Thời hạn nộp thuế môn bài của doanh nghiệp

bởi Vudinhha

Trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí và lệ phí theo quy định pháp luật cho Nhà nước, như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng…Trong đó, thuế môn bài hay lệ phí môn bài là một trong những lệ phí phải đóng của doanh nghiệp. Bài viết dưới đây của Luật sư X sẽ cung cấp cho bạn về thời hạn nộp thuế môn bài của doanh nghiệp.

Căn cứ:

  • Luật Doanh nghiệp 2014
  • Nghị định số 139/2016/NĐ-CP              
  • Thông tư số 130/2016/TT-BTC
  • Thông tư số 166/2013/TT-BTC
  • Thông tư số 156/2013/TT-BTC

Nội dung tư vấn

1. Thuế môn bài là gì?

Mọi người vẫn hay thắc mắc tại sao có lúc lại thấy gọi là “thuế môn bài”, có lúc gọi là “lệ phí môn bài”. Trước đây, thuế môn bài còn được gọi là thuế công thương nhưng từ sau năm 1996 thì loại thuế này được đổi tên thành thuế môn bài.  Nhưng sau khi Nghị định 139/2016/NĐ-CP được ban hành thay thế cho Nghị định số 75/2002 thì thuế môn bài lại được gọi là lệ phí môn bài. Dù với tên gọi nào thì nó đều là một  loại thuế  trực thu và thường là định ngạch đánh vào giấy phép kinh doanh của các chủ thể kinh doanh

Theo đó, chủ thể kinh doanh sẽ phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế hàng năm, dựa trên mức vốn điều lệ được xác định trong giấy phép đăng ký kinh doanh.

Bên cạnh đó, tại Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP cũng quy định những cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động kinh doanh, sản xuất phải nộp thuế môn bài gồm:

1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã.

3. Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

4. Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.

5. Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh.

6. Chi nhánh, văn phòng đại diệnđịa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có).

7. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh

Bên cạnh những đối tượng phải nộp thuế môn bài thì Nghị định 139/2016/NĐ-CP cũng quy định những đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp được Nhà nước miễn thuế môn bài. Những đối tượng này gồm:

1. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.

2. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.

4. Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

5. Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử).

6. Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã hoạt động dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp.

7. Quỹ tín dụng nhân dân xã; hợp tác xã chuyên kinh doanh dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc.

2. Mức thuế môn bài mà doanh nghiệp phải đóng

Như đã nói thì thuế môn bài là loại thuế được tính dựa trên mức vốn điều lệ được xác định trong giấy phép đăng ký kinh doanh (trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) nên mỗi doanh nghiệp có mức vốn điều lệ khác nhau sẽ có mức nộp thuế khác nhau, cụ thể mức nộp thuế môn bài được quy định như sau:

Đối với tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm

Đối với tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm

Đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm

Lưu ý:

  • Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian của 6 tháng đầu năm 2019 thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm 2019; nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm 2019 thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm 2019.
  • Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhưng không kê khai lệ phí môn bài thì phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm 2019, không phân biệt thời điểm phát hiện là của 6 tháng đầu năm 2019 hay 6 tháng cuối năm 2019.

Ví dụ:

Doanh nghiệp  A bắt đầu hoạt động kinh doanh vào ngày 23/07/2019 và đã được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp thì doanh nghiệp A chỉ phải nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm 2019. Trong trường hợp doanh nghiệp A không kê khai lệ phí môn bài thì phải nộp 100% mức lệ phí môn bài cả năm 2019.

3. Thời hạn kê khai, nộp thuế môn bài của doanh nghiệp: 

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì có hai thời hạn cho doanh nghiệp nộp thuế môn bài, cụ thể như sau:

Đối với những doanh nghiệp đã hoạt động trên 1 năm thì thời gian nộp thuế môn bài chậm nhất là ngày 30/1 hàng năm. Như vậy đối với những doanh nghiệpthực hiện hoạt động kinh doanh thực hiện hoạt động từ năm 2018 trở về trước thì thời gian nộp thuế môn bài chậm nhất là ngày 30/01/2019.

Đối với doanh nghiệp mới bắt đầu thực hiện việc kinh doanh trong năm 2019 (tính từ ngày 01/01/2019) thì cần phải lưu ý mốc thời gian trong 2 trường hợp sau:

  • Đối với những doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh thì thời hạn nộp thuế môn bài chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đó.
  • Đối với doanh nghiệp đã được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng hoạt động kinh doanh chưa được diễn ra thì thời hạn nộp thuế môn bài là 30 ngày tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tới

Ví dụ:

Doanh nghiệp B được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh vào ngày 15/05/2019 nhưng chưa hoạt động kinh doanh thì thời hạn nộp thuế môn bài là trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày 15/05/2019 đến ngày 14/06/2019

Bên cạnh đó, trước khi nộp thuế môn bài, doanh nghiệp phải thực hiện kê khai thuế môn bài trong thời hạn mà luật định như sau:

  • Khai lệ phí môn bài một lần khi tổ chức mới ra hoạt động kinh doanh, chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh;
  • Trường hợp người nộp lệ phí mới thành lập cơ sở kinh doanh nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải khai lệ phí môn bài trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký thuế hoặc ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh; ngày ban hành văn bản phê duyệt chủ trương đầu tư.

4. Hình thức nộp thuế môn bài

Căn cứ theo Điều 28 Thông tư số 156/2013 TT-BTC theo đó doanh nghiệp có thể nộp thuế môn bài theo các cách thức sau:

  • Nộp tại Kho bạc nhà nước;
  • Nộp tại cơ quan quản lý thu thuế nhà nước ;
  • Nộp cho các cơ quan được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế.

Tuy nhiên hiện nay, với chính sách cải cách hành chính theo hướng hiện đại, xây dựng chính phủ điện tử thì việc nộp thuế được thực hiện phổ biến thông qua mạng internet. Theo đó doanh nghiệp sẽ nộp thuế điện tử trích từ tài khoản ngân hàng của công ty, đối với hình thức nộp này thì doanh nghiệp nộp thông qua chữ ký số.

Hiện nay, các chi cục thuế đều yêu cầu nộp thuế điện tử thông qua chữ ký số thì thuế mới giải quyết hồ sơ khai thuế, vì thế việc mở tài khoản ngân hàng công ty và mua Chữ ký số là bắt buộc đối với các doanh nghiệp.

5. Chậm nộp thuế môn bài doanh nghiệp bị xử lý như thế nào?

Để đảm báo doanh nghiệp nộp thuế môn bài đúng hạn theo quy định pháp luật thì Bộ tài chính đã ban hành Thông tư 130/2016/TT-BTC quy định mức phạt đối với những trường hợp chậm nộp thuế môn bài được tính theo công thức sau:

Số tiền phạt= Số tiền chậm nộp x 0.03% x Số ngày chậm nộp

Ví dụ:

Công ty cổ phần B có thời hạn nộp thuế môn bài là ngày 30/1/2019. Nhưng tới ngày 20/2/2019 mới thực hiện việc nộp thuế và số thuế được xác định là 2 triệu đồng. Do đó căn cứ theo công thức tính trên thì

Số tiền phạt= 2.000.000 x 0.03% x 20 ngày = 12.000 VNĐ

Ngoài ra, trong trường hợp doanh nghiệp chậm nộp tờ khai thuế môn bài cũng sẽ bị xử phạt, cụ thể theo Thông tư số 166/2013/TT-BTC mức phạt được tính theo thời gian nộp chậm của doanh nghiệp như sau:

  • Từ 01 – 05 ngày: phạt cảnh cáo nếu có tình tiết giảm nhẹ;
  • Từ 01 – 10 ngày: phạt 700.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng thì từ 400.000 – 1.000.000 đồng;
  • Từ trên 10 – 20 ngày: phạt 1.400.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng thì từ 800.000 – 2.000.000 đồng;
  • Từ trên 20 – 30 ngày: phạt 2.100.000, nếu có tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng thì từ 1.200.000 – 3.000.000 đồng;
  • Từ trên 30 – 40 ngày: phạt 2.800.000, nếu có tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng thì từ 1.600.000 – 4.000.000 đồng;
  • Từ trên 40 – 90 ngày: 3.500.000, nếu có tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng thì từ 2.000.000 – 5.000.000 đồng.

Hy vọng bài viết trên hữu ích với bạn đọc!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư doanh nghiệp tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm