Thủ tục thành lập công ty tại quận Long Biên

bởi Vudinhha

Nền kinh tế ngày càng phát triển kéo theo nhu cầu thành lập doanh nghiệp của các tổ chức cá nhân cũng ngày một tăng cao. Có thể thấy số lượng các doanh nghiệp ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đang không ngừng tăng. Với sự phát triển như vậy đòi hỏi cơ chế hoạt động cũng như quản lý về đăng ký doanh nghiệp của các địa phương trong thành phố là cần thiết. Tuy nhiên mỗi địa phương sẽ có những đặc trưng khác nhau. Hòa với sự phát triển sôi động đó là Long Biên – mảnh đất địa linh nhân kiệt, mảnh đất người ta thường nói với nhau gọi bằng một cái tên rất mỹ miều, đó là “đất rồng Long Biên”. Vậy thủ tục để thành lập công ty tại quận Long Biên như thế nào? Có gì khác so với các quận khác tại Hà Nội hay không?… Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu ngay thủ tục thành lập công ty tại quận Long Biên trong nội dung bài viết dưới đây nhé!

Căn cứ pháp lý

  • Luật Doanh nghiệp năm 2014;
  • Nghị định 78/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 108/2018/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
  • Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.

Nội dung tư vấn

1. Thành lập công ty là gì?

Khái niệm công ty

Trên thực tế hiện nay rất nhiều người gọi các mô hình kinh doanh là doanh nghiệp nhưng cũng có người gọi là công ty. Đây là hai thuật ngữ tưởng chừng có vẻ giống nhau và chỉ khác nhau về tên gọi nhưng xét về bản chất nó lại hoàn toàn khác nhau.

Căn cứ theo định tại khoản 7 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 giải thích như sau:

Điều 4. Giải thích từ ngữ

7. Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.

Theo đó doanh nghiệp bao gồm các hình thức:

Còn công ty về bản chất chỉ là tập con của doanh nghiệp. Nghĩa là doanh nghiệp bao hàm cả công ty và công ty chỉ là một bộ phần của doanh nghiệp và nằm trong doanh nghiệp. Do đó có thể thấy khi nói đến công ty thì sẽ hiểu là gồm công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.

Công ty sẽ mang một số các đặc điểm cơ bản sau:

Khái niệm thành lập công ty

Tại Việt Nam, trong các văn bản pháp luật hiện hành mới chỉ có quy định đăng kí thành lập doanh nghiệp như là một chế định về quyền hạn và nghĩa vụ của các chủ thể kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp chứ cũng chưa có quy định cụ thể để giải thích thuật ngữ “thành lập doanh nghiệp”. Khái niệm thành lập doanh nghiệp, hay đăng ký thành lập doanh nghiệp được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau.

Dưới góc độ kinh tế, thành lập doanh nghiệp là hoạt động khởi tạo doanh nghiệp của chủ đầu tư bao gồm các hoạt động đầu tư tạo cơ sở vật chất cần thiết để doanh nghiệp có thể tiến hành được hoạt động kinh doanh của mình và thủ tục pháp lí cần thiết để khai sinh hợp pháp ra doanh nghiệp đó.

Dưới góc độ pháp lí, đăng kí thành lập doanh nghiệp được hiểu là thủ tục đăng kí doanh nghiệp theo quy định để thành lập hợp pháp doanh nghiệp. Đây là thủ tục pháp lí có tính chất bắt buộc đối với các doanh nghiệp khi tham gia thị trường với ý nghĩa khai sinh doanh nghiệp. Với tư cách là một chế định pháp lí, đăng kí thành lập doanh nghiệp là tổng hợp các quy định do nhà nước ban hành, quản lí sự xuất hiện trên thị trường của một chủ thể kinh doanh mới. Theo đó, chủ thể trực tiếp tiến hành hoạt động kinh doanh phải khai báo theo đúng quy định của pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được nhà nước công nhận và bảo hộ bằng việc cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp.

Do đó việc thành lập doanh nghiệp được hiểu tóm gọn là một thủ tục pháp lý được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định, tất nhiên, để được xem xét chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục đúng theo yêu cầu tùy vào loại hình doanh nghiệp dự định đăng ký. Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp là thủ tục bắt buộc nhằm xác lập tư cách pháp lý của chủ thể tham gia kinh doanh.

2. Thực tiễn thành lập công ty tại quận Long Biên

Ngày 6/11/2003 – dấu mốc quan trọng với Long Biên khi Chính phủ ban hành Nghị định số 132/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập Quận Long Biên thuộc Thành phố Hà Nội. Long Biên là một quận nằm ở phía Đông thành phố Hà Nội. Đây là quận duy nhất nằm ở tả ngạn sông Hồng, đồng thời là quận có diện tích lớn nhất của thủ đô Hà Nội có phía Đông và Nam giáp huyện Gia Lâm; Phía Tây giáp các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng; Phía Tây Nam giáp quận Hoàng Mai, ranh giới là sông Hồng; Phía Bắc giáp huyện Đông Anh, ranh giới là sông Đuống.

Quận Long Biên có 14 đơn vị hành chính trực thuộc là các phường: Cự Khối, Thạch Bàn, Long Biên, Bồ Đề, Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Gia Thụy, Thượng Thanh, Việt Hưng, Phúc Đồng, Sài Đồng, Phúc Lợi, Giang Biên, Đức Giang. Đây là một quận được đánh giá là có sự phát triển toàn diện, liên tục, tăng trường bền vững.

Tính đến thời điểm hiện tại sô lượng doanh nghiệp tại quận Long Biên khoảng 12.315 doanh nghiệp trong đó chủ yếu là loại hình công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn; các doanh nghiệp hoạt động tại quận này phát triển trong nhiều ngành nghề khác nhau ví dụ như: nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, vận tải hàng hóa đường thủy nội địa, may trang phục, hoạt động tư vấn quản lý,…..

Số lượng doanh nghiệp đang ngày một tăng lên, trong tháng 8/2019 đã có khoảng 25 doanh nghiệp được thành lập mới và riêng trong nửa đầu tháng 9/2019 đã có 28 doanh nghiệp thành lập. Như vậy con số doanh nghiệp được thành lập mới đang không ngừng tăng lên, cho thấy một điều rằng quận Long Biên đang thu hút sự đầu tư của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Theo thống kê đến thời điểm hiện tại thì phương Đức Giang, phường Bồ Đề, phường Ngọc Lâm là những phường có tỷ lệ doanh nghiệp được thành lập chiếm cao nhất với số doanh nghiệp lần lượt là 1358, 1337 và 1065 doanh nghiệp. Một số các phường số lượng doanh nghiệp vẫn còn ít như phường Gia Lâm, phường Ngô Gia Tự, xã Ngọc Thụy, xã Việt Hưng,… mới chỉ có 1 – 2 doanh nghiệp được thành lập tại khu vực đó. Các khu vực khác trong quận chiếm tỷ lệ trung bình mỗi phường khoảng 500 – 800 doanh nghiệp.

3. Thủ tục thành lập công ty tại quận Long Biên

Để có thể thực hiện thủ tục thành lập công ty tại quận Long Biên một cách thuận lợi, hạn chế tối đa những rủi ro phát sinh thì trước hết bạn cần lưu ý về những vấn đề sau

Những vấn đề cần lưu ý khi thành lập công ty tại quận Long Biên

Thứ nhất, các điều kiện thành lập công ty

Một chủ thể khi muốn thành lập công ty phải đáp ứng điều kiện theo quy định của luật và không thuộc vào các trường hợp bị cấm.

Căn cứ theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 như sau:

Điều 18. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp

1. Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Như vậy đối với chủ thể khi thành lập công ty phải chú ý các điều kiện trên xem mình có thuộc trường hợp bị cấm hay không để tránh mất thời gian, công sức, tiền bạc. Thay vào đó có thể lựa chọn hình thức kinh doanh theo phương án khác.

Điều kiện về ngành nghề kinh doanh

Theo quy định pháp luật hiện hành ngành nghề kinh doanh về cơ bản được chia làm ba nhóm: ngành nghề kinh doanh tự do, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngành nghề kinh doanh bị cấm.

Công ty được phép kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Trường hợp kinh doanh ngành nghề có điều kiện thì phải đáp ứng những điều kiện đó và duy trì điều kiện đó trong suốt quá trình kinh doanh của mình. Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện như:

  • Sản xuất con dấu
  • Kinh doanh công cụ hỗ trợ (bao gồm cả sửa chữa)
  • Kinh doanh các loại pháo
  • Kinh doanh dịch vụ cầm đồ
  • Kinh doanh dịch vụ xoa bóp
  • Kinh doanh thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên
  • Kinh doanh dịch vụ bảo vệ
  • Kinh doanh súng bắn sơn
  • Hành nghề luật sư
  • ……….

Khi thành lập công ty thì chủ thể thành lập phải lưu ý đến ngành nghề kinh doanh của công ty dự định thành lập có thuộc vào các ngành nghề bị cấm hay không. Các ngành nghề kinh doanh bị cấm theo quy định tại Luật Đầu tư 2014 bao gồm các ngành nghề sau:

  • Kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại Phụ lục 1 của Luật Đầu tư;
  • Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 của Luật Đầu tư
  • Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên theo quy định tại Phụ lục 3 của Luật Đầu tư;
  • Kinh doanh mại dâm;
  • Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người;
  • Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.

Điều kiện về vốn điều lệ

Vốn cũng là một trong các điều kiện mà chủ thể cần phải chú ý:

  • Đối với ngành nghề kinh doanh pháp luật có quy định về mức vốn pháp định tức là mức vốn tối thiểu phải có khi thành lập doanh nghiệp thì khi thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực đó, các chủ thể phải đảm bảo được yêu cầu về vốn pháp định.
  • Đối với những ngành nghề pháp luật không có quy định về mức vốn pháp định thì khi thành lập doanh nghiệp các chủ thể chỉ cần đảm bảo vốn điều lệ của doanh nghiệp khi đăng kí thành lập.

Điều kiện về tên doanh nghiệp

Tên doanh nghiệp là một trong những phương thức để phân biệt giữa các doanh nghiệp với nhau, do đó khi đặt tên cho doanh nghiệp thì chủ thể cũng cần lưu ý đến cả các quy định của pháp luật.

Thứ nhất, Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

Loại hình doanh nghiệp. Tên loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân;

Tên riêng. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

Thứ hai, Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

Thứ ba, Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài. Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

Lưu ý khi đặt tên doanh nghiệp

  • Tên trùng ( tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký) hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của các doanh nghiệp đã đăng ký như: Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký; Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký; Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;…
  • Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó
  • Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Điều kiện về trụ sở doanh nghiệp

Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

Điều kiện về số lượng thành viên

Tùy từng loại hình doanh nghiệp mà yêu cầu về số lượng thành viên sẽ khác nhau, cụ thể đối với hai loại hình công ty như đã nêu trên như sau: Công ty cổ phần: ít nhất là 3 cổ đông sáng lập . Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên: tối thiểu 2 thành viên và tối đa là 50 thành viên.

Các điều kiện khác

Tùy từng ngành nghề, pháp luật sẽ có quy định riêng về điều kiện hành nghề của lĩnh vực đó. Ví dụ Luật sư muốn hành nghề phải có thẻ luật sư, dược sĩ bán thuốc yêu cầu Bằng cử nhân Dược,…Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ và Nộp lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật về phí và lê phí.

Thứ hai, về cơ quan tiến hành đăng ký kinh doanh

Điều 13 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP có quy định về cơ quan đăng kí kinh doanh như sau:

1. Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), bao gồm:

a) Ở cấp tỉnh: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi chung là Phòng Đăng ký kinh doanh).

Phòng Đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh.

Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có thể thành lập thêm một hoặc hai Phòng Đăng ký kinh doanh và được đánh số theo thứ tự. Việc thành lập thêm Phòng Đăng ký kinh doanh do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

b) Ở cấp huyện: Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ kinh doanh quy định tại Điều 15 Nghị định này (sau đây gọi chung là cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện).

