Căn cứ pháp lí
- Luật doanh nghiệp 2014
- Luật hôn nhân và gia đình 2014
Nội dung tư vấn 1. Cổ phần là gì? Cổ phần có thể hiểu là tỷ lệ sở hữu phần vốn góp của các thành viên trong công ty, đặc thù riêng của loại hình công ty cổ phần. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 110 luật Doanh nghiệp 2014 đưa ra định nghĩa về cổ phần là vốn điều lệ của công ty cổ phần chia ra các phần bằng nhau. Có 02 loại cổ phần:
- Cổ phần phổ thông thuộc sở hữu của cổ đông phổ thông.
- Cổ phần ưu đãi thuộc sở hữu của cổ đông ưu đãi. Cổ phần ưu đãi bao gồm ba loại cổ phần khác là cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần ưu đãi hoàn lại. Tùy từng loại mà chúng có giá trị và lợi ích khác nhau.
Điều 110. Công ty cổ phần 1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó: a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa; c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp; d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này. …
2. Chồng bán cổ phần có cần vợ đồng ý không? Như vậy, ta xét tới 02 trường hợp dưới đây: Trường hợp 1: Số cổ phần đó không phải là tài sản chung của vợ chồng. Nếu số cổ phần đó chỉ thuộc sở hữu của riêng chồng và được đăng ký là tài sản riêng thì hiển nhiên việc chồng bán cổ phần sẽ không phải hỏi ý kiến của vợ. Trường hợp 2: Số cổ phần đó là tài sản chung của vợ chồng. Căn cứ Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì tài sản chung của vợ chồng là những tài sản thuộc sở hữu chung do vợ chồng tạo ra hoặc do thu nhập mang lại, các khoản lợi nhuận phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp thời kỳ hôn nhân, được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng 1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. …
Nếu đây là tài sản chung của vợ chồng thì ta phải xác định được có văn bản thỏa thuận giữa vợ và chồng về việc một người tự mình thực hiện giao dịch mà không phải hỏi ý kiến của người còn lại hay không.
- Nếu không có thỏa thuận gì tức tài sản chung đó phải được thông qua vợ, hai người thỏa thuận hay nói cách khác là chồng hỏi ý kiến của vợ thì chồng mới được bán cổ phần đó căn cứ Điều 35 luật này.
Điều 35. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung 1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. 2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây: a) Bất động sản; b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.
- Nếu vợ chồng đã có thỏa thuận bằng văn bản về việc chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh mua bán cổ phần thì chồng có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó, nghĩa là bán cổ phần mà không hỏi vợ, cụ thể tại Điều 36 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Điều 36. Tài sản chung được đưa vào kinh doanh Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản.
3. Trường hợp chồng tự ý bán trong khi đó là tài sản chung và vợ không đồng ý? Nếu như chồng tự ý bán cổ phần mà không hỏi ý kiến vợ trong khi tài sản có chứng nhận quyền sở hữu và thuộc quyền quyết định của cả hai, căn cứ khoản 2 Điều 26 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì giao dịch đó trở nên vô hiệu, hai bên sẽ trao trả cho nhau những gì đã mua bán trong trường hợp nếu bị vợ kiện ra Tòa án.
Điều 26. Đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng … 2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật này thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi.
Tóm lại, trên đây là một ví dụ đối với loại tài sản của vợ chồng trong hôn nhân, vấn đề hỏi vợ về việc bán cổ phần trên thực tế sẽ linh hoạt tùy thuộc vào lợi ích cũng như tính chất công việc chứ không đến nỗi nhiều vấn đề như chúng tôi đã trình bày ở trên. Tuy nhiên các bạn nên tham khảo ý kiến của vợ hoặc chồng mình nếu họ có kiến thức về vấn đề này trước khi thực hiện giao dịch nhé. Mong bài viết hữu ích cho bạn đọc!
Thông tin liên hệ Luật Sư X
Trên đây là nội dung tư vấn về Chồng bán cổ phần có cần vợ đồng ý không? Mọi thắc mắc về thủ tục pháp lý có liên quan. Quý khách vui lòng liên hệ Luật Sư X để được hỗ trợ, giải đáp.
Gọi ngay cho chúng tôi qua hotline: 0833.102.102.