Thủ tục thành lập công ty cổ phần tại quận Long Biên – Hà Nội

bởi MinhThu

Công ty cổ phần là một loại hình doanh nghiệp được lựa chọn khá nhiều bởi những ưu điểm nổi bật của loại hình này. Tuy nhiên, thành lập công ty cổ phần không phải thủ tục dễ dàng, đòi hỏi phải chuẩn bị những giấy tờ pháp lý và thực hiện theo một quy trình nhất định. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khi quyết định thành lập công ty, Luật sư X xin dành bài viết dưới đây cho những độc giả quan tâm đến thủ tục thành lập công ty cổ phẩn tại quận Long Biên – Hà Nội.

Căn cứ pháp lý

Luật doanh nghiệp 2014;

Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;

Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT

Nội dung tư vấn

1. Thế nào là công ty cổ phần?

Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp phổ biến ở nước ta hiện nay. Theo thống kê đến quý 2 năm 2019, số lượng công ty cổ phần chiếm khoảng 55% số lượng các doanh nghiệp đang hoạt động. Bên cạnh đó, cả năm 2018 có 131.275 doanh nghiệp được thành lập nhưng trong đó các công ty cổ phần có số lượng là hơn 90.000 doanh nghiệp.

Nguyên nhân mà các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tại quận Long Biên thường ưu tiên lựa chọn thành lập công ty cổ phần là do những ưu điểm vượt trội mà hình thức này mang lại.

Hình thức công ty cổ phần được quy định tại Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2014:

“Điều 110: Công ty cổ phần

1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;

c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này.

2. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn”.

Từ quy định của pháp luật có thể dễ dàng nhận thấy công ty cổ phần có một số ưu điểm so với các loại hình doanh nghiệp khác.

Thứ nhất, vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần

Với hình thức vốn như vậy đã tạo ra một cơ chế góp vốn linh động, thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình góp vốn khi không chỉ những nhà đầu tư lớn mà ngay cả những nhà đầu tư có số vốn hạn chế cũng có thể tham gia đầu tư vào công ty. Ngoài ra, khả năng huy động vốn của công ty cổ phần rất cao thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng, đây là đặc điểm riêng có của công ty cổ phần

Thứ hai, cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa

Với số lượng cổ đông tối thiểu là 3 và không giới hạn về số lượng tối đa là một lợi thế lớn của công ty cổ phần so với các loại hình doanh nghiệp khác. Với đặc điểm không hạn chế số lượng cổ đông tham gia góp vốn  giúp cho công ty cổ phần có thể huy động nguồn vốn từ lượng lớn nhà đầu tư, có thể phát huy tối đa nguồn lực đầu tư từ xã hội để phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, phạm vi đối tượng được tham gia công ty cổ phần là rất rộng, ngay cả các cán bộ công chức cũng có quyền mua cổ phiếu của công ty cổ phần.

Thứ ba, cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

Khác với các chủ doanh nghiệp tư nhân khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và bị phá sản thì người chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm toàn bộ bằng tài sản của mình đối với các khoản nợ của doanh nghiệp. Còn với công ty cổ phần, các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp nên mức độ rủi do của các cổ đông không được giảm đáng kể.

Thứ tư, công ty cổ phần có tư cách pháp nhân

Bên cạnh đó, công ty cổ phần còn có tư cách pháp nhân, vì vậy sẽ có sự tách bạch nhất định giữa trách nhiệm của công ty và trách nhiệm của các cổ đông trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong trường hợp công ty hoạt động nếu xảy ra những sai phạm thì công ty và những người thực hiện quản lý sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

2. Thực tiễn thành lập công ty cổ phần tại quận Long Biên

Long Biên là một quận nằm ở phía Đông thành phố Hà Nội. Đây là quận duy nhất nằm ở tả ngạn sông Hồng, đồng thời là quận có diện tích lớn nhất của thủ đô Hà Nội có phía Đông và Nam giáp huyện Gia Lâm; Phía Tây giáp các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng; Phía Tây Nam giáp quận Hoàng Mai, ranh giới là sông Hồng; Phía Bắc giáp huyện Đông Anh, ranh giới là sông Đuống.

Quận Long Biên có 14 đơn vị hành chính trực thuộc là các phường: Cự Khối, Thạch Bàn, Long Biên, Bồ Đề, Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Gia Thụy, Thượng Thanh, Việt Hưng, Phúc Đồng, Sài Đồng, Phúc Lợi, Giang Biên, Đức Giang. Đây là một quận được đánh giá là có sự phát triển toàn diện, liên tục, tăng trường bền vững.

Tính đến thời điểm hiện tại sô lượng doanh nghiệp tại quận Long Biên khoảng 12.315 doanh nghiệp trong đó chủ yếu là loại hình công ty cổ phần, chiếm khoảng 40% tổng số; các doanh nghiệp hoạt động tại quận này phát triển trong nhiều ngành nghề khác nhau ví dụ như: nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, vận tải hàng hóa đường thủy nội địa, may trang phục, hoạt động tư vấn quản lý,….. 

Theo thống kê đến thời điểm hiện tại thì đa phần các công ty cổ phần được thành lập tại phường Đức Giang, phường Bồ Đề, phường Ngọc Lâm. Một số các phường số lượng công ty cổ phần vẫn còn ít như phường Gia Lâm, phường Ngô Gia Tự, xã Ngọc Thụy, xã Việt Hưng,… mới chỉ có 1 – 2 doanh nghiệp được thành lập tại khu vực đó. Các khu vực khác trong quận chiếm tỷ lệ trung bình mỗi phường khoảng 500 – 800 doanh nghiệp.

3. Thủ tục thành lập công ty cổ phần tại quận Long Biên

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ thành lập công ty cổ phần tại quận Long Biên bao gồm:

  • Giấy đề nghị thành lập công ty cổ phần (theo mẫu tại Phụ lục I-4 Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT)
  • Điều lệ công ty cổ phần: thông thường, điều lệ công ty sẽ được thiết lập dựa trên những quy định về điều lệ doanh nghiệp trong Luật doanh nghiệp 2014 bao gồm những thông tin cơ bản: tên; địa chỉ; vốn điều lệ công ty; họ, tên và chữ ký của cổ đông; người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức. Bên cạnh đó, cũng có thể kết hợp những ý tưởng về quản trị doanh nghiệp của mình để đề ra những điều lệ cụ thể cho doanh nghiệp mình. 
  • Danh sách cổ đông sáng lập công ty.
  • Bản sao các giấy tờ sau đây:
    • Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân;
    • Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức. Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
    • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài
  • Văn bản ủy quyền (trong trương hợp không trực tiếp thực hiện thủ tục này mà ủy quyền người khác thực hiện)

Bước 2: Nộp hồ sơ

Theo Điều 13 Nghị định 78/2015/NĐ-CP có quy định về cơ quan đăng kí kinh doanh như sau:

Điều 13. Cơ quan đăng ký kinh doanh

Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), bao gồm:

a) Ở cấp tỉnh: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi chung là Phòng Đăng ký kinh doanh). Phòng Đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh. 

Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có thể thành lập thêm một hoặc hai Phòng Đăng ký kinh doanh và được đánh số theo thứ tự. Việc thành lập thêm Phòng Đăng ký kinh doanh do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

b) Ở cấp huyện: Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ kinh doanh quy định tại Điều 15 Nghị định này (sau đây gọi chung là cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện).

Như vậy, đối với cá nhân, tổ chức muốn thành lập công ty cổ phần tại địa bàn quận Long Biên thì cơ quan có thẩm quyền là Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố Hà Nội.  

Hiện nay, Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch đầu tư Thành phố Hà Nội yêu cầu các chủ công ty cổ phần phải thực hiện thủ tục đăng ký online trước, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì mới in các loại giấy tờ trên thành các bản cứng để đem tới nộp trực tiếp tại Bộ phận 1 cửa của Phòng đăng ký kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận.

Do vậy, đối với những chủ doanh nghiệp muốn đăng ký thành lập công ty cổ phần trên địa bàn quận Long Biên thì phải truy cập vào cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại https://dangkykinhdoanh.gov.vn và làm theo các bước hướng dẫn đăng ký kinh doanh online.

Sau khoảng thời gian 3 ngày, chủ công ty cổ phần sẽ nhận được phản hồi thông qua tài khoản đã đăng ký trước đó về việc hồ sơ có được chấp thuận hay không. 

  • Nếu trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì sẽ nhận được thông báo phải xem xét và bổ sung theo hướng dẫn. 
  • Nếu trường hợp hồ sơ đã hợp lệ và được chấp thuận, lúc này chủ công ty sẽ phải in thành bản cứng các loại giấy tờ mà trước đó đã điền đầy đủ thông tin và lưu trữ dưới dạng file PDF. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo chấp nhận hồ sơ, phải tới Phòng đăng ký kinh doanh để nộp bộ hồ sơ bằng bản cứng. Nếu sau khoảng thời gian 30 ngày mà không tới nộp thì coi như bộ hồ sơ đã đăng ký trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sẽ không còn hiệu lực.

Địa chỉ của Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch- Đầu tư thành phố Hà Nội hiện nay có địa chỉ tại Tầng 3 – Nhà B10A – Nam Trung Yên – Hà Nội.

Bước 3: Nhận kết quả 

Sau khoảng thời gian 3 ngày từ ngày nộp bản cứng bộ hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh, sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp – công ty cổ phần. Về mặt pháp lý, đây là thời điểm thành lập của công ty cổ phần tại quận Long Biên

Bước 4: Thủ tục sau thành lập công ty

Sau khi nhận được giấy chứng nhận đăng kí thành lập doanh nghiệp, để doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định pháp luật thì còn phải thực hiện những thủ tục sau đây để đảm bảo hoàn thiện quá trình phát triển lâu dài cho công ty 

  • Trong thời hạn 30 ngày, phải đăng nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định tại Điều 28 Luật Doanh nghiệp, Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 05/2013/NĐ-CP và trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp là 300.000 đồng
  • Dựa trên mã số doanh nghiệp (đồng thời là mã số thuế), chủ doanh nghiệp cần thực hiện một số thủ tục về thuế tại Cơ quan Thuế để kê khai, nộp thuế theo thông báo của Cục thuế thành phố Hà Nội (thủ tục tạo và phát hành hóa đơn; thủ tục mua, cấp hóa đơn; thủ tục kê khai nộp thuế,…). Hiện nay Cục thuế thành phố Hà Nội có địa chỉ tại 187A Giảng Võ, Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội.

Ngoài ra, nếu doanh nghiệp kinh doanh trong một số lĩnh vực đặc thù mà pháp luật cần phải xin các loại Giấy phép kinh doanhGiấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm,… thì cần thực hiện những thủ tục theo hướng dẫn tại các bài viết nêu trên để biết thêm các bước thủ tục về các loại giấy phép này.

Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả nhất là đối với các chủ đầu tư muốn thành lập công ty cổ phần trên địa bàn quận Long Biên.

Trân trọng!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư doanh nghiệp tại Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm