Thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm

bởi Vudinhha
đăng ký bản quyền phần mềm

Cùng với làn sóng phát triển phần mềm toàn cầu, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia tiềm năng với nhiều thế mạnh. Vì vậy, đăng ký bản quyền phần mềm là một giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu phần mềm trong thời đại bùng nổ công nghệ.  Dưới đây là tư vấn của Luật sư X về thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm mới nhất 2019.

Căn cứ:

Nội dung tư vấn

Phần mềm là một trong những ngành có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Do đó, cá nhân/ tổ chức là chủ sở hữu hoặc người có quyền và lợi ích liên quan nên quan tâm đến thủ tục đăng ký quyền tác giả đối với phần mềm. 

Việc đăng ký bảo hộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để bảo vệ chính quyền lợi của mình, đồng thời tránh sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ngăn chặn những tranh chấp phát sinh trong tương lai.

1. Phần mềm máy tính là gì?

Phần mềm máy tính (thường gọi là chương trình máy tính) là một trong những đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.

Theo quy định tại Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ, phần mềm là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.

Phần mềm máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.

2. Tại sao phải đăng ký bảo hộ phần mềm?

Phần mềm được bảo hộ ngay từ thời điểm nó được tạo ra dưới một hình thái vật chất nhất định và có tính nguyên gốc. Tính nguyên gốc được hiểu là phần mềm đó được tạo ra bởi chính tác giả. Quyền tác giả đối với phần mềm bao gồm:

  • Quyền nhân thân: Quyền đặt tên cho tác phẩm; Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả được bảo hộ vô thời hạn.
  • Quyền Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và quyền tài sản: Giấy chứng nhận quyền tác giả đối với phần mềm có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết; trong trường hợp phần mềm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;

Do đó, việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho phần mềm máy tính không phải thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả. Tuy nhiên, trên thực tế khi tranh chấp xảy ra, nhiều trường hợp rất khó chứng minh hoặc khó tìm ra chứng cứ chứng tỏ rằng ai là người đầu tiên sáng tạo ra phần mềm đó.

Để tránh trường hợp đó, pháp luật khuyến khích các tác giả đem tác phẩm đi đăng ký như một bước ghi nhận quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phần mềm của chính tác giả, chủ sở hữu phần mềm.

Khi đăng ký bảo hộ phần mềm thành công thì khi tranh chấp xảy ra, chủ sở hữu không có nghĩa vụ phải chứng minh quyền tác giả thuộc về mình, giảm thiểu các tranh chấp xảy ra trong tương lai.

3. Thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm 

Đăng ký bản quyền (hay còn gọi là đăng ký quyền tác giả hay đăng ký bảo hộ quyền tác giả) đối với phần mềm là việc cá nhân/ tổ chức là tác giả hoặc chủ sở hữu hợp pháp nộp đơn đăng ký bản quyền và hồ sơ kèm theo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận thông tin về tác giả, phần mềm, chủ sở hữu quyền tác giả,….

Thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm bao gồm các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ giấy tờ

Các giấy tờ, tài liệu phải được trình bày bằng Tiếng Việt, trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra Tiếng Việt, và có công chứng/ chứng thực.

Giấy tờ, tài liệu cần chuẩn bị bao gồm: 

  • 03 đĩa CD ghi nội dung phần mềm
  • 03 bản in mã code phần mềm được đóng thành quyển
  • Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn (quyết định giao việc hoặc hợp đồng thiết kế, tài liệu chứng minh nếu người nộp đơn là người thụ hưởng theo thừa kế, chuyển giao, kế thừa,…)
  • 01 Bản sao có công chứng Giấy phép thành lập doanh nghiệp và Giấy phép kinh doanh (nếu chủ sở hữu là tổ chức)
  • Giấy chuyển nhượng từ tác giả / các đồng tác giả cho tổ chức hoặc công ty (có xác nhận chữ ký); hoặc giấy chứng nhận tác phẩm xin đăng ký là tác phẩm được thực hiện theo nhiệm vụ công tác 
  • Tên đầy đủ, bút danh (nếu có) của tác giả / các tác giả; địa chỉ, số điện thoại. fax của tác giả/ các đồng tác giả, tổ chức, công ty;
  • Bản sao Chứng minh nhân dân của tác giả / các đồng tác giả (có công chứng)
  • Giấy cam đoan của tác giả về tính trung thực trong quá trình sáng tạo phần mềm và có chữ ký xác nhận của tác giải
  • Bản gốc giấy ủy quyền việc đăng ký bản quyền phần mềm (nếu có)

Bước 2: Nộp hồ sơ đã soạn thảo đầy đủ đến cơ quan có thẩm quyền.

Cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm là Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Tác giả hoặc chủ sở hữu có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại một trong 3 địa chỉ sau:

  • Trụ sở Cục Bản quyền tác giả tại Hà Nội: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Quận Ba Đình, TP.Hà Nội
  • Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh: 170 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3; TP. HCM
  • Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Đà Nẵng: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Lưu ý: Hồ sơ có thể nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện.

Bước 3: Nhận kết quả đăng ký bản quyền

Sau khi xem xét đối chiếu, nếu thấy hợp lệ Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp “Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả” cho người nộp hồ sơ.

Trong trường hợp từ chối thì Cục Bản quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ.

Lưu ý: 

Lệ phí cấp Giấy chứng nhận là 600 nghìn đồng đối với các phần mềm/ chương trình máy tính. Mức thu quy định này áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả lần đầu. Bạn có thể gửi khoản phí này kèm hồ sơ đăng ký.

Hi vọng những thông tin tham khảo từ Luật sư X có thể phần nào giải đáp được thắc mắc của bạn đọc.

Hãy liên hệ Luật sư X khi có nhu cầu đăng ký bản quyền phần mềm máy tính: 0833102102

Trân trọng!

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm