So sánh doanh nghiệp tư nhân & công ty TNHH 1 thành viên

bởi Vudinhha

Trong kinh doanh, nhiều người thường tìm kiếm và xây dựng cho mình một team gồm những người đồng hành có cùng chí hướng để triển khai kế hoạch kinh doanh. Ưu điểm của việc này là sẽ nhận được sự tương trợ lẫn nhau của các co-founder, tận dụng được sức mạnh của tập thể. Khi đó, việc lựa chọn các loại hình doanh nghiệp có cơ chế sở hữu tập thể như công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên là phù hợp cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu trường hợp các bác chưa tìm được những co-founder, hay còn gọi là những người đồng sáng lập để xây dựng doanh nghiệp thì cũng có thể lựa chọn một trong 2 loại hình doanh nghiệp đó là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty TNHH 1 thành viên. Vậy 2 mô hình doanh nghiệp này có điểm gì khác nhau? Mô hình nào có nhiều ưu điểm hơn? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu thông qua bài viết sau.

Căn cứ:

  • Luật doanh nghiệp 2014

Nội dung tư vấn

1. Điểm giống nhau của doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH 1 thành viên

Chỉ cần nhìn vào tên của 2 loại hình doanh nghiệp này chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận ra được sự giống nhau của chúng trong cơ chế sở hữu. Cả doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH 1 thành viên đều do một chủ thể duy nhất làm chủ sở hữu 100% vốn. Cụ thể tại Điều 73 và Điều 183 Luật doanh nghiệp 2014 quy định như sau:

Điều 73: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được quyền phát hành cổ phần.

….

Điều 183. Doanh nghiệp tư nhân

1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.

4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Tuy nhiên, từ những quy định về doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH 1 thành viên như trên, chúng ta cũng nhận ra hàng loạt điểm khác nhau của 2 loại hình doanh nghiệp này. Những sự khác nhau đó tạo ra những ưu, nhược điểm của 2 loại hình doanh nghiệp và tác động rất lớn tới việc lựa chọn mô hình phù hợp của các chủ doanh nghiệp.

2. Những điểm khác nhau của doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH 1 thành viên

Thứ nhất, về chủ sở hữu

Như đã nêu, 2 loại hình này đều có cơ chế sở hữu đơn nhất, khác so với công ty cổ phần và công ty TNHH 2 thành viên có cơ chế sở hữu tập thể. Tuy nhiên, đối với công ty TNHH 1 thành viên, có 2 đối tượng có thể trở thành chủ sở hữu của công ty TNHH 1 thành viên đó là cá nhân hoặc tổ chức. Tức là các công ty cổ phần, công ty TNHH khác cũng có thể trở thành chủ của công ty TNHH 1 thành viên và sở hữu 100% vốn cũng như chi phối toàn bộ hoạt động của công ty.

Còn đối với các doanh nghiệp tư nhân thì pháp luật quy định chủ sở hữu phải là cá nhân. Đồng nghĩa với việc, các doanh nghiệp tư nhân không thể được thành lập bởi các công ty, doanh nghiệp khác. Như vậy ở đây, có thể thấy công ty TNHH 1 thành viên sẽ có những ưu điểm nổi trội hơn so với doanh nghiệp tư nhân khi nó có đa dạng sự lựa chọn hơn đối chủ sở hữu công ty.

Thứ hai, về cơ chế chịu trách nhiệm

Các nhà đầu tư, đối tác và khách hàng luôn quan tâm về cơ chế chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp khi họ hợp tác làm ăn hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp đó. Điều 73 Luật doanh nghiệp 2014 quy định rằng “chủ sở hữu công ty (TNHH 1 thành viên) chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.”. Tức là chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên đăng ký vốn điều lệ là 1 tỷ, thì nếu công ty có làm ăn thua lỗ, nợ nần dẫn tới phá sản thì các khách hàng và đối tác chỉ có thể siết nợ trong phạm vi số tiền 1 tỷ mà thôi.

Đối với doanh nghiệp tư nhân, Điều 183 Luật doanh nghiệp quy định rằng chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân “tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”. Pháp luật quy định như vậy đồng nghĩa với việc, các chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ phải gắn trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của bản thân, của gia đình vào với doanh nghiệp. Cơ chế chịu trách nhiệm vô hạn này có thể tiềm ẩn những rủi ro đối với vợ chống, con cái của người chủ doanh nghiệp trong trường hợp hoạt động kinh doanh thất bại là lâm vào cảnh nợ nần. 

Từ 2 cơ chế chịu trách nhiệm như vậy, thấy rằng nếu đứng trên cương vị là những người đối tác làm ăn thì họ sẽ muốn hợp tác với doanh nghiệp tư nhân hơn. Bởi lẽ khi có rủi ro xảy ra, những đối tác này còn có thể đòi nợ, đòi bồi thường bằng những tài sản cá nhân của người chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên đứng trên cương vị là một người chủ doanh nghiệp, chắc chắn hầu hết mọi người sẽ lựa chọn loại hình công ty TNHH 1 thành viên. Điều này dễ hiểu bởi vì trong kinh doanh không thể lường trước hết được những rủi ro có thể ấp tới bất cứ lúc nào. Và chắc chắn chẳng ai muốn vợ chồng, con cái bị liên lụy, ảnh hưởng tới khi hoạt động của doanh nghiệp khó khăn.

Thứ ba, về tư cách pháp nhân

Khi có tư cách pháp nhân thì doanh nghiệp được pháp luật thừa nhận là một chủ thể pháp lý, được nhân danh mình tham gia các quan hệ một cách độc lập. Hơn nữa, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân có tài sản riêng, độc lập với tài sản của tổ chức, cá nhân khác, có khả năng tự chịu trách nhiệm độc lập bằng tài sản của mình. Một khi khối tài sản doanh nghiệp được bảo vệ, tách bạch như vậy, doanh nghiệp mới có thể tự do sử dụng, bán, thế chấp tài sản của mình cho những người vay. Nếu không có tư cách pháp nhân, doanh nghiệp sẽ rất khó giao kết hợp đồng được, không tạo lập được nhiều sự tin tưởng ở khách hàng một khi có sự không rõ ràng, minh bạch trng hoạt động tài chính của doanh nghiệp.

Theo quy định tại Điều 73 và Điều 183 Luật doanh nghiệp thì công ty TNHH 1 thành viên có ưu điểm hơn khi nó được công nhận có tư cách pháp nhân. Còn đối với doanh nghiệp tư nhân thì không đươc có tư cách pháp nhân. Dẫn tới doanh nghiệp tư nhân sẽ có những hạn chế khi tham gia vào các quan hệ pháp luật.

Thứ tư, về thủ tục thành lập

Nhìn chung, về thủ tục thành lập của doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH 1 thành viên tương đối là dễ dàng. Nhưng doanh nghiệp tư nhân có những ưu điểm khi những giấy tờ cần phải chuẩn bị trong bộ hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp ít hơn so với công ty TNHH 1 thành viên. Cụ thể, căn cứ theo Nghị định 78/2015/NĐ-CP thì khi thành lập công ty TNHH 1 thành viên sẽ phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau:

  1. Giấy đề nghị thành lập doanh nghiệp (loại hình công ty TNHH một thành viên)
  2. Điều lệ Công ty 
  3. Giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ sở hữu 
  4. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động, quyết định thành lập…đối với chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty là pháp nhân.
  5. Văn bản ủy quyền: Trong trường hợp bạn không trực tiếp thực hiện thủ tục mà nhờ người khác thực hiện thay thì sẽ cần có văn bản ủy quyền

Tuy nhiên, đối với bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân thì chỉ cần chuẩn bị 2 loại giấy tờ gồm: i) Giấy đề nghị thành lập doanh nghiệp (loại hình doanh nghiệp tư nhân); ii) Giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ sở hữu iii) Văn bản ủy quyền: Trong trường hợp bạn không trực tiếp thực hiện thủ tục mà nhờ người khác thực hiện thay thì sẽ cần có văn bản ủy quyền Bởi vì doanh nghiệp tư nhân do 1 cá nhân làm chủ nên việc lập ra điều lệ là không cần thiết, nó chẳng khác gì việc tự tạo ra luật chơi rồi tự chơi một mình. Đồng thời, do không thể do tổ chức thành lập nên bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân cũng không cần loại giấy ở mục thứ 4 như đã nêu trên.

Thứ năm, về quản trị

Do có cơ chế sở hữu đơn nhất, nên việc quản trị của cả doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH 1 thành viên đều tương đối đơn giản. Thậm chí có thể nói là đơn giản hơn rất nhiều so với các công ty cổ phần và công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Tuy nhiên, nếu đặt nên bàn cân để so sánh 2 loại hình này đối với việc quản trị thì có thể thấy doanh nghiệp tư nhân có phần đơn giản hơn khi chủ sở hữu có thể toàn quyền ra quyết định đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp mà không phải thông qua ý kiến của bất kỳ ai. Và công ty TNHH 1 thành viên có chủ sở hữu là cá nhân cũng tương tự như vậy. Nhưng nếu trường hợp chủ sở hữu của công ty TNHH 1 thành viên là tổ chức, thì việc ra quyết định đối với các hoạt động của công ty TNHH 1 thành viên là công ty con sẽ phải phụ thuộc vào tổ chức là công ty mẹ. Tức là các quyết định lúc này có thể phải đợi sự thông qua từ công ty mẹ.

Thứ sáu, về khả năng huy động vốn

Vốn luôn được xem là yếu tố sống còn đối với những doanh nghiệp. Do vậy, việc huy động vốn cũng là yếu tố quan trọng mà các chủ doanh nghiệp cần lưu ý khi quyết định lựa chọn một trong hai loại hình doanh nghiệp này. Công ty TNHH có ưu điểm hơn so với doanh nghiệp tư nhân về vấn đề huy động vốn khi nó có thể huy động vốn bằng cách vay vốn từ các tổ chức cá nhân khác và phát hành trái phiếu. Còn đối với doanh nghiệp tư nhân thì chủ sở hữu chỉ có thể huy động vốn bằng cách đi vay mà thôi.

Như vậy, từ việc phân tích 6 yếu tố khác nhau nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng công ty TNHH 1 thành viên có tới 4 yếu tố được đánh giá là nổi trội hơn so với doanh nghiệp tư nhân. Do đó, các bác nên lựa chọn loại hình công ty TNHH 1 thành viên khi thành lập doanh nghiệp.

Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về pháp luật doanh nghiệp tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm