Ngành nghề kinh doanh có điều kiện là gì?

bởi Vudinhha

Pháp luật Việt Nam cho phép các chủ thể hoạt động kinh doanh được đầu tư kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, Nhà nước vẫn phải đặt ra điều kiện kinh doanh với một số ngành, nghề mà theo Luật Đầu tư gọi là các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Bài viết sau sẽ cung cấp một số thông tin về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi hoạt động trong các ngành, nghề này.

Căn cứ:

  • Luật Đầu tư 2014;
  • Luật Doanh nghiệp 2014;
  • Luật đầu tư năm 2016;
  • Nghị định số 76/2015/NĐ-CP;
  • Nghị định số 78/2015/NĐ-CP;

Nội dung tư vấn

1. Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là gì?

Luật Đầu tư 2014 quy định cụ thể về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện như sau:

Điều 7. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

1. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Như vậy, để hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần phải đáp ứng các điều kiện riêng của từng ngành nghề. Các điều kiện kinh doanh chính là các yêu cầu từ phía cơ quan quyền lực nhà nước buộc các doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện được thể hiện cụ thể trên giấy phép kinh doanh (mã ngành, nghề), giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác (gọi chung là giấy phép con). Các điều kiện này được quy định tại các luật chuyên ngành hoặc trong các nghị định hướng dẫn luật chuyên ngành, có thể là một hoặc một số các điều kiện về vốn pháp định hoặc điều kiện về người thành lập doanh nghiệp,… Ví dụ điều kiện của ngành kinh doanh bất động sản là phải đáp ứng mức vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ đồng (Điều 3 Nghị định 76/2015/NĐ-CP); hoặc để thành lập tổ chức tín dụng bao gồm việc đáp ứng về mức vốn pháp định, đáp ứng điều kiện chủ sở hữu, điều kiện về cơ cấu chức danh và nhiệm vụ của những người điều hành, điều kiện về Điều lệ của tổ chức và đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi,….

Tổ chức, doanh nghiệp để biết lĩnh vực mình sắp đầu tư hoạt động có phải là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện hay không, có thể tham khảo phục lục 4 ban hành kèm theo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư, phụ lục bao gồm 243 ngành, nghề thuộc các lĩnh vực hoạt động kinh doanh khác nhau. Việc nhận biết được các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sẽ tạo thuận lợi cho các chủ thể muốn đầu tư hoạt động trong ngành nghề đó có thể chuẩn bị tốt các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Doanh nghiệp khi hoạt động trong các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cần thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 được nêu rõ như sau:

Điều 8. Nghĩa vụ của doanh nghiệp

1. Đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.

Để hoạt động kinh doanh trong các ngành, nghề bị hạn chế trên, các doanh nghiệp cần đáp ứng đủ các điều kiện đầu tư kinh doanh và duy trì nó trong suốt quá trình hoạt động. Luật Doanh nghiệp không bắt buộc các điều kiện trên phải tồn tại ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, tuy nhiên, yêu cầu tối thiếu là doanh nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện luật định mới được đầu tư kinh doanh ngành, nghề có điều kiện đó. Yêu cầu này được nêu rõ trong quy định tại khoản 8 Điều 7 Nghị định 78/2015/NĐ-CP:

Điều 7. Ghi ngành, nghề kinh doanh

8. Doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ yêu cầu trên của Chính phủ, nếu phát hiện có sai phạm, cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu doanh nghiệp đó tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; hoặc nặng hơn, có thể sẽ thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư doanh nghiệp tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm