Thủ tục thành lập tập đoàn kinh tế tại Việt Nam

bởi Vudinhha

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty đang là mô hình của nhiều doanh nghiệp hướng tới. Vậy điều kiện cũng như trình tự, thủ tục thành lập tập đoàn kinh tế được thực hiện như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật sư X sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn.

Căn cứ:

  • Luật doanh nghiệp năm 2014;
  • Nghị định số 69/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tập đoàn kinh tế Nhà nước và tổng công ty Nhà nước.

Nội dung tư vấn:

1. Tập đoàn kinh tế là gì?

Điều 188 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định về Tập đoàn kinh tế như sau:

Điều 188. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty 

1. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập theo quy định của Luật này.

2. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác. Công ty mẹ, công ty con và mỗi công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty có quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp độc lập theo quy định của pháp luật.

2. Điều kiện để thành lập tập đoàn kinh tế tại Việt Nam

Một tập đoàn kinh tế chỉ được thành lập mới tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Về ngành nghề hoạt động: tập đoàn kinh tế đó phải có ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thuộc ngành, lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đặc biệt quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc gia về kinh tế; tạo nền tảng về hạ tầng kinh tế quốc gia; tạo động lực nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ quy định các ngành, lĩnh vực kinh doanh được xem xét thành lập tập đoàn kinh tế trong từng thời kỳ;
  • Công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế phải đáp ứng các điều kiện sau:
    • Vốn điều lệ của công ty mẹ không thấp hơn 10.000 tỷ đồng. Trường hợp công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì phần vốn nhà nước phải chiếm tối thiểu 75% vốn điều lệ của công ty mẹ. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với trường hợp mức vốn điều lệ hoặc tỷ lệ vốn nhà nước trên vốn điều lệ của công ty mẹ thấp hơn mức quy định này;
    • Có nguồn nhân lực đủ trình độ, kinh nghiệm và khả năng kinh doanh ngành nghề chính và các ngành nghề có liên quan; quản lý vốn đầu tư và quản trị điều hành, phối hợp hoạt động các công ty con, công ty liên kết;
    • Có khả năng sử dụng bí quyết công nghệ, thương hiệu, thị trường để chi phối các công ty con và tiến hành liên kết với các công ty liên kết khác;
    • Có nguồn lực tài chính hoặc có phương án khả thi để huy động nguồn lực tài chính, bảo đảm đầu tư đủ vốn vào các công ty con và các công ty liên kết.
  • Tập đoàn kinh tế phải có tối thiểu 50% số công ty con hoạt động trong những khâu, công đoạn then chốt trong ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và tổng giá trị cổ phần, phần vốn góp của công ty mẹ tại các công ty con này tối thiểu bằng 60% tổng nguồn vốn đầu tư của công ty mẹ tại các công ty con, công ty liên kết.
  • Công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ phải là những công ty được thành lập để phát triển, nắm giữ các bí quyết công nghệ phục vụ trực tiếp việc thực hiện các nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ.

3. Trình tự, thủ tục thành lập tập đoàn kinh tế tại Việt Nam

Bước 1: Các công ty mẹ trong tổng công ty, nhóm công ty tiến hành xây dựng Đề án thành lập tập đoàn kinh tế trong từng thời kỳ trên cơ sở đề nghị của Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Hội đồng thành viên hoặc người đại diện theo ủy quyền thực hiện quyền cổ đông, thành viên nhà nước (sau đây gọi tắt là người đại diện theo ủy quyền) tại công ty mẹ trong tổng công ty, nhóm công ty có trách nhiệm xây dựng Đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty trình Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cho ý kiến để hoàn chỉnh Dự thảo Đề án.

Đề án thành lập tập đoàn kinh tế gồm các nội dung cơ bản sau:

