Long Biên là quận nằm ở phía đông thành phố Hà Nội, đạt được sự phát triển nhanh và bền vững trong những năm gần đây. Đây là lý do mà nhiều chủ đầu tư muốn thành lập công ty TNHH tại quận Long Biên. Tuy nhiên, đây không phải là một thủ tục đơn giản mà đòi hỏi phải có những kiến thức nhất định. Do đó, trong bài viết dưới đây, Luật sư X xin giới thiệu đến độc giả những điều cần biết về thủ tục thành lập công ty TNHH tại quận Long Biên – Hà Nội.
Căn cứ pháp lý
Luật doanh nghiệp 2014;
Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT.
Các văn bản hướng dẫn liên quan
Nội dung tư vấn
1. Thế nào là công ty trách nhiệm hữu hạn?
Công ty trách nhiệm hữu hạn là loại hình doanh nghiệp phổ biến ở nước ta hiện nay được nhiều chủ doanh nghiệp lựa chọn khi bắt đầu công việc kinh doanh. Nguyên nhân mà các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tại quận Long Biên thường ưu tiên lựa chọn thành lập công ty TNHH là do những ưu điểm vượt trội mà hình thức này mang lại.
Khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm hai loại:
Thứ nhất, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu, chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Do đó, công ty TNHH sẽ có một ưu điểm lớn so với các hình thức doanh nghiệp khác là chủ sở hữu sẽ nắm quyền điều hành, quản lý và chi phối trực tiếp đối với các hoạt động của công ty. Đồng thời, công ty TNHH một thành viên được pháp luật quy định có tư cách pháp nhân nên chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ trong phạm vi vốn điều lệ của công ty, chứ không phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình giống như loại hình doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công ty TNHH một thành viên bị hạn chế bởi khả năng huy động vốn, khi huy động vốn bằng cách chuyển nhượng vốn sang cho cá nhân hoặc tổ chức khác thì phải làm hồ sơ chuyển đổi loại hình công ty từ TNHH một thành viên lên công ty TNHH từ hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần. Ngoài ra, công ty vẫn có thể huy động vốn qua các phương thức khác như phát hành trái phiếu, vốn vay từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, hoặc chủ sở hữu công ty tự góp thêm vốn vào.
Thứ hai, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp, trong đó thành viên của công ty có thể là tổ chức, cá nhân, số lượng thành viên tối thiểu là hai và tối đa không vượt quá năm mươi (50) người; đồng thời thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn điều lệ đã góp vào doanh nghiệp.
Đây là một loại hình khác của công ty TNHH, cho phép nhiều thành viên cùng góp vốn (2-50 thành viên) và quản lý công ty, do đó, cơ cấu tổ chức có phần phức tạp hơn so với công ty TNHH một thành viên. Tuy nhiên, công ty TNHH vẫn có những ưu điểm khi hạn chế rủi ro cho thành viên trong công ty vì thành viên chỉ chịu trách nhiệm khi có phát sinh trong phạm vi số vốn góp vào công ty.
Về khả năng huy động vốn, công ty TNHH hai thành viên trở lên cho phép huy động vốn dưới hình thức chuyển nhượng phần vốn góp hay phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng vốn của thành viên cho người không phải là thành viên công ty bị hạn chế bởi quyền ưu tiên nhận chuyển nhượng của các thành viên còn lại trong công ty. Quy định này nhằm hạn chế sự thâm nhập của những người bên ngoài công ty muốn thâu tóm doanh nghiệp.
2. Thực tiễn thành lập công ty TNHH tại quận Long Biên
Long Biên là một quận nằm ở phía Đông thành phố Hà Nội. Đây là quận duy nhất nằm ở tả ngạn sông Hồng, đồng thời là quận có diện tích lớn nhất của thủ đô Hà Nội có phía Đông và Nam giáp huyện Gia Lâm; Phía Tây giáp các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng; Phía Tây Nam giáp quận Hoàng Mai, ranh giới là sông Hồng; Phía Bắc giáp huyện Đông Anh, ranh giới là sông Đuống.
Quận Long Biên có 14 đơn vị hành chính trực thuộc là các phường: Cự Khối, Thạch Bàn, Long Biên, Bồ Đề, Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Gia Thụy, Thượng Thanh, Việt Hưng, Phúc Đồng, Sài Đồng, Phúc Lợi, Giang Biên, Đức Giang. Đây là một quận được đánh giá là có sự phát triển toàn diện, liên tục, tăng trường bền vững.
Tính đến thời điểm hiện tại số lượng doanh nghiệp tại quận Long Biên khoảng hơn 12000 doanh nghiệp trong đó công ty TNHH chiếm từ 25%-30% tổng số, chỉ xếp sau công ty cổ phần.
Các công ty TNHH được thành lập tại quận Long Biên hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề đa dạng, có thể kể đến như nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ, vận tải hàng hóa, phân phối bán buôn bán lẻ, đầu tư xây dựng, may trang phục, hoạt động tư vấn quản lý,…..
3. Thủ tục thành lập công ty TNHH tại quận Long Biên
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn được quy định theo Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều 22, 23 Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Theo đó, muốn thành lập công ty TNHH tại quận Long Biên, cần chuẩn bị những hồ sơ giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn (theo mẫu tại Phụ lục I-4 Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT)
- Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên công ty đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên;
- Danh sách người đại diện theo ủy quyền và bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của từng đại diện theo ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
- Bản sao các giấy tờ sau đây:
- Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của chủ sở hữu/ các thành viên là cá nhân;
- Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu/ thành viên là tổ chức. Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài
- Văn bản ủy quyền (trong trương hợp không trực tiếp thực hiện thủ tục này mà ủy quyền người khác thực hiện)
Bước 2: Nộp hồ sơ
Theo Điều 13 Nghị định 78/2015/NĐ-CP có quy định về cơ quan đăng kí kinh doanh như sau:
Điều 13. Cơ quan đăng ký kinh doanh
Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), bao gồm:
a) Ở cấp tỉnh: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi chung là Phòng Đăng ký kinh doanh). Phòng Đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh.
Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có thể thành lập thêm một hoặc hai Phòng Đăng ký kinh doanh và được đánh số theo thứ tự. Việc thành lập thêm Phòng Đăng ký kinh doanh do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
b) Ở cấp huyện: Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ kinh doanh quy định tại Điều 15 Nghị định này (sau đây gọi chung là cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện).
Như vậy, đối với cá nhân, tổ chức muốn thành lập công ty TNHH tại địa bàn quận Long Biên thì cơ quan có thẩm quyền là Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố Hà Nội.
Hiện nay, Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch đầu tư Thành phố Hà Nội yêu cầu các chủ công ty TNHH phải thực hiện thủ tục đăng ký online trước, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì mới in các loại giấy tờ trên thành các bản cứng để đem tới nộp trực tiếp tại Bộ phận một cửa của Phòng đăng ký kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận.
Do vậy, đối với những chủ doanh nghiệp muốn đăng ký thành lập công ty TNHH trên địa bàn quận Long Biên thì phải truy cập vào cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại https://dangkykinhdoanh.gov.vn và làm theo các bước hướng dẫn đăng ký kinh doanh online.
Sau khoảng thời gian 3 ngày, chủ công ty TNHH sẽ nhận được phản hồi thông qua tài khoản đã đăng ký trước đó về việc hồ sơ có được chấp thuận hay không.
- Nếu trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì sẽ nhận được thông báo phải xem xét và bổ sung theo hướng dẫn.
- Nếu trường hợp hồ sơ đã hợp lệ và được chấp thuận, lúc này chủ công ty sẽ phải in thành bản cứng các loại giấy tờ mà trước đó đã điền đầy đủ thông tin và lưu trữ dưới dạng file PDF. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo chấp nhận hồ sơ, phải tới Phòng đăng ký kinh doanh để nộp bộ hồ sơ bằng bản cứng. Nếu sau khoảng thời gian 30 ngày mà không tới nộp thì coi như bộ hồ sơ đã đăng ký trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sẽ không còn hiệu lực.
Địa chỉ của Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch- Đầu tư thành phố Hà Nội hiện nay có địa chỉ tại Tầng 3 – Nhà B10A – Nam Trung Yên – Hà Nội.
Bước 3: Nhận kết quả
Sau khoảng thời gian 3 ngày từ ngày nộp bản cứng bộ hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh, sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp – công ty TNHH. Về mặt pháp lý, đây là thời điểm thành lập của công ty TNHH tại quận Long Biên
Bước 4: Thủ tục sau thành lập công ty
Sau khi nhận được giấy chứng nhận đăng kí thành lập công ty TNHH, để doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định pháp luật thì còn phải thực hiện những thủ tục sau đây để đảm bảo hoàn thiện quá trình phát triển lâu dài cho công ty
- Trong thời hạn 30 ngày, phải đăng nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định tại Điều 28 Luật Doanh nghiệp, Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 05/2013/NĐ-CP và trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp là 300.000 đồng
- Dựa trên mã số doanh nghiệp (đồng thời là mã số thuế), chủ công ty TNHH cần thực hiện một số thủ tục về thuế tại Cơ quan Thuế để kê khai, nộp thuế theo thông báo của Cục thuế thành phố Hà Nội (thủ tục tạo và phát hành hóa đơn; thủ tục mua, cấp hóa đơn; thủ tục kê khai nộp thuế,…). Hiện nay Cục thuế thành phố Hà Nội có địa chỉ tại 187A Giảng Võ, Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp kinh doanh trong một số lĩnh vực đặc thù mà pháp luật cần phải xin các loại Giấy phép kinh doanh, Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm,… thì cần thực hiện những thủ tục theo hướng dẫn tại các bài viết nêu trên để biết thêm các bước thủ tục về các loại giấy phép này.
Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả nhất là đối với các chủ đầu tư muốn thành lập công ty TNHH trên địa bàn quận Long Biên.
Trân trọng!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư doanh nghiệp tại Việt Nam.
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.