Thủ tục giải thể doanh nghiệp tại Quận Ba Đình

bởi NguyenTriet

Hiện nay, do cơ chế thành lập doanh nghiệp của nước ta tương đối dễ dàng và nhanh chóng nên số lượng doanh nghiệp thành lập mới ngày càng gia tăng. Song song với vấn đề đó là hiện tượng giải thể doanh nghiệp cũng diễn ra nhanh chóng. Trong khuôn khổ bài viết dưới đây, hãy cùng hãy cùng Luật sư X tìm hiểu Thủ tục giải thể doanh nghiệp tại quận Ba Đình như thế nào nhé!

Căn cứ:

  • Luật Doanh nghiệp năm 2014;
  • Nghị định số 78/2015/NĐ-CP quy định về hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp;

Nội dung tư vấn

1. Giải thể doanh nghiệp là gì?

Khái niệm

Giải thể doanh nghiệp là việc doanh nghiệp chấm dứt sự tồn tại, hoạt động kinh doanh do đã đạt được những mục tiêu mà doanh nghiệp đã đặt ra hoặc doanh nghiệp bị giải thể theo quy định của pháp luật.

Đặc điểm

  • Hậu quả pháp lí của giải thể doanh nghiệp là sự chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp về mặt pháp lý cũng như trên thực tế. Doanh nghiệp sẽ bị cơ quan đăng kí kinh doanh xóa tên trong sổ đăng kí kinh doanh. Việc giải thể tuân theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định. Khi đó, doanh nghiệp không còn là chủ thể kinh doanh nói riêng và chủ thể của quan hệ pháp luật nói chung khi tham gia vào các quan hệ pháp luật. Thậm chí, tên riêng của doanh nghiệp đã giải thể còn có thể được sử dụng làm tên riêng của doanh nghiệp đăng kí sau đó.
  • Bản chất, giải thể doanh nghiệp là một thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính được hiểu là cách thức tổ chức hoạt động quản lí hành chính nhà nước, theo đó cơ quan, cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ, cá nhân, tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết các công việc của hoạt động quản lí hành chính nhà nước. Giải thể doanh nghiệp được thực hiện theo theo trình tự thủ tục mà pháp luật quy định nhằm đảm bảo việc rút lui khỏi thương trường một cách lành mạnh và có trật tự.
  • Giải thể doanh nghiệp mang tính tự nguyện hoặc cũng có thể là bắt buộc.
    • Tính tự nguyện: Giải thể doanh nghiệp là quyền của chủ sở hữu doanh nghiệp nên họ có quyền thực hiện việc rút lui khỏi thương trường vì lí do cá nhân của họ hoặc trong điều lệ có thỏa thuận.
    • Tính bắt buộc: đây là trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc doanh nghiệp phải giải thể khi mà doanh nghiệp không còn đủ đáp ứng được các điều kiện do pháp luật quy định như: kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn; công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của pháp luật trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp vi phạm pháp luật và bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh.
  • Điều kiện để cơ quan có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp giải thể là doanh nghiệp phải đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc cơ quan trọng tài.
  • Đây là đặc điểm đặc trưng của giải thể doanh nghiệp, cũng là tiêu chí để phân biệt giải thể doanh nghiệp với các hoạt động khác như phá sản, tạm ngừng kinh doanh, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện,…Chế tài pháp lý đối với chủ doanh nghiệp và người chịu trách nhiệm quản lý điều hành doanh nghiệp. Giải thể không đặt ra vấn đề hạn chế, cấm đảm nhiệm chức vụ điều hành doanh nghiệp hoặc cấm thực hiện một số hoạt động kinh doanh đối với chủ doanh nghiệp và người chịu trách nhiệm điều hành doanh nghiệp. Về quyền thành lập, chủ doanh nghiệp vẫn tiếp tục được phép thành lập và quản lí một doanh nghiệp khác sau khi thực hiện xong nghĩa vụ tài sản của mình.

2. Các trường hợp giải thể doanh nghiệp

Theo Luật doanh nghiệp năm 2014 thì thủ tục giải thể doanh nghiệp được thực hiện trong các trường hợp như sau:

  • Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
  • Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
  • Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

3. Thực tiễn giải thể doanh nghiệp tại quận Ba Đình

  • Ba Đình là một trong 12 quận nội thành của thành phố Hà Nội và là một trong 4 quận trung tâm của thủ đô. Đây là nơi tập trung nhiều cơ quan quan trọng của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Ba Đình là một quận có vị trí địa lý thuận lợi, do đó, nhiều nhà đầu tư lựa chọn để đăng ký thành lập doanh nghiệp. Hiện nay có 24420 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn quận, tập trung chủ yếu ở các phường Ngọc Khánh, Thành Công, Cống vị…
  • Tuy nhiên, song song với việc tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước, thì số lượng doanh nghiệp giải thể cũng lớn lên đáng kể. Phòng đăng ký kinh doanh Thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh, tất cả 17 ngành, nghề kinh doanh chính tại quận Ba Đình đều đang đối mặt với tình trạng số lượng chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng cao trong năm tới. Cụ thể. trong 10 tháng qua, tại quận Ba Đình, cứ 1 doanh nghiệp được thành lập mới thì cùng với đó, có xấp xỉ 1 doanh nghiệp chuẩn bị hoặc đã rời bỏ thị trường.

4. Điều kiện để doanh nghiệp giải thể tại quận Ba Đình

Khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp có quy định về điều kiện giải thể doanh nghiệp như sau:

Điều 201. Giải thể doanh nghiệp

2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

Việc quy định về giải thể doanh nghiệp không chỉ tạo cơ sở pháp lí để chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp mà quan trọng hơn là bảo vệ quyền lợi của những chủ thể có liên quan, đặc biệt là quyền lợi của những chủ nợ và người lao động khi doanh nghiệp chấm dứt sự tồn tại. Vấn đề quan trọng nhất trong giải thể doanh nghiệp là giải quyết những khoản nợ và những hợp đồng mà doanh nghiệp đã giao kết trước khi chấm dứt tồn tại. Các khoản nợ và hợp đồng này có thể được giải quyết bằng các giải pháp nhưu doanh nghiệp thanh toán hết các khoản nợ và thực hiện hết hợp đồng.

5. Hồ sơ giải thể doanh nghiệp tại Quận Ba Đình

Khoản 1 Điều 204 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định hồ sơ giải thể doanh nghiệp bao gồm các giấy tờ sau:

  • Thông báo về giải thể doanh nghiệp;
  • Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có);
  • Con dấu và giấy chứng nhận mẫu dấu (nếu có);
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

6.Thủ tục giải thể doanh nghiệp tại quận Ba Đình

Đối với trường hợp “giải thể tự nguyện”

Bước 1: Thông qua quyết định giải thể công ty

  • Để có thể tiến hành giải thể doanh nghiệp trước hết doanh nghiệp cần tổ chức họp để thông qua quyết định giải thể. Theo đó, việc giải thể phải được thông qua bởi chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, bởi Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, bởi Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần và bởi các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.
  • Quyết định này thể hiện sự nhất trí của các thành viên về các vấn đề liên quan đến lý do giải thể; thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ; phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động và việc thành lập tổ thanh lý tài sản.
  • Quyết định giải thể doanh nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau:
    • Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
    • Lý do giải thể;
    • Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp; thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng không được vượt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể;
    • Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;
    • Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Bước 2: Thông báo công khai quyết định giải thể

Sau khi quyết định giải thể được thông qua, doanh nghiệp phải thông báo cho những người có quyền và lợi ích liên quan đến hoạt động giải thể doanh nghiệp biết về quyết định giải thể. Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo quyết định giải thể phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan. Thông báo phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.

Bước 3: Thanh lý tài sản và thanh toán các khoản nợ của công ty

  • Khoản 2 và Khoản 5 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về người tổ chức thanh lý tài sản và thứ tự thanh toán nợ. Theo đó, chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng.
  • Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự sau:
    • Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
    • Nợ thuế;
    • Các khoản nợ khác.
  • Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại thuộc về chủ thể doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty.
  • Theo Điểm c Khoản 1 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì thời hạn thanh lý hợp đồng không được vượt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể.

Bước 4: Nộp hồ sơ giải thể

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 203 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi hồ sơ giải thể đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp. Hồ sơ giải thể doanh nghiệp cũng được quy định cụ thể tại Điều 204 Luật này.

Bước 5: Cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Khoản 8 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định việc giải thể doanh nghiệp thực hiện theo hai phương thức:

  • Trường hợp giải thể theo hồ sơ, Điều 59 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP quy định sau khi nhận được hồ sơ giải thể của doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh gửi thông tin về việc doanh nghiệp đăng ký giải thể cho cơ quan thuế. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế gửi ý kiến về việc giải thể của doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

  • Trường hợp giải thể tự động, sau thời hạn 180 ngày, kể từ ngày thông báo tình trạng giải thể doanh nghiệp mà không nhận phản đối của bên có liên quan bằng văn bản, cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi cơ quan thuế sẽ phải khẩn trương thực hiện thủ tục quyết toán thuế cho doanh nghiệp.Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng bổ sung quy định về giải thể doanh nghiệp trong trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án.

6.2. Đối với trường hợp “giải thể bắt buộc”

Bước 1: Cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đồng thời với việc ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc ngay sau khi nhận được quyết định giải thể của Tòa án đã có hiệu lực thi hành. Kèm theo thông báo còn phải đăng tải quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định của Tòa án.

Bước 2: Ra quyết định giải thể và gửi quyết định này đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp và công khai quyết định này

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực, doanh nghiệp phải triệu tập họp để ra quyết định giải thể. Doanh nghiệp phải gửi quyết định giải thể và bản sao quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp. Quyết định giải thể phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh của doanh nghiệp. Trong một số trường hợp mà pháp luật có yêu cầu phải đăng báo thì quyết định giải thể doanh nghiệp phải được đăng ít nhất trên một tờ báo viết hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp.

Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo quyết định giải thể phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan. Thông báo phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.

Bước 3: Tổ chức thanh lý tài sản và thanh toán các khoản nợ

Bước 4: Nộp yêu cầu giải thể doanh nghiệp

Bước 5: Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật trình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Trình tự, cách thức thực hiện tại các bước 3, 4, 5 thực hiện tương tự như trường hợp giải thể tự nguyện.

Hy vọng bài viết hữu ích với độc giả!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư doanh nghiệp tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm