Kinh doanh nhà hàng ăn uống đang là một lĩnh vực rất phát triển, đem lại lợi nhuận khổng lồ, thu hút rất nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên khi kinh doanh nhà hàng ăn uống, các chủ đầu tư nên chú ý về thủ tục đăng ký kinh doanh hợp pháp, tránh những rắc rối pháp lý sau này. Bài viết dưới đây của Luật sư X xin chia sẻ những thông tin cần biết về thủ tục đăng ký kinh doanh nhà hàng ăn uống mới nhất hiện nay.
Căn cứ:
- Luật doanh nghiệp 2014
- Luật an toàn vệ sinh thực phẩm 2010
- Nghị định 78/2015/NĐ-CP về Đăng ký doanh nghiệp
- Thông tư 47/2014/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
Nội dung tư vấn
Để được cấp phép kinh doanh nhà hàng ăn uống, cần phải đáp ứng một số điều kiện, giấy phép sau:
-
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
-
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
-
Giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu(nếu kinh doanh rượu)
1. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
Hoạt động kinh doanh nhà hàng ăn uống là ngành nghề có địa điểm cố định và mang tính thường xuyên, do đó, không thuộc các trường hợp kinh doanh không phải đăng ký quy định tại Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP vì vậy để kinh doanh dịch vụ này hợp pháp thì phải đăng ký kinh doanh ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh doanh nhà hàng ăn uống.
Một số ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh doanh nhà hàng ăn uống như:
STT | TÊN NGÀNH NGHỀ | MÃ NGÀNH |
1 | Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động | 5610 |
2 | Cung cấp dịch vụ ăn uống theo hợp đồng không thường xuyên với khách hàng (phục vụ tiệc, hội họp, đám cưới) | 5621 |
3 | Dịch vụ ăn uống khác(Cung cấp dịch vụ ăn uống theo hợp đồng với khách hàng, trong khoảng thời gian cụ thể; Cung cấp suất ăn theo hợp đồng; Hoạt động nhượng quyền cung cấp đồ ăn uống tại các cuộc thi đấu thể thao và các sự kiện tương tự;…) | 5629 |
4 | Dịch vụ phục vụ đồ uống | 5630 |
5 | Bán lẻ thực phẩm trong các cửa hàng chuyên doanh | 4722 |
6 | Bán lẻ đồ uống trong các cửa hàng chuyên doanh | 4723 |
Theo đó, có thể lựa chọn một trong số các hình thức sau: Công ty TNHH hoặc công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh, hộ kinh doanh,…
Tùy theo từng loại hình kinh doanh mà bạn có thể hoàn thiện hồ sơ theo quy định đặc thù, sau đó gửi hồ sơ đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận/huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh (Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư)
2. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Khoản 10 Điều 5 Luật An toàn vệ sinh thực phẩm 2010 quy định hành vi cấm “Sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.” Như vậy, nếu muốn kinh doanh nhà hàng ăn uống cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Điều kiện cấp: đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật an toàn vệ sinh thực phẩm 2010 cụ thể như sau:
- Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
- Có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.”
Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm gồm các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Thành phần hồ sơ gồm các giấy tờ quy định tại Điều 1 Thông tư 47/2014/TT-BYT, cụ thể gồm:
1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (theo mẫu)
2. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống (bản sao có xác nhận của cơ sở).
3. Bản mô tả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm
4. Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống (bản sao có xác nhận của cơ sở)
5. Danh sách kết quả khám sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Bước 2: Nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền
- Đối với Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Bộ Kế hoạch Đầu tư và Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh/ thành phố trực cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hoặc Cơ sở do UBND quận/ huyện cấp Giấy chứng nhận có quy mô kinh doanh từ 200 suất ăn/lần phục vụ trở lên: Nộp hồ sơ tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt cơ sở.
- Đối với Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do UBND (hoặc cơ quan có thẩm quyền) quận, huyện,thị xã và thành phố thuộc tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô kinh doanh dưới 200 suất ăn/lần phục vụ: Nộp hồ sơ tại UBND quận/ huyện/ thị xã nơi đặt cơ sở
Bước 3: Thẩm định hồ sơ và việc đáp ứng điều kiện cấp của cơ sở
Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thẩm xét tính hợp lệ của hồ sơ:
- Nếu hồ sơ không hợp lệ thì phải thông báo bằng văn bản và yêu cầu bổ sung
- Nếu hồ sơ hợp lệ, trong thời gian 10 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thẩm định cơ sở.
Lưu ý: Đoàn thẩm định cơ sở chịu trách nhiệm thực hiện:
- Đối chiếu thông tin và thẩm định tính pháp lý của hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận với hồ sơ gốc lưu tại cơ sở theo quy định;
- Thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở với hồ sơ và theo quy định và lập Biên bản thẩm định
Bước 4: Nhận giấy chứng nhận
Sau khi thẩm định, cơ quan có thẩm quyền dựa trên kết quả thẩm định và thông báo kết quả với cơ sở. Có 03 trường hợp có thể xảy ra:
- Trường hợp cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
- Trường hợp cơ sở chưa đủ điều kiện an toàn thực phẩm và phải chờ hoàn thiện. Đoàn thẩm định tổ chức thẩm định lại khi cơ sở có văn bản xác nhận đã hoàn thiện đầy đủ các yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm của Đoàn thẩm định lần trước.
- Trường hợp cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý an toàn thực phẩm trực tiếp của địa phương để giám sát và yêu cầu cơ sở không được hoạt động cho đến khi được cấp Giấy chứng nhận.
Lưu ý: Thời hạn, hiệu lực của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 3 năm (Điều 37 Luật an toàn vệ sinh thực phẩm 2010)
3. Giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu (nếu kinh doanh thêm rượu)
Trường hợp nhà hàng ăn uống có kinh doanh thêm hoạt động bán lẻ rượu thì còn phải xin thêm giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu theo quy định tại Thông tư 60/2014/TT-BCT.
Đối với trường hợp chỉ kinh doanh rượu tiêu dùng tại chỗ ăn kèm đối với đồ ăn thì không cần phải xin giấy phép bán lẻ rượu mà chỉ phải thông báo với Phòng Công Thương (Phòng Kinh tế) trên địa bàn trước khi thực hiện kinh doanh.
Do đó, bạn nên cân nhắc về nhu cầu kinh doanh trước khi thực hiện các thủ tục hành chính trên.
Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn đọc
Trân trọng.
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ doanh nghiệp tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Câu hỏi thường gặp:
Đăng ký kinh doanh là sự ghi nhận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về mặt pháp lý sự ra đời của chủ thể kinh doanh được thể hiện dưới hình thức Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp.
Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
– Cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
– Cơ sở cần đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm theo đúng quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, bảo quản, vận chuyển, nguồn gốc nguyên liệu và chứng từ liên quan.
– Người lao động và người đến cơ sở (khách hàng, người giao nhận hàng, người liên hệ…) phải thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Chẳng hạn như đã tiêm ngừa vaccine COVID-19, thực hiện xét nghiệm và có kết quả âm tính SARS-CoV-2…
– Có biện pháp kiểm soát phòng, chống COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế đối với người lao động, người ra vào cơ sở. Cụ thể là quy tắc 5K, đo thân nhiệt, tiêm ngừa vaccine COVID-19…
– Bố trí khu vực giao nhận sản phẩm, có bàn trung chuyển và tách biệt khu vực khác; đảm bảo khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 2m, trang bị nước rửa tay sát khuẩn, có phương tiện làm khô tay hoặc khăn làm khô dùng một lần.