  • Sự cần thiết, mục đích thành lập tập đoàn kinh tế;
  • Thực trạng tổ chức quản lý và hoạt động của tổng công ty, nhóm công ty;
  • Phương thức hình thành và cơ cấu tập đoàn kinh tế;
  • Phương thức xây dựng, duy trì và phát triển các hình thức liên kết giữa công ty mẹ với các doanh nghiệp thành viên và giữa các doanh nghiệp thành viên;
  • Phương thức thành lập công ty mẹ, bao gồm cả phương án cổ phần hóa công ty mẹ đối với trường hợp hình thành tập đoàn kinh tế đồng thời với cổ phần hóa công ty mẹ;
  • Hình thức pháp lý, tên, cơ cấu tổ chức và quản lý của công ty mẹ;
  • Tên, hình thức pháp lý, cơ cấu tổ chức của các doanh nghiệp thành viên;
  • Ngành nghề kinh doanh chính và ngành nghề có liên quan; 
  • Cơ cấu đầu tư vào các ngành nghề trong tập đoàn kinh tế;
  • Phương án sử dụng, phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo quản lý tại công ty mẹ;
  • Nguồn nhân lực thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu công ty mẹ tại các doanh nghiệp thành viên;
  • Phương án hoạt động kinh doanh của tập đoàn kinh tế;
  • Phân tích các chỉ tiêu hiệu quả của việc thành lập tập đoàn kinh tế so với trước khi thành lập;
  • Đánh giá tác động kinh tế – xã hội và sự phù hợp của việc thành lập tập đoàn kinh tế với quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ;
  • Báo cáo thực hiện các thủ tục về tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật cạnh tranh;
  • Tổ chức, hoạt động, quản lý, điều hành trong tập đoàn kinh tế;
  • Hệ thống thông tin và cơ chế bảo đảm thông tin thông suốt trong toàn tập đoàn kinh tế;
  • Lộ trình và kế hoạch thực hiện Đề án.

Bước 2: Sau khi các công ty mẹ xây dựng Đề án thì Bộ quản lý ngành lập ít nhất 08 bộ hồ sơ gốc đề nghị thành lập tập đoàn kinh tế gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Hồ sơ thành lập tập đoàn kinh tế gồm:

  • Tờ trình Đề án;
  • Đề án thành lập tập đoàn kinh tế.
  • Dự thảo Điều lệ công ty mẹ.

Bước 3: Sau khi nhận hồ sơ đề nghị thành lập tập đoàn kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì lấy ý kiến các Bộ: Tài chính, Lao động – Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi công ty mẹ đặt trụ sở chính và ít nhất ba (03) chuyên gia kinh tế độc lập.

Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Hồ sơ đề nghị thành lập tập đoàn kinh tế, các cơ quan và cá nhân liên quan có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham gia ý kiến đối với các nội dung thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.

Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ Hồ sơ và báo cáo thẩm định Hồ sơ đề nghị thành lập tập đoàn kinh tế để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Căn cứ vào quy định pháp luật và báo cáo thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Đề án thành lập tập đoàn kinh tế.

Bước 4: Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập thì các cơ quan ban ngành sẽ thực hiện việc triển khai Đề án thành lập tập đoàn kinh tế. Cụ thể:

  • Trường hợp thành lập tập đoàn kinh tế có công ty mẹ hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu: Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập công ty mẹ; bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty mẹ theo đề nghị của Bộ quản lý ngành sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ. Bộ trưởng Bộ quản lý ngành quyết định bổ nhiệm thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Kiểm soát viên chuyên ngành công ty mẹ. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định bổ nhiệm Kiểm soát viên tài chính công ty mẹ.
  • Trường hợp thành lập tập đoàn kinh tế có công ty mẹ hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước và trường hợp vừa thành lập tập đoàn kinh tế vừa chuyển đổi công ty mẹ thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước: Bộ trưởng Bộ quản lý ngành chỉ định người đại diện theo ủy quyền tại công ty mẹ; quyết định cử người tham gia ứng cử Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên công ty mẹ.
  • Hội đồng thành viên hoặc người đại diện theo ủy quyền và người được cử tham gia Hội đồng quản trị công ty mẹ có trách nhiệm thực hiện quyền chi phối để định hướng Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên và Hội đồng quản trị công ty mẹ tiếp tục triển khai thực hiện Đề án; phát triển các hình thức liên kết trong nhóm công ty mẹ – công ty con, giữa các doanh nghiệp thành viên trong quá trình triển khai thực hiện Đề án và hoạt động của tập đoàn kinh tế. Hội đồng thành viên hoặc người đại diện theo ủy quyền tại công ty mẹ phải báo cáo chủ sở hữu tình hình triển khai thực hiện Đề án, những khó khăn, vướng mắc phát sinh và phối hợp với các cơ quan có liên quan để triển khai thực hiện.

Hy vọng bài viết có ích cho bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ doanh nghiệp 
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm