Giấy chứng nhận đầu tư là gì?

bởi Vudinhha

Xét dưới góc độ  kinh tế học, đầu tư là một khái niệm không thể thiếu trong từ điển của những doanh nhân thành đạt. Trong số đó, đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, hay đầu tư mua vốn góp, cổ phần của tổ chức kinh tế,…là những hình thức phổ biến nhất. Trong quá trình này, các chủ thể nhất thiết cần có giấy chứng nhận đầu tư. Vậy, giấy chứng nhận đầu tư được hiểu như thế nào? Tầm quan trọng của nó ra sao? Trong khuôn khổ bài viết dưới đây, hãy cùng hãy cùng Luật sư X tìm hiểu chủ đề Giấy chứng nhận đầu tư là gì nhé. 

Căn cứ pháp lý

Nội dung tư vấn

1. Khái niệm giấy chứng nhận đầu tư

Điều 3 Luật Đầu tư 2014 quy định về giấy chứng nhận đăng kí đầu tư như sau: 

Điều 3: Giải thích từ ngữ

6.Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản, bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.

Theo đó, giấy chứng nhận đầu tư là giấy phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền ban hành cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thường được gắn liền với các dự án đầu tư và áp dụng phần lớn cho các cá nhân, tổ chức có yếu tố nước ngoài; được thể hiện dưới dạng: bản điện tử, văn bản ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư. Nếu giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử do cơ quan nơi nhà đầu tư thực hiện đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp của chủ đầu tư trong đó sẽ ghi lại đầy đủ các thông tin về đăng ký doanh nghiệp, thì giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lại chỉ  ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.

Nói cách khác, giấy chứng nhận đầu tư là điều kiện cần thiết để thành lập công ty nước ngoài tại Việt Nam, đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài khi thành lập doanh nghiệp.

Cụ thể: 

  • Đối tượng được cấp giấy chứng nhận đầu tư là nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
  • Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư là Phòng đăng ký đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.

2.Nội dung giấy chứng nhận đầu tư.

Thông thường, giấy chứng nhận đầu tư bao gồm những nội dung chính sau: 

  • Mã số dự án đầu tư.
  • Tên, địa chỉ của nhà đầu tư.
  • Tên dự án đầu tư.
  • Địa điểm thực hiện dự án đầu tư; diện tích đất sử dụng.
  • Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư.
  • Vốn đầu tư của dự án (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động), tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn.
  • Thời hạn hoạt động của dự án.
  • Tiến độ thực hiện dự án đầu tư: tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động (nếu có); tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động, hạng mục chủ yếu của dự án, trường hợp dự án thực hiện theo từng giai đoạn, phải quy định mục tiêu, thời hạn, nội dung hoạt động của từng giai đoạn.
  • Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có).
  • Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án (nếu có).
  • Ngoài ra nếu dự án đầu tư thuộc diện được hưởng ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư thực hiện dự án cần có những điều kiện cần thiết thì cũng phải thể hiện trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các nội dung về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng và các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án.

Dựa vào những tiêu chí nêu trên, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không chỉ có tác dụng chứng minh nhà đầu tư có thể thực hiện dự án mà còn là căn cứ để các chủ thể có thẩm quyền kiểm tra xem nhà đầu tư có thực hiện dự án đúng với nội dung dự án, đúng thời hạn, tiến độ thực hiện hay không, để có những biện pháp xử phạt hành chính và ngăn chặn kịp thời những sai phạm đáng tiếc xảy ra, đồng thời tạo điều kiện để nhà nước  đảm bảo tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng cho nhà đầu tư.

3. Các trường hợp cần xin Giấy chứng nhận đầu tư.

Khoản 1 Điều 36 Luật Đầu tư 2014 có quy định như sau:

Điều 36: Trường hợp thực hiện giấy chứng nhận đăng kí đầu tư

1. Các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:

a) Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;

b) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này.

Theo quy định, nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; còn nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.

Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định. Dự án đầu tư bao gồm dự án đầu tư mở rộng, dự án đầu tư mới.  Dự án đầu tư mở rộng là dự án đầu tư phát triển dự án đang hoạt động đầu tư kinh doanh bằng cách mở rộng quy mô, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm hoặc cải thiện môi trường.  Dự án đầu tư mới là dự án thực hiện lần đầu hoặc dự án hoạt động độc lập với dự án đang thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.

4. Các trường hợp không cần Giấy chứng nhận đầu tư.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 36 và Khoản 2 Điều 23 Luật Đầu tư 2014 thì các trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:

  • Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước;
  • Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp sau đây:
    • Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
    • Có tổ chức kinh tế nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;
    • Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế  nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.
  • Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

Ví dụ:  Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện đầu tư kinh doanh tại Việt Nam theo hình thức mua cổ phần của những doanh nghiệp thành viên chủ chốt  tại Việt Nam như PV GAS (PVD), PV Drilling (PVD), Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Cà Mau (DCM), PTSC (PVS). Trường hợp này, không cần đăng kí đầu tư, hay nói cách khác, nhà đầu tư không cần thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Hy vọng bài viết hữu ích cho quý độc giả!

Khuyến nghị 

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ doanh nghiệp tại Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102
5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm