Hiện nay mô hình tổng công ty đã phát triển lớn mạnh về quy mô, đa dạng về ngành nghề, phức tạp về cơ cấu tổ chức và địa bàn hoạt động tại nhiều quốc gia khác nhau. Vì vậy, chắc hẳn có rất nhiều bạn thắc mắc vậy mô hình tổng công ty có khác gì so với loại hình doanh nghiệp không. Bài viết dưới đây của Luật sư X sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn.
Căn cứ:
- Luật Chứng khoán 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2010
- Nghị định 71/2017/NĐ-CP
- Thông tư 95/2017/TT-BTC
Nội dung tư vấn
1. Công ty đại chúng là gì?
Theo quy định tại Điều 25 Luật Chứng khoán 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2010 định nghĩa về công ty đại chúng như sau:
“1. Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong ba loại hình sau đây:
a) Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng;
b) Công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán;
c) Công ty có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên.”
Như vậy, nếu công ty cổ phần đáp ứng được một trong ba điều kiện trên thì được coi là công ty đại chúng.
Ở hai trường hợp đầu tiên, việc trở thành công ty đại chúng là sự lựa chọn của bản thân công ty hay còn hiểu là việc xác lập trạng thái công ty đại chúng là tự động. Còn ở trường hợp cuối cùng, công ty cổ phần đáp ứng điều kiện về vốn điều lệ và số cổ đông đã nêu sẽ nghiễm nhiên trở thành công ty đại chúng nhưng phải thông qua thủ tục đăng ký công ty đại chúng. Ngày trở thành công ty đại chúng được tính từ ngày hoàn thành việc góp vốn đầy đủ và số cổ đông được ghi nhận trong số cổ đông có từ 100 nhà đầu tư trở lên. Vậy nên, một là trong vòng 90 ngày kể từ ngày trở thành công ty đại chúng, công ty có trách nhiệm phải nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Hai là, lúc này, công ty đại chúng thuộc sự quản lý của Ủy ban chứng khoán Nhà nước bên cạnh Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Cụ thể, chúng ta có thể hiểu là công ty đại chúng là những công ty thực hiện huy động vốn rộng rãi từ công chúng thông qua phát hành chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) niêm yết tại các trung tâm giao dịch chứng khoán hoặc chứng khoán không niêm yết nhưng được giao dịch thông qua các thể chế môi giới chứng khoán.
Nét đặc trưng của các công ty đại chúng là có sự tham gia của nguồn vốn từ bên ngoài với nhiều nhà đầu tư, do đó đặt ra yêu cầu quản trị công ty như là yếu tố khác biệt với vấn đề quản lý công ty.
Có thể thấy, việc quy định 3 trường hợp dùng để xác định công ty đại chúng là không cần thiết và tạo nên sự trùng lặp trong kỹ thuật lập pháp. Theo quy định hiện nay về niêm yết cổ phiếu tại các Sở Giao dịch chứng khoán, điều kiện để niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán đã bao hàm cả tiêu chí về số lượng cổ đông và quy mô vốn điều lệ thực góp.
Cụ thể, công ty niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh phải đạt số vốn tối thiểu là 120 tỷ đồng và có nhiều hơn 300 cổ đông, còn niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thì điều kiện tương ứng phải 30 tỷ đồng và nhiều hơn 100 cổ đông (ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp nhà nước – Doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa).
Như vậy, trước khi tiến hành niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán, các công ty niêm yết đã đáp ứng điều kiện của trường hợp 3. Nói cách khác, trước khi một Công ty cổ phần trở thành Công ty niêm yết, công ty này đã phải là công ty đại chúng vì rơi vào trường hợp 3 theo quy định của Điều 25 Luật Chứng khoán 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2010 hiện hành.
Có thể hiểu công ty đại chúng bằng một cách khác như sau:
Công ty đại chúng được hiểu là Công ty cổ phần có quy mô và độ phổ biến “đủ lớn” để đạt được tính “Đại chúng”, “đủ lớn” ở đây được hiểu trên 2 khía cạnh vốn điều lệ thực góp và số lượng cổ đông. Theo quy định của Luật ở Việt Nam thì:
– Có vốn điều lệ thực góp ít nhất là 10 tỷ đồng.
– Ít nhất 100 cổ đông, không kể các cổ đông là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp như các tổ chức bên lĩnh vực tài chính như Ngân hàng thương mại, Công ty Tài chính, Công ty Cho thuê Tài chính, Công ty Bảo hiểm, Công ty Chứng khoán và Công ty Quản lý Quỹ (Cùng các Quỹ đầu tư do các Công ty này Quản lý).
Do đó khi một Công ty cổ phần đạt đủ cả 02 điều kiện nói trên thì chính thức được xem là Công ty Đại chúng, theo quy định của Luật Chứng khoán thì trong vòng 90 ngày kể từ ngày thành Công ty Đại Chúng thì Công ty Cổ phần đó phải nộp hồ sơ để báo cáo Ủy ban Chứng khoán biết và quản lý. Như vậy các Công ty Đại chúng sẽ do Ủy ban Chứng khoán quản lý, còn các Công ty cổ phần khác còn lại chưa đạt được tính “Đại chúng” vẫn sẽ do Sở kế hoạch Đầu tư các Tỉnh, Thành phố quản lý.
Ngoài ra các quy định này có thể hiểu được rằng các nhà làm luật xác định tính đại chúng của một Công ty cổ phần dựa vào ba tiêu chí:
Tiêu chí 1, hoạt động gọi vốn từ công chúng.
Tiêu chí 2, sự tham gia của công chúng vào việc trao đổi, mua bán cổ phần của công ty.
Tiêu chí 3, ngưỡng quy mô (vốn điều lệ và cổ đông) xác định ranh giới nội bộ và đại chúng của Công ty cổ phần. Mục đích chính của quy định rõ ràng hướng đến việc bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
2. Ưu và nhượt điểm của hình thức tổ chức công ty đại chúng
- Ưu điểm:
Công ty đại chúng được xã hội biết đến do có tên tuổi xuất hiện công khai trên thị trường chứng khoán, trên báo chí. Công ty đã khẳng định được danh tiếng, uy tín thì khi cần huy động vốn ngoài xã hội, công ty dễ dàng có thể tiếp tục phát hành cổ phiếu, trái phiếu với chi phí phát hành thấp hơn lần phát hành truớc.
Công ty phải báo cáo công khai hoạt động của mình cho công chúng, nên chịu sự giám sát của công chúng, xã hội. Thêm vào đó, hội đồng quản trị và ban giám đốc phải công khai các hoạt động quản lý và điều hành công ty. Ban giám đốc phải chăm lo việc phát triển công ty cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý, cơ cấu hợp lý vốn, nếu không thì các giám đốc sẽ bị sa thải; như vậy hoạt động công ty đại chúng đã ràng buộc các giám đốc phải tuân thủ pháp luật, điều hành công ty theo đúng luật công ty.
Nhà nước bớt được gánh nặng phải trợ giúp vốn ngân sách cho công ty, và như vậy Nhà nước có thể tập trung sức lực vào nhiệm vụ trọng đại của mình là đầu tư cơ sở hạ tầng.
- Nhược điểm:
Khi phát hành, công ty sẽ phải chịu các chi phí đợt phát hành: chi phí thuê hãng kiểm toán độc lập để lập báo cáo kiểm toán hoạt động của công ty, chi phí thuê người bảo lãnh phát hành, chi phí chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ để xin phép phát hành, chi phí quảng cáo cho đợt phát hành.
3. Điều kiện để trở thành công ty đại chúng
- Về vốn điều lệ: Công ty đại chúng phải có vốn điều lệ từ 10 tỷ VNĐ trở lên.
- Về năng lực sản xuất kinh doanh: Năng lực sản xuất kinh doanh của Công ty đại chúng là có lãi 1 năm trước khi chào bán.
- Về tính đại chúng: Công ty đại chúng yêu cầu tối thiểu 100 nhà đầu tư nắm giữ không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp là các tổ chức tài chính.
- Về thời gian nắm giữ cổ phiếu của các thành viên trong ban lãnh đạo công ty: Công ty đại chúng không quy định tỷ lệ và thời gian nắm giữ bắt buộc của các thành viên lãnh đạo.
- Để được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, công ty đại chúng phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Về vốn điều lệ: Phải có vốn điều lệ từ 80 tỷ VNĐ trở lên;
- Về năng lực sản xuất kinh doanh: Công ty đại chúng niêm yết phải là có lãi 2 năm trước khi niêm yết;
- Về tính đại chúng: Công ty đại chúng yêu cầu tối thiểu 100 nhà đầu tư nắm giữ không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp là các tổ chức tài chính trong khi Công ty đại chúng niêm yết yêu cầu thêm điều kiện là 100 cổ đông nắm giữ ít nhất 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết.
- Về thời gian nắm giữ cổ phiếu của các thành viên trong ban lãnh đạo công ty: Công ty đại chúng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán yêu cầu ban lãnh đạo phải nắm giữ 100% trong 6 tháng đầu tiên và 50% trong 6 tháng tiếp theo kể từ ngày niêm yết.
Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn !
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102