Lương bao nhiêu thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân?

bởi Luật Sư X

Mỗi công dân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên mức lương của mỗi cá nhân cũng như hoàn cảnh gia đình là không giống nhau, do vậy sẽ có những trường hợp thuộc diện phải nộp thuế nhưng có cá nhân không phải nộp thuế. Vậy lương bao nhiêu thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây nhé! 

Căn cứ pháp lý

  • Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi, bổ sung 2014;
  • Luật Quản lý thuế 2006 sửa đổi, bổ sung 2016;
  • Nghị định 12/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế;
  • Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện luật thuế thu nhập cá nhân, luật sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; 
  • Thông tư 156/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 83/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
  • Thông tư 25/2018/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 146/2017/NĐ-CP sửa đổi Thông tư 78/2014/TT-BTC, 111/2013/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
  • Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế 71/2014/QH13 và Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;

Nội dung tư vấn

1. Thuế thu nhập cá nhân là gì?

Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu đánh trực tiếp vào thu nhập chính đáng của mỗi cá nhân. Trong đó thuế trực thu là loại thuế đánh trực tiếp tính trên lợi ích, khoản thu nhập có được của cá nhân hoặc tổ chức kinh tế. Người nộp thuế là người trực tiếp chịu thuê.

Trong khi đó thuế gián thu là thuế điều tiết gián tiếp thông qua giá cả hàng hóa, dịch vụ ; Người nộp thuế không phải là người chịu thuế, người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ là người chịu thuế (giá mua hàng đã bao gồm thuế gián thu) còn người nộp thuế là nhà sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Ví dụ: thuế xuất khẩu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt,..

Thuế thu nhập cá nhân mang một số đặc điểm sau:

  • Là loại thuế đánh lên tất cả cá nhân có thu nhập chịu thuế. Vì là lọai thuế trực thu nên người chịu thuế thường khó có thể chuyển gánh nặng về thuế cho người khác. Cho nên tâm lý của người chịu thuế thường nặng nề hơn khi thực hiện nghĩa vụ thuế này so với các loại thuế gián thu. Cần lưu ý là vai trò của người chi trả thu nhập khác với vai trò của người chịu thuế. Người chi trả thu nhập theo quy định của pháp luật là phải khấu trừ số thuế mà cá nhân có nghĩa vụ nộp cho nhà nước trước khi chi trả thu nhập.
  • Nhà nước có thể sử dụng lọai thuế này để khuyến khích làm việc hay nghỉ ngơi thông qua biểu thuế. Ví dụ như nhà nước có thể khuyến khích người lao động làm thêm giờ, tăng thu nhập bằng cách đánh thuế nhẹ hoặc không đánh thuế lên khoản thu nhập tăng thêm do làm thêm giờ hoặc có thể khuyến khích nghỉ ngơi bằng cách đánh thuế nặng lên khoản thu nhập này. Nhà nước cũng có thể khuyến khích người dân đầu tư hay không đầu tư, tiết kiệm hay không tiết kiệm thông qua việc đánh thuế hay không đánh thuế thu nhập đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư, thu nhập từ lãi tiết kiệm.
  • Thuế thu nhập cá nhân là một lọai thuế phức tạp. Việc quản lý thuế, thu thuế đòi hỏi trình độ, kỹ thuật cao, chi phí quản lý thuế lớn. Cơ quan quản lý thuế phải nắm được các nguồn thu nhập của người chịu thuế, tình trạng cư trú của họ ở Việt Nam, vv…

2. Lương bao nhiêu phải chịu thuế thu nhập cá nhân

Theo quy định của Luật thuế Thu nhập cá nhân năm 2007 sửa đổi, bổ sung 2014 vê các khoản thuế thu nhập cá nhân bao gồm:

  • Thu nhập từ kinh doanh
  • Thu nhập từ tiền lương, tiền công
  • Thu nhập từ đầu tư vốn
  • Thu nhập từ chuyển nhượng vốn
  • Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản
  • Thu nhập từ trúng thưởng
  • Thu nhập từ bản quyền
  • Thu nhập từ nhượng quyền thương mại
  • Thu nhập từ thừa kế, quà tặng

Do đó khi có thu nhập phát sinh từ tiền lương sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Để có thể xác định mức lương bao nhiêu thì người lao động phải nộp thuế thì phải căn cứ vào cách tính thuê thu nhập cá nhân như sau:

Công thức tính:

  • Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Các khoản miễn thuế
  • Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ
  • Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất

Các bước tính thuế:

  • Bước 1: Tính tổng thu nhập: cộng tất cả các khoản thu nhập
  • Bước 2: Xác định các khoản được miễn thuế
  • Bước 3: Tính thu nhập chịu thuế theo công thức trên
  • Bước 4: Xác định các khoản giảm trừ
  • Bước 5: Tính thu nhập tính thuế theo công thức trên
  • Bước 6: Tính thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo công thức

Trong đó:

Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Thông tư Thông tư 111/2013/TT-BTC sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 92/2015/TT-BTC thì các khoản giảm trừ được xác định như sau:

  • Giảm trừ đối với người nộp thuế: 9 triệu/tháng (108 triệu/năm)
  • Giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc: 3,6 triệu/tháng (43,2 triệu/năm)
  • Giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện;
  • Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học

Lưu ý: mỗi người chỉ được giảm trừ ở một nơi nên nếu người lao động đăng ký từ hai nơi trở lên đều từ 3 tháng trở lên (hợp đồng lao động) thì phải lựa chọn một nơi để tính giảm trừ. Các nơi còn lại không được giảm trừ nữa.

Bên cạnh các khoản giảm trừ thì các khoản sau cũng không chịu thuế thu nhập cá nhân khi tính thuế như:

  • Tiền ăn trưa, ăn giữa ca không vượt quá 730.000 đồng/tháng
  • Tiền phụ cấp trang phục không quá 5 triệu/năm (Miễn toàn bộ nếu chi phí bằng hiện vật)
  • Phụ cấp điện thoại, tiền xăng, tiền công tác (theo quy chế công ty)…

Thu nhập chịu thuế: Thu nhập chịu thuế từ kinh doanh tại Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi, bổ sung 2014.

Thu nhập tính thuế: Theo Điều 21 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi, bổ sung 2014 quy định:

Điều 21. Thu nhập tính thuế

1. Thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công là tổng thu nhập chịu thuế theo quy định, trừ các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện, các khoản giảm trừ quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này.

Thuế suất được xác định như sau: Thuế suất đối với thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công được xác định theo Biểu thuế lũy tiến từng phần:

Bậc thuế Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng)

Phần thu nhập tính thuế/tháng

(triệu đồng)

Thuế suất (%)
Đến 60  Đến 5 5

Trên 60 đến 120

Trên 5 đến 10 

10

Trên 120 đến 216

Trên 10 đến 18 

15

Trên 216 đến 384

Trên 18 đến 32 

20

Trên 384 đến 624

Trên 32 đến 52 

25

Trên 624 đến 960

Trên 52 đến 80 

30

Trên 960

Trên 80 

35

Đối với từng đối tượng người lao động sẽ được khấu trừ tiền thuế ở mức khác nhau, cách tính cụ thể với từng nhóm đối tượng như sau:

Thứ nhất, thuế thu nhập cá nhân với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong hai điều kiện dưới đây

Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo 1 trong hai trường hợp sau:

  • Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
  • Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú:
    • Đối với công dân Việt Nam: nơi ở thường xuyên là nơi cá nhân sinh sống thường xuyên, ổn định không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú.
    • Đối với người nước ngoài: nơi ở thường xuyên là nơi ở thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp.

Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế, cụ thể như sau:

  • Cá nhân chưa hoặc không có nơi ở thường xuyên theo hướng dẫn nêu trên nhưng có tổng số ngày thuê nhà để ở theo các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế cũng được xác định là cá nhân cư trú, kể cả trường hợp thuê nhà ở nhiều nơi.
  • Nhà thuê để ở bao gồm cả trường hợp ở khách sạn, ở nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, ở nơi làm việc, ở trụ sở cơ quan,… không phân biệt cá nhân tự thuê hay người sử dụng lao động thuê cho người lao động.

Thứ hai, với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động:

Cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 2.000.000 đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập.

  • Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế * 10%

Thứ ba, với cá nhân không cư trú: cá nhân không đáp ứng điều kiện tại mục cá nhân cư trú thì được coi là cá nhân không cư trú

Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế x thuế suất 20%.

  • Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập chịu thuế * 20%

Như vậy để xác định một người có phải nộp thuế thu nhập cá nhân hay không thì phải căn cứ vào mức lương cụ thể, hoàn cảnh gia đình để tính số thuế phải nộp. Theo đó nếu như thu nhập tính thuế ra kết quả âm thì người lao động không phải nộp thuế thu nhập cá nhân; nếu ra kết quả dương thì sẽ tiếp tục tính theo công thức trên.

3. Ví dụ minh họa về cách tính thuế

Anh Nguyễn Văn A ký hợp đồng lao động với công ty cổ phần X với thời hạn 36 tháng. Tháng 1 anh nhận được các khoản thu nhập như sau:

  • Lương theo ngày công làm việc thực tế là 25.000.000 đồng
  • Phụ cấp ăn trưa: 800.000 đồng
  • Phụ cấp đi lại: 300.000 đồng
  • Tiền thưởng: 1.000.000 đồng

Các thông tin khác:

  • Anh A có đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc trên mức lương 25 triệu. Tháng 1/2019 anh A bị trích bảo hiểm trừ vào lương là 2.100.000
  • Anh A có một con nhỏ và đã đăng ký người phụ thuộc tại công ty X từ năm 2018

Cách tính thuế thu nhập cá nhân phải nộp của anh A trong tháng 1 năm 2019 như sau:

Bước 1: Xác định thu nhập chịu thuế của anh A:

Tổng thu nhập của anh A trong tháng 1 là: 25.000.000 + 800.000 + 1.000.000 + 300.000 = 27.100.000

Bước 2: Xác định các khoản được miễn thuế thu nhập cá nhân

Nằm ở các khoản phụ cấp => thu nhập được miễn thuế là 730.000 đồng

Bước 3: Xác định thu nhập chịu thuế

Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Các khoản thu nhập miễn thuế

= 27.100.000 – 730.000 = 26.370.000

Bước 4: Xác định các khoản giảm trừ

Gồm có:

  • Bản thân: 9 triệu
  • Người phụ thuộc: 3.600.000
  • Tiền đóng bảo hiểm: 2.100.000
  • Tổng các khoản giảm trừ là: 9.000.000 + 3.600.000 + 2.100.000 = 14.700.000

Bước 5: Xác định thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế = thu nhập chịu thuế – các khoản giảm trừ

= 26.370.000 – 14.700.000 = 11.670.000 đồng

Bước 6: Xác định công thức tính thuế theo bảng thuế suất

Với thu nhập chịu thuế là 11.670.000 => thuộc bậc 3

Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp của anh A trong tháng 1 năm 2019 theo công thức: 15% x thu nhập tính thuế – 0,75 triệu như sau:

15% x 11.670.000 – 750.000 = 1.000.500 đồng

Hy vọng bài viết có ích cho bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư doanh nghiệp tại Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm