Thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ

bởi Vudinhha

Lâu nay nhiều người vẫn lầm tưởng việc đòi nợ thuê là công việc bất hợp pháp đươc thực hiện bởi những tên du côn du đãng. Tuy nhiên thực tế không phải vậy, pháp luật công nhận và cấp phép cho các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đây là một ngành nghề kinh doanh hứa hẹn đem lại nhiều lợi nhuận cho chủ doanh nghiệp. Do đó, những ai đang có ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực đòi nợ thuê thì xin lưu ý những điều sau đây để hiện thực hóa mục tiêu của mình.

Căn cứ:

  • Luật doanh nghiệp 2014
  • Luật đầu tư 2014
  • Nghị định 104/2007/NĐ-CP

Nội dung tư vấn

1. Điều kiện để kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê

Trong xã hội luôn tiềm ẩn những biến động kinh tế, những khoản nợ khó đòi hoặc không đòi được luôn là vấn đề nhức nhối của rất nhiều người. Những khoản nợ xấu có nguồn gốc từ các hợp đồng kinh tế, hoạt động kinh doanh của các tổ chức, pháp nhân thì sẽ có căn cứ pháp lý để khởi kiện ra tòa án nhằm buộc người nợ phải trả nợ. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có không ít các khoản nợ được các chủ thể do quen biết, hoặc vì lý do nào đó mà chỉ thực hiện bằng miệng mà không có giấy tờ rằng buộc. Khi chủ nợ nhận ra con nợ trây ỳ và không có ý định trả tiền thì mới vội vàng tìm đến các tổ chức đòi nợ.

Do có cầu thì sẽ có cung nên nhà nước ta đã hợp pháp hóa hoạt động đòi nợ thuê. Qua đó quy định những nguyên tắc về trong quá trình hoạt động cũng như điều kiện bắt buộc mà các chủ thể phải đáp ứng được để có thể kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Theo đó Luật đầu tư 2014 đã liệt kê hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, căn cứ theo Nghị định 104/2007/NĐ-CP quy định những điều kiện về vốn và về năng lực của những cá nhân trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp phải đáp ứng, cụ thể như sau:

Điều kiện về vốn pháp định

Vốn pháp định là số tiền tối thiểu mà các chủ sở hữu, thành viên hoặc các cổ đông sáng lập của công ty phải góp nếu muốn đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Căn cứ theo Điều 13 Nghị định 104/2007/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 13. Điều kiện về vốn

Mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng).

Trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định.

Như vậy, nếu muốn thành lập doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì những chủ sở hữu, các thành viên hoặc cổ đông sáng lập của công ty phải cam kết và góp đủ số vốn tối thiểu là 2 tỷ đồng. Việc góp vốn phải thực hiện theo trình tự và thủ tục quy định trong Luật doanh nghiệp 2014. Đồng thời phải liên tục duy trì mức vốn điều lệ của công ty không dưới 2 tỷ đồng trong suốt quá trình công ty hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Như vậy, doanh nghiệp sẽ không thể đăng ký điều chỉnh giảm vốn điều lệ xuống thấp hơn 2 tỷ đồng trong bất cứ hoàn cảnh nào trừ khi doanh nghiệp đồng thời đăng ký xóa bỏ ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Điều kiện về chủ thể trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp

Cần phải phân biệt giữa chủ thể thành lập doanh nghiệp là những chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông sáng lập của công ty với những chủ thể trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động của doanh nghiệp. Đối với các chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông sáng lập của công ty sẽ phải đáp ứng những điều kiện được quy định trong Luật doanh nghiệp 2014. Bên cạnh đó, những chủ sở hữu, thành viên/cổ đông sáng lập muốn trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động thường ngày của công ty hoặc những người được thuê với nhiệm vụ quản lý, điều hành hoạt động của công ty dưới chức danh giám đốc công ty, giám đốc chi nhánh thì sẽ phải đáp ứng những điều kiện quy định tại Điều 14 Nghị định 104/2007/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Điều 14. Điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý và giám đốc chi nhanh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ

1. Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

2. Có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.

3. Không có tiền án.

4. Những người đã làm việc cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khác đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải thoả mãn thêm điều kiện: trong ba năm trước liền kề, không giữ chức danh quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Từ những nghiên cứu và rút kinh nghiệm từ thực tiễn, khi hoạt động đòi nợ thường được thực hiện bởi những tay giang hồ có máu mặt. Thực hiện các hành vi mang bản chất côn đồ để thu hồi nợ. Do đó, pháp luật đã quy định những điều kiện nêu trên để nhằm ngăn chặn những người thực hiện việc đòi nợ có những hành vi đe dọa, uy hiếp thậm chí dùng vũ lực, hành hung đối với các con nợ.

2. Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp

Sau khi đã xác định đã đáp ứng đủ những điều kiện về vốn pháp định và điều kiện về chủ thể theo pháp luật doanh nghiệp quy định thì chủ sở hữu, thành viên/cổ đông sáng lập của doanh nghiệp cần lưu ý tới lựa chọn mô hình của doanh nghiệp. Dựa trên tình hình thực tế và những nhu cầu, điều kiện cụ thể mà các chủ thể có thể linh động lựa chon các mô hình như công ty TNHH hoặc công ty cổ phần,…. 

Khi đã lựa chọn được mô hình doanh nghiệp mà mình sẽ đăng ký. Các chủ thể đăng ký kinh doanh nên lưu ý và thực hiện theo các bước sau đây

Bước 1 Soạn thảo bộ hồ sơ

Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ cần chuẩn bị những bộ hồ sơ gồm những giấy tờ sau đây:

  • Bộ hồ sơ về đăng ký doanh nghiệp

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách thành viên/cổ đông sáng lập 

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân;

b) Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.

  • Bộ hồ sơ chứng minh điều kiện về vốn pháp định

1. Biên bản góp vốn của các cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần hoặc của các thành viên sáng lập đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên; quyết định giao vốn của chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà chủ sở hữu là một tổ chức; bản đăng ký vốn đầu tư của chủ sở hữu doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân và đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà chủ sở hữu là cá nhân;

2. Đối với số vốn được góp bằng tiền, phải có xác nhận của ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam về số tiền ký quỹ của các thành viên sáng lập. Số tiền ký quỹ phải bằng số vốn góp bằng tiền của các thành viên sáng lập và chỉ được giải toả sau khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ;

3. Đối với số vốn góp bằng tài sản, phải có chứng thư của tổ chức có chức năng định giá ở Việt Nam về kết quả định giá tài sản được đưa vào góp vốn. Chứng thư phải còn hiệu lực tính đến ngày nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền.

  • Bộ hồ sơ chứng minh điều kiện về về tiêu chuẩn đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp

1. Bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp đại học thuộc một trong các ngành quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này. Trường hợp bằng tốt nghiệp do nước ngoài cấp, thì phải được dịch ra tiếng Việt Nam và công chứng;

2. Phiếu lý lịch tư pháp.

Trường hợp cá nhân là người nước ngoài, phải có giấy chứng thực của chính quyền nước sở tại về việc cá nhân đó không có tiền án ở nước đó. Giấy chứng thực này phải được dịch ra tiếng Việt Nam và công chứng.

Bước 2 Nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh (thuộc Sở kế hoạch & đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương). Lưu ý, việc đăng ký doanh nghiệp tại địa bàn thành phố Hà Nội thì sẽ bắt buộc phải Nộp hồ sơ qua mạng tại địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn. Các bác nếu cầm hồ sơ bản giấy lên trực tiếp nộp tại Bộ phận một cửa – Phòng đăng ký kinh doanh sẽ bị từ chối tiếp nhận.

Bước 3 Trong thời gian 3 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ. Sở kế hoạch & đầu tư tỉnh, thành phố sẽ phản hồi, với hai trường hợp như sau:

  • Hồ sơ hợp lệ: Nhận được thông báo hồ sơ nộp online đã hợp lệ, yêu cầu cầm bản giấy tới cơ quan nhà nước để đối chứng và nhận bản vàng “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”
  • Hồ sơ không hợp lệ: Yêu cầu sửa đổi và bổ sung (quay lại bước 2)

Cơ quan thụ lý giải quyết:  Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch & đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Thời gian phản hồi: 3 ngày làm việc

Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả.

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ đăng ký doanh nghiệp tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm