Phụ cấp độc hại là gì?

bởi Vudinhha

Để bù đắp các yếu tố điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt tại nơi làm việc và mức độ thu hút lao động của các doanh nghiệp, thì ngoài “lương cứng”, các doanh nghiệp – người sử dụng lao động cần phải có chế độ phụ cấp phù hợp với quy định của pháp luật cũng như yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Phụ cấp độc hại là một trong những loại phụ cấp được người lao động và người sử dụng lao động rất quan tâm. Vậy phụ cấp độc hại là gì?  Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu nhé!

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Lao động 2012.
  • Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.
  • Thông tư số 15/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 6 năm 2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
  • Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13 tháng 10 năm 1995.
  • Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30 tháng 7 năm 1996.
  • Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ  ngày 26 tháng 12 năm 1996. 
  • Quyết định số 190/1999/QĐ – BLĐTBXH ngày 03 tháng 3 năm 1999. 
  • Quyết định số 1580/2000/QĐ- BLĐTBXH ngày 26 tháng 12 năm 2000.
  • Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 18 tháng 9 năm 2003.
  • Thông tư số 36/2012/TT-BLĐTBXH  ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Nội dung tư vấn

1. Phụ cấp lương

Phụ cấp lương là khoản tiền bổ sung vào tiền lương cơ bản cho người lao động nhằm bù đắp những yếu tố không ổn định của điều kiện lao động mà khi xác định tiền lương (cơ bản) chưa được tính.

Phụ cấp lương là bộ phận cấu thành của tiền lương (theo nghĩa đầy đủ, nghĩa rộng), có tác dụng bổ sung, làm hoàn thiện và hợp lý tiền lương của người lao động. Phụ cấp lương ngoài việc bảo đảm công bằng, bình đẳng trong việc trả lương, còn có tác dụng động viên, khuyến khích, thu hút người lao động làm việc ở những ngành nghề, địa bàn,… khó khăn, góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách phân công lao động của xã hội trong phạm vi ngành, địa phương và toàn quốc.

Điều 102 Bộ luật Lao động 2012 quy định: Các chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động”.

Theo quy định tại Điều 102 Bộ luật Lao động 2012, chế độ phụ cấp lương của người lao động do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận ghi nhận trong hợp đồng lao động, thỏa ước tập thể lao động. Trên thực tế, các chế độ phụ cấp lương sẽ do người sử dụng lao động trực tiếp quy định trong quy chế nội bộ của đơn vị (Quy chế tiền lương/ Quy chế trả lương).

2. Phụ cấp độc hại

Phụ cấp độc hại là một trong những loại phụ cấp lương, được áp dụng đối với người lao động làm nghề hoặc công việc có điều kiện lao động độc hại hoặc đặc biệt độc hại theo danh mục do Nhà nước quy định mà chưa được xác định trong mức lương chức vụ, cấp bậc, hợp đồng.

Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 15/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 6 năm 2016 của Bộ Lao động – Thương binh  và Xã hội ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định: Người lao động làm các nghề, công việc ban hành kèm theo Thông tư này và Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13 tháng 10 năm 1995, Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30 tháng 7 năm 1996, Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ  ngày 26 tháng 12 năm 1996, Quyết định số 190/1999/QĐ – BLĐTBXH ngày 03 tháng 3 năm 1999, Quyết định số 1580/2000/QĐ- BLĐTBXH ngày 26 tháng 12 năm 2000, Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 18 tháng 9 năm 2003, Thông tư số 36/2012/TT-BLĐTBXH  ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì được hưởng các chế độ về bảo hộ lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội quy định tại Bộ luật lao động, Luật an toàn, vệ sinh lao động, Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành”. Như vậy, danh mục nghề, công việc độc hại, đặc biệt độc hại hiện nay được quy định tại các văn bản pháp lý nêu trên.

Theo tinh thần chung của pháp luật lao động về phụ cấp lương, thì chế độ phụ cấp độc hại sẽ do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc được người sử dụng lao động quy định trong quy chế.

Tuy nhiên, riêng đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thì chế độ phụ cấp độc hại được hướng dẫn tại Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng thang lương bảng lương, phụ cấp và chuyển xếp lương đối với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương. Theo đó, khoản 1 Điều 10 Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH quy định: 

Điều 10: Nguyên tắc xác định chế độ phụ cấp lương

“a) Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được áp dụng đối với người lao động làm nghề, công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

b) Công ty rà soát phân loại điều kiện lao động theo quy định tại Điều 6 Thông tư này, so sánh mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của nghề, công việc với điều kiện lao động bình thường để xác định mức phụ cấp, bảo đảm: Mức phụ cấp đối với nghề, công việc có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thấp nhất bằng 5% và cao nhất bằng 10%; nghề, công việc có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thấp nhất bằng nhất 7% và cao nhất 15% so với mức lương của nghề hoặc công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện lao động bình thường.

c) Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính trả cùng kỳ trả lương hàng tháng theo thời gian thực tế làm công việc có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày, làm việc từ 4 giờ trở lên thì được tính cả ngày”

Theo quy định trên, mức phụ cấp độc hại và thời gian tính phụ cấp độc hại của người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hưu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu sẽ được xác định như sau:

Mức phụ cấp độc hại:

  • Đối với nghề, công việc có điều kiện  độc hại  thấp nhất bằng 5% và cao nhất bằng 10% so với mức lương của nghề hoặc công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện lao động bình thường. 
  • Đối với nghề, công việc có điều kiện lao động đặc biệt độc hại thấp nhất bằng nhất 7% và cao nhất 15% so với mức lương của nghề hoặc công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện lao động bình thường.

Thời gian tính phụ cấp độc hại: Phụ cấp độc hại được tính trả cùng kỳ trả lương hàng tháng theo thời gian thực tế làm công việc có điều kiện độc hại.

  • Làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày.
  • Làm việc từ 4 giờ trở lên thì được tính cả ngày.

      Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Hi vọng bài viết hữu ích đối với bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về Lao động tại Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm