Căn cứ:
- Luật giao thông đường bộ 2008
- Nghị định 46/2016/NĐ-CP
Nội dung tư vấn:
1. Mở cửa xe gây tai nạn bị xử lý như thế nào?
Việc mở cửa xe mà không bảo đảm điều kiện an toàn như không quan sát trước khi mở cửa… gây ra tai nạn là hành vi thiếu trách nhiệm của người điều khiển ô tô cũng như người ngồi trên ô tô mà còn là hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ. Luật giao thông đường bộ 2008 đã quy định khi người điều khiển phương tiện dừng xe, đỗ xe trên đường bộ mở cửa xe phải bảo đảm điều kiện an toàn không gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông khác. Cụ thể tại điểm đ khoản 3 Điều 18 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định như sau:
Điều 18. Dừng xe, đỗ xe trên đường bộ
… 3. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:
… đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn; …
Người điều khiển phương tiện mở cửa xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn, cụ thể như không quan sát xem có phương tiện tham gia giao thông phía sau không hay mở cửa quá rộng… sẽ bị pháp luật xử lý và nếu hành vi nay của chủ phương tiện gây ra tai nạn giao thông thì người đó sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự tùy thuộc vào mức độ, hậu quả mà hành vi này gây ra.
2. Hình thức xử lý:
Xử lý hành chính
Đối với hành vi mở cửa xe không đảm bảo điều kiện an toàn nếu như không gây ra tai nạn thì người điều khiển ô tô chỉ bị xử lý hành chính. Cụ thể tại Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định mức phạt mà người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu là:
Điều 5. Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: …
g) Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường; đỗ xe trên dốc không chèn bánh; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn;
…
Theo đó, người điều khiển phương tiện hoặc người được chở trên xe ô tô nếu mở cửa xe không đảm bảo an toàn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông thì sẽ bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng tùy vào mức độ của hành vi vi phạm. Có thể thấy mức phạt này tương đối thấp so với giá cả hiện nay, mang tính răn đe không cao. Trong trường hợp hành vi mở cửa xe gây ra tai nạn cho người tham gia giao thông thì bên cạnh mức phạt tiền ở trên thì người điều khiển phương tiện còn có thể bị áp dụng xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu gây ra tai nạn giao thông với mức độ, hậu quả thấp.
Xử lý hình sự
Trong trường hợp, người điều khiển phương tiện với hành vi mở của xe không đảm bảo điều kiện an toàn gây ra tai nạn với hậu quả nghiêm trọng, có tính chất nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại tài sản thì người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 của Bộ luật hình sự 2015 như sau:
Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
…
Theo đó, trong trường hợp người điều khiển người điều khiển phương tiện hoặc người được chở trên xe ô tô nếu mở cửa xe không đảm bảo an toàn gây ra tai nạn giao thông khiến người tham gia giao thông tử vong hoặc gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên thì người đó có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc nặng hơn có thể bị phạt tù lên đến 05 năm.
Hiển nhiên trước khi bị pháp luật xử lý thì người điều khiển người điều khiển phương tiện hoặc người được chở trên xe ô tô còn phải bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn do hành vi mở cửa không đảm bảo điều kiện an toàn do họ gây ra. Cụ thể theo Bộ luật dân sự 2015 thì người thực hiện hành vi này phải bồi thường những phí tổn sau đây cho người bị tai nạn:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
- Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định
Hy vọng bài viết có ích cho bạn!
Thông tin liên hệ Luật Sư X
Trên đây là nội dung tư vấn về Mở cửa xe gây tai nạn bị phạt như thế nào? Mọi thắc mắc về thủ tục pháp lý có liên quan. Quý khách vui lòng liên hệ Luật Sư X để được hỗ trợ, giải đáp.
Gọi ngay cho chúng tôi qua hotline: 0833.102.102.