Theo đó, cơ quan thực hiện đăng kí kinh doanh cho doanh nghiệp tại quận Long Biên là Phòng Đăng ký kinh doanh có địa chỉ tại Tòa B10A Khu đô thị Nam Trung Yên, Phường Mễ Trì, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Thứ ba, về cách lựa chọn loại hình doanh nghiệp

Với mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những ưu nhược điểm riêng, cụ thể:

  • Doanh nghiệp tư nhân: là doanh nghiệp do 1 cá nhân làm chủ sở hữu và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghệp, mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là thành viên hợp danh của công ty hợp danh và chủ hộ kinh doanh. Doanh nghiệp này không có tư cách pháp nhân và không được phép phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Do là chủ sở hữu duy nhất của công ty nên doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn chủ động trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty. Chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân tạo sự tin tưởng cho đối tác, khách hàng và giúp cho công ty ít chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi pháp luật như các loại hình công ty khác. Thủ tục thành lập công ty đơn giản. Tự do sử dụng lợi nhuận sau thuế. Chủ doanh nghiệp đóng thuế thu nhập cá nhân ngay trên thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên cái bất lợi ở đây là do không có tư cách pháp nhân nên mức độ rủi ro của chủ công ty tư nhân cao và do phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng cả tài sản của mình nên dù doanh nghiệp phá sản thì chủ doanh nghiệp vẫn phải trả các khoản nợ bằng toàn bộ tài sản cá nhân của mình.
  • Công ty hợp danh: là doanh nghiệp mà trong đó phải có ít nhất 2 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một cái tên chung và các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ và nghĩa vụ của công ty. Ngoài thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn và các thành viên này chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Khác với doanh nghiệp tư nhân thì công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân nhưng không được phép phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Công ty hợp danh đặc trung cho công ty đối nhân, là kết hợp được uy tín cá nhân của nhiều người. Do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh mà công ty hợp danh dễ dàng tạo được sự tin cậy của các bạn hàng, đối tác kinh doanh. Việc điều hành quản lý công ty hợp danh không quá phức tạp do số lượng các thành viên ít và là những người có uy tín, tuyệt đối tin tưởng nhau; Do phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty nên đối với các thành viên hợp danh của công ty có rủi ro hơn khi kinh doanh; Công ty không được phát hành cổ phiếu để huy động vốn.
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn: công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do 1 tổ chức hoặc 1 cá nhân làm chủ sở hữu và chủ sở hữu được toàn quyền quyết định các vấn đề của công ty. Còn công ty trách nhiệm hữu hạn hai 2 thành viên trở lên là doanh nghiệp trong đó thành viên có thể là cá nhân hoặc tổ chức, tối thiểu là 2 thành viên và tối đa là 50 thành viên. Dù là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hay hai thành viên trở lên thì cả hai loại hình công ty này đều có tư cách pháp nhân, tuy nhiên chỉ được phát hành trái phiếu mà không được phát hành cổ phiếu. Chỉ phải chịu trách nhiệm đối với các hoạt động của công ty trong phạm vi vốn góp của mình; Điều hành và quản lý công ty cũng không phức tạp vì chủ sở hữu được toàn quyền quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty; Rất dễ dàng khi thực hiện việc chuyển nhượng công ty. Nhưng vì chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm trong quá trình kinh doanh trong phạm vi số vốn cam kết góp vào công ty nên có ít sự tin tưởng từ các đối tác muốn liên kết, hợp tác; Bị hạn chế việc huy động vốn do công ty không có quyền phát hành cổ phiếu.Khi muốn tăng hoặc giảm vốn điều lệ bằng cách chuyển nhượng vốn góp cho người khác hoặc tiếp nhận phần vốn của thành viên mới thì phải chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên.
  • Công ty cổ phần: là doanh nghiệp trong đó vốn điều lệ được chia thành các phần bằng nhau được gọi là cổ phần, người sở hữu cổ phần gọi là cổ đông, số lượng cổ đông tối thiểu là 03 cổ đông. Công ty có tư cách pháp nhân và được quyền phát hành cả trái phiếu lẫn cổ phiếu. Ưu điểm là ít rủi ro cho cổ đông trong công ty khi hoạt động vì cổ đông chỉ chịu trách nhiệm khi có phát sinh trong phạm vi số vốn góp vào công ty; Công ty có quyền phát hành cổ phiếu, trái phiếu công ty và đưa lên Sàn giao dịch chứng khoán, có thể chuyển nhượng vốn cho cổ đông trong và ngoài công ty, số lượng cổ đông trong công ty là không giới hạn, chính vì vậy có thể xem công ty cổ phần là loại hình có khả năng huy động vốn cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp; Cổ đông có thể dễ dàng, tự do chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế cổ phần cổ đông thông qua việc bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên do cổ đông chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn nên việc cộng tác sẽ bị hạn chế về sự tin tưởng; Sẽ khó khăn hơn khi đưa ra một quyết định nào đó dù là về quản lý doanh nghiệp hay kinh doanh do phải thông qua Hội Đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông… Vậy nên rất dễ bỏ qua những cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp; việc quản lý phức tạp hơn rất nhiều so với các loại hình khác.

Do các cá nhân, tổ chức cần cân nhắc thật kỹ trước khi ra quyết định thành lập loại hình công ty nào căn cứ vào mục đích, nhu cầu cũng như khả năng và ưu nhược điểm của từng loại hình để lựa chọn loại hình đầu tư phù hợp nhất.

Trình tự thành lập công ty tại quận Long Biên

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Ở bước này, với mỗi loại hình công ty, những yêu cầu về hồ sơ mà bạn cần chuẩn bị lại có một số điểm khác nhau. Tuy nhiên, một cách khái quát, dù là loại hình công ty nào, thì bạn cũng cần chuẩn bị những giấy tờ cơ bản sau:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
  • Dự thảo điều lệ công ty;
  • Danh sách thành viên sáng lập (với công ty cổ phần);
  • Giấy tờ chứng thực của thành viên, người đại diện theo pháp luật;
  • Giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực của người đại diện theo ủy quyền và người đại diện theo pháp luật;
  • Văn bản xác nhận vốn pháp định;
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với trường hợp là tổ chức);
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể hồ sơ cần chuẩn bị với từng loại hình doanh nghiệp như sau:

  • Đối với công ty hợp danh:
    • Giấy đề nghị thành lập (loại hình Công ty hợp danh);
    • Điều lệ Công ty hợp danh;
    • Giấy tờ chứng thực cá nhân của thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn (đối với cá nhân): chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu,…
    • Giấy tờ đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động, quyết định thành lập… (đối với thành viên góp vốn là pháp nhân);
    • Danh sách thành viên;
    • Văn bản ủy quyền: Nếu bạn không trực tiếp thực hiện mà nhờ người khác thực hiện thay cho mình).
  • Đối với công ty cổ phần/công ty TNHH:
    • Giấy đề nghị thành lập;
    • Điều lệ Công ty ;
    • Giấy tờ chứng thực cá nhân: chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu,…
    • Giấy tờ đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động, quyết định thành lập…đối với cổ đông là pháp nhân;
    • Danh sách cổ đông/thành viên sáng lập công ty;
    • Văn bản ủy quyền: Nếu bạn không trực tiếp thực hiện thủ tục này mà nhờ người khác thì bạn sẽ cần thêm văn bản này

Nếu như trước đây việc thay đổi đăng ký kinh doanh thực hiện thông qua bản hồ sơ cứng thì hiện nay với sự phát triển công nghệ thông tin cùng nhu cầu quản lý khoa học, kiểm soát và tránh tình trạng thất lạc hồ sơ thì các doanh nghiệp tại Hà Nội phải thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp bằng hình thức online trước. Sau đó mới thực hiện nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh. Theo đó để thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp tại quận Long Biên bạn cần thực hiện theo trình tự cụ thể sau:

Bước 2: Đăng ký thành lập online trên Cổng thông tin trực tuyến của doanh nghiệp

Đăng nhập tài khoản

Truy cập vào trang thông tin điện tử đăng ký doanh nghiệp quốc gia tại https://dangkykinhdoanh.gov.vn. Đăng nhập vào tài khoản, có thể chọn 1 trong 2 cách sau:

  • Sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh

Nếu trường hợp anh/chị chưa có tài khoản của thì có thể click vào nút Đăng ký để đăng ký tài khoản mới rất nhanh chóng và thuận tiện.

Chọn hình thức đăng ký

Chọn hình thức đăng ký : Đăng ký thành lập doanh nghiệp

Tiến hành nhập thông tin theo yêu cầu

Bước 3: Chọn tài liệu đính kèm

Tải tài liệu đính kèm: Tài liệu đính kèm được scan, có đầy đủ chữ ký theo yêu cầu, có đầy đủ chữ ký số theo quy định của văn bản điện tử. Hồ sơ đính kèm phải gồm đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định của từng loại doanh nghiệp. Thành phần của từng bộ hồ sơ đăng ký thành lập cụ thể như đã nói ở trên.

Bước 4: Hoàn tất quá trình nhập và nộp hồ sơ trên mạng

Sau khi người nộp hồ sơ/người đăng kýhoàn thành, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được chuyển sang trạng thái “Đang nộp” và được tự động tiếp nhận trên Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia để và chuyển về tài khoản của Phòng Đăng ký kinh doanh tương ứng phục vụ cho việc xử lý hồ sơ. Hồ sơ sẽ chuyển sang trạng thái “Đã gửi đi” nếu được tiếp nhận thành công trên Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

Khi hồ sơ đã được nộp thành công, Hệ thống hiển thị 02 bản in trên tài khoản của người nộp hồ sơ/người đăng ký

Bản xem trước hồ sơ bao gồm các thông tin của hồ sơ đã nộp => Nhấn nút để tạo bản in.

Xem và in giấy biên nhận.

Sau khi đăng ký nộp thành công thì người nộp Hồ sơ có thể theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ; Sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Sau khi nhận được thông báo về việc hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ hoặc được chấp thuận. Doanh nghiệp phải tiến hành in những giấy tờ đang ở dưới dạng file dữ liệu đã cập nhật trên cổng thông tin thành bản cứng.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Đem bộ hồ sơ này tới nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu từ thành phố Hà Nội có địa chỉ tại Tầng 3 – Nhà B10A – Nam Trung Yên – Hà Nội.

Bước 3: Trả kết quả

Sau khi nộp hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho bạn. 

Một kết quả đăng ký kinh doanh tại Quận Long Biên do Luật sư X đại diện thực hiện:

Thủ tục thành lập công ty tại quận Long Biên

Bước 4: Công bố nội dung thành lập doanh nghiệp trên cổng thông tin

Để hoàn thiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp cần lưu ý thực hiện việc thông báo những thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đây là một thủ tục bắt buộc khi thành lập doanh nghiệp. Nếu không sẽ bị chịu chế tài tùy vào từng hành vi vi phạm cụ thể.

Bước 4: Thủ tục sau thành lập công ty.

Sau khi nhận được giấy chứng nhận đăng kí thành lập doanh nghiệp, bạn còn phải thực hiện những thủ tục sau đây để đảm bảo hoàn thiện quá trình phát triển lâu dài cho công ty của mình:

  • Thông báo tài khoản ngân hàng (nếu công ty bạn đăng ký tài khoản ngân hàng), mở tài khoản ngân hàng.
  • Thông báo sử dụng mẫu con dấu
  • Thủ tục thuế
    • Nộp thuế môn bài;
    • Kê khai thuế;
  • In và đặt in hóa đơn
  • Treo bảng hiệu công ty tại trụ sở

Như vậy, khi muốn thành lập công ty tại quận Long Biên bạn cần lưu ý về những vấn đề trên cũng như địa chỉ thực hiện và quá trình chuẩn bị hồ sơ để đảm bảo thành lập thực hiện được nhanh chóng, tránh mất thời gian, công sức.

Khi có nhu cầu về dịch vụ thành lập doanh nghiệp, hãy liên hệ với chúng tôi qua số máy: 0833102102

Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư doanh nghiệp tại Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm