậm trả lương là bao nhiêu người. Số lượng lao động bị trả lương chậm càng nhiều thì mức tiền phạt sẽ càng cao. 

 

3. Tại sao phải quy định nguyên tắc trả lương người lao động

Việc xây dựng nguyên tắc trả lương cũng như các quy định có liên quan đến tiền lương xuất phát từ các lý do sau:

Thứ nhất, nguyên tắc chính là tư tưởng, định hướng xuyên suốt, là cơ sở để các bên trong quan hệ xã hội nói chung và các bên trong quan hệ lao động nói riêng thực hiện đúng quy định pháp luật; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong áp dụng pháp luật, xây dựng môi trường lao động lành mạnh, bền vững.

Thứ hai, vai trò tái sản xuất sức lao động: Sau mỗi quá trình lao động sản xuất, sức lao động bị hao mòn, do đó phải có sự bù đắp hao phí sức lao động đã tiêu hao. Bằng tiền lương của mình, người lao động sẽ mua sắm được một khối lượng hàng hóa sinh hoạt và dịch vụ nhất định (ba gồm các hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, ăn mặc, thuốc men chữa bệnh, đi lại, học hành, giả trí… và các dịch vụ cần thiết khác) bảo đảm cho sự tái sản xuất giản đơn và tái sản sản xuất mở rộng sức lao động của người lao động (để nuôi con và một phần tích lũy).

Thứ ba, việc đặt ra nguyên tắc như vậy để tránh việc người sử dụng tùy tiện trong nghĩa vụ trả lương cho người lao động, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người lao động. Nguyên tắc của pháp luật là luôn bảo vệ quyền lợi cao hơn, tốt hơn cho người lao động bởi họ luôn ở vị thế yếu hơn trong quan hệ lao động với người sử dụng lao động.

Thứ tư, là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm, xử lý kịp thời, nhanh chóng, đảm bảo ổn định quan hệ lao động, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Như vậy khi người sử dụng lao động cụ thể là doanh nghiệp, tổ chức… chậm trả lương cho người lao động thì sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành vi sai phạm của mình theo quy định của pháp luật. Theo đó khi thấy người sử dụng có dấu hiệu chậm trả lương thì có thể thực hiện các phương án sau:

  • Thẳng thắn trình bày yêu cầu, nguyện vọng với lãnh đạo công đoàn (nếu doanh nghiệp có công đoàn cơ sở hoặc trình bày với công đoàn cấp trên nếu doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn).
  • Làm đơn trình bày rõ mong muốn, nguyện vọng gửi đến lãnh đạo doanh nghiệp (thể hiện rõ các nội dung, căn cứ pháp lý chứng minh).
  • Làm đơn khiếu nại để giải quyết theo con đường tranh chấp lao động.

Hy vọng bài viết hữu ích với bạn đọc!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm