Thành lập chi nhánh là lựa chọn của đa số công ty khi muốn mở rộng mạng lưới kinh doanh. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đang thắc mắc về liệu chi nhánh có quyền ký hợp đồng kinh doanh không? Dưới đây là tư vấn của Luật sư X về vấn đề này.
Căn cứ:
- Bộ luật Dân sự 2015
- Luật Doanh nghiệp năm 2014
- Nghị định 78/2015/NĐ-CP
Nội dung tư vấn
Thông thường, để mở rộng hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có thể thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện. Pháp luật quy định chi nhánh có chức năng thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế nhiều doanh nghiệp còn băn khoăn về khả năng độc lập ký kết hợp đồng kinh doanh của chi nhánh? Hợp đồng có liệu có hiệu lực pháp lý? Ai là chủ thể chịu trách nhiệm khi xảy ra tranh chấp?….
Dưới đây là tư vấn của Luật sư X về những vấn đề trên.
1. Chi nhánh có được ký hợp đồng kinh doanh không?
Theo Điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân:
“Điều 84. Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân
1. Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân.
2. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân.
3. Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân.
4. Việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và công bố công khai.
5. Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo uỷ quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được uỷ quyền.
6. Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện”.
Ngoài ra, pháp luật về doanh nghiệp cũng khẳng định tại Điều 84 về chức năng nhiệm vụ của chi nhánh. Theo đó, chi nhánh, là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Như vậy, có thể hiểu chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của công ty, không có tư cách pháp nhân, không có vốn độc lập. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, xét về mặt chủ thể thì chi nhánh không có tư cách độc lập để ký kết hợp đồng kinh doanh.
Tuy nhiên, trên thực tế kinh doanh, chi nhánh có thể thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Điều này có thể hiểu là công ty có thể ủy quyền cho giám đốc chi nhánh trực tiếp ký hợp đồng kinh doanh với khách hàng và thực hiện nội dung hợp đồng.
Tóm lại, quyền ký hợp đồng kinh doanh của chi nhánh do công ty quyết định. Khi ký hợp đồng, chi nhánh cần có giấy tờ ủy quyền hợp lệ của công ty cho giám đốc chi nhánh để tránh những rủi ro khi xảy ra tranh chấp.
2. Giải quyết tranh chấp hợp đồng
Theo quy định của Điều 84 Bộ Luật Dân sự 2015, pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện. Vì thế, công ty sẽ có quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng kinh doanh do chi nhánh ký kết.
Đồng nghĩa với việc nếu có tranh chấp xảy ra, công ty vẫn phải đứng ra chịu trách nhiệm đối với việc giải quyết tranh chấp.
3. Thủ tục thành lập chi nhánh
Bước 1: Soạn hồ sơ thành lập chi nhánh
Hồ sơ bao gồm:
- Thông báo đăng ký thành lập chi nhánh
- Quyết định thành lập chi nhánh
- Quyết định bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh
- Biên bản họp về việc thành lập chi nhánh (đối với Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Công ty Cổ phần hoặc Công ty hợp danh)
- Bản sao chứng thực giấy tờ chứng thực cá nhân: chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của người đứng đầu chi nhánh
- Giấy ủy quyền (nếu có)
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch Đầu tư của tỉnh/thành phố nơi dự định đặt chi nhánh.
Bước 3: Nhận kết quả
Trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ ngày Phòng đăng ký kinh doanh có thẩm quyền nhận đủ hồ sơ hợp lệ, doanh nghiệp sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh công ty hợp pháp
Lưu ý: Sau khi thành lập chi nhánh thì bạn sẽ cần phải làm thêm một số thủ tục sau:
- Thủ tục thông báo mẫu dấu của chi nhánh.
- Nếu chi nhánh được đăng ký hình thức hạch toán là hạch toán độc lập thì phải kê khai thuế đối với chi nhánh mới.
Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn.
Trân trọng.
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư cho doanh nghiệp tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102