Bên cạnh cổ phiếu, trái phiếu là một trong những hình thức đầu tư chứng khoán có thể nói là khá là an toàn và có thể huy động được một lượng tiền “nhàn rỗi” trong xã hội tạo nên tính linh động cao cho thị trường vốn. Để hiểu rõ về loại hàng hóa đặc biệt trong thị trường chứng khoán này, Luật sư X sẽ cung cấp khái niệm và một số các đặc điểm cơ bản nhất của trái phiếu.
Căn cứ pháp lí
- Luật doanh nghiệp 2014.
Nội dung tư vấn
1. Trái phiếu là gì?
Trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của chủ thể phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định và với một lợi tức quy định.
Nhà phát hành trái phiếu có thể là doanh nghiệp (trái phiếu trong trường hợp này được gọi là trái phiếu doanh nghiệp), một tổ chức chính quyền như Kho bạc nhà nước (trong trường hợp này gọi là trái phiếu kho bạc), chính quyền (trong trường hợp này gọi là công trái hoặc trái phiếu chính phủ).
Người mua trái phiếu, hay trái chủ, có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp hoặc chính phủ. Tên của trái chủ có thể được ghi trên trái phiếu (trường hợp này gọi là trái phiếu ghi danh) hoặc không được ghi (trái phiếu vô danh). Trái chủ là người cho nhà phát hành vay và họ không chịu bất cứ trách nhiệm nào về kết quả sử dụng vốn vay của người vay. Nhà phát hành có nghĩa vụ phải thanh toán theo các cam kết nợ được xác định trong hợp đồng vay.
Trong nội dung bài viết này, tác giả sẽ chủ yếu phân tích về trái phiếu doanh nghiệp.
2. Đặc điểm của trái phiếu
Sau đây là các đặc điểm cơ bản của trái phiếu:
– Chủ thể phát hành trái phiếu không chỉ có Công ty, mà còn có Chính phủ Trung ương và chính quyền địa phương.
– Người mua trái phiếu chỉ là người cho chủ thể phát hành vay tiền và là chủ nợ của chủ thể phát hành trái phiếu. Khác với người mua cổ phiếu là người Chủ sở hữu Công ty.
– Thu nhập của trái phiếu là tiền lãi, là khoản thu cố định không phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của công ty.
– Trái phiếu là chứng khoán nợ, vì vậy khi Công ty bị giải thể hoặc phá sản thì trước hết Công ty phải có nghĩa vụ thanh toán cho các Chủ trái phiếu trước, sau đó mới chia cho các Cổ đông.
Với những đặc điểm trên, trên phương diện nhà đầu tư thì trái phiếu có tính ổn định và chứa đựng ít rủi ro hơn cổ phiếu. Vì vậy, trái phiếu là loại chứng khoán được các nhà đầu tư ưa chuộng.
3. Quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu
Pháp luật quy định về phát hành trái phiếu tại Điều 127 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:
Điều 127. Phát hành trái phiếu
1. Công ty cổ phần có quyền phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các loại trái phiếu khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
2. Công ty không thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành, không thanh toán hