Bị ép kí hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cô Hạnh (Về nhà đi con) có thực sự mất mảnh vườn?

bởi Luật Sư X

Trong tập 74 của của bộ phim quốc dân “Về nhà đi con” vừa công chiếu, hầu hết người xem đã tỏ ra vô cùng khinh hận cậu quý tử Quang của nhân vật cô Hạnh, vì hành động thiếu đạo đức của mình. Rượu chè, cờ bạc, chỉ vì muốn chiếm được mảnh đất mà ông bà đã để lại cho cô Hạnh, mà hắn đã bỉ ổi thuê hẳn một “ê-kíp” dàn dựng cảnh mình bị hành hạ, đề buộc người mẹ đáng thương phải kí vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, trên phim là vậy, còn trên thực tế, cô Hạnh có thực sự mất đi mảnh đất đó không? Hãy cùng  Luật sư X tìm hiểu nhé. 

Căn cứ:

Nội dung tư vấn

1. Hợp đồng được kí kết là hợp đồng vô hiệu do lừa dối, cưỡng ép

Bộ luật dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép như sau:

Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Cụ thể:

  • Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó. Ví dụ; A và B kí kết hợp đồng mua bán xe máy, với lời cam đoan của A là xe máy vẫn còn mới 90% và tuyệt đối không hỏng hóc. Tuy nhiên, sự thật là các chi tiết về gương, đèn, xi nhan và một số bộ phận khác của xe đã xuống cấp vì sử dụng thời gian quá lâu. Trong trường hợp này, hợp đồng giữa A và B vô hiệu do lừa dối;
  • Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

Áp dụng vào tình huống trong bộ phim, Quang và đồng bọn đã lên kế hoạch đe dọa tinh thần của cô Hạnh, lợi dụng tình thương mà cô dành cho cậu con trai để buộc cô phải kí vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, để cứu cậu con “trời đánh” ra khỏi vòng vay của đám côn đồ. Nói cách khác, hành vi kí kết hợp đồng của cô Hạnh là hoàn toàn không tự nguyện mà là do bị cưỡng ép, đe dọa.

Bên cạnh đó, Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

Điều 131: Hậu quả pháp lí của giao dịch dân sự vô hiệu

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Theo quy định này, thì giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên trên không làm phát sinh cũng như chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên, hay quyền sử dụng đất không hề được chuyển sang Quang, mà vẫn thuộc về cô Hạnh.

2.Các bên không thực hiện đúng thủ tục chứng thực.

Luật Đất đai 2013 có quy định về quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất như sau;

Điều 167: Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thể chấp, góp vốn quyền sử dụng đất.

3. Việc công chứng chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau.

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;

Theo đó, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Quang, hay cho bất kì một chủ thể nào khác, hợp đồng mà cô Hạnh bị ép kí cũng buộc phải thực hiện thủ tục công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền.

Mà theo quy định tại Công chứng 2014 về việc công chứng, chứng thực hợp đồng thì:

1. Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên.

Trong trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì người đó có thể ký trước vào hợp đồng; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng.

Nghĩa là, các bên tham gia hợp đồng phải thực hiện việc kí vào hợp đồng trước mặt công chứng viên. Trường hợp duy nhất được kí trước vào hợp đồng mà không phải kí trực tiếp trước mặt công chứng viên, đó là trường hợp tổ chức tin dụng, doanh nghiệp đã đăng kí mẫu chữ kí tại tổ chức hành nghề công chứng. Cô Hạnh không thuộc trường hợp đó, nên việc ép cô kí trước vào bản hợp đồng rồi mới đem đi công chứng của Quang có thể coi là hoàn toàn vô nghĩa.

Một số băn khoăn được đặt ra, nếu người đàn ông trực tiếp nhận sổ đỏ của bà Hạnh là công chứng viên được Quang mời đến , thì liệu hợp đồng này có thể có hiệu lực? Tuy nhiên, xin được khẳng định luôn rằng, không thể có trường hợp đó xảy ra.

Khoản 1, Điều 7 Luật công chứng 2014 quy định  các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

“1. Nghiêm cấm công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện các hành vi sau đây:

b) Thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch, nội dung bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; xúi giục, tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo hoặc hành vi gian dối khác;

c) Công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch có liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân mình hoặc của những người thân thích là vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; ông, bà; anh chị em ruột, anh chị em ruột của vợ hoặc chồng; cháu là con của con đẻ, con nuôi;

Trong phân cảnh đòi sổ đỏ, có một chi tiết mà người đàn ông trực tiếp nhận sổ của bà Hạnh nói rằng: “Con trai bà đã nợ của chúng tôi rất nhiều tiền”. Như vậy, giao dịch liên quan đến đất đai này có liên quan trực tiếp tới lợi ích cá nhân của ông ta. Khi đó, nếu nghề nghiệp của ông ta là công chứng viên, thì pháp luật cũng không cho phép ông được thực hiện hành vi công chứng trong trường hợp này. Do đó, việc chữ kí được thực hiện  trước mặt công chứng viên là không thể xảy ra.

Nói tóm lại, trên thực tế, cô Hạnh chắc chắn không bị mất mảnh vườn do ông bà để lại. Tuy nhiên, để bộ phim đạt đến cao trào, khi mà tình cảm giữa những người có tâm hồn đồng điệu vượt lên trên những cám dỗ gạo tiền, các mọt phim hãy theo dõi bộ phim quốc dân này với một tâm thế giản đơn hơn nhé!

Hy vọng bài viết có ích với bạn đọc.

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng  tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102
5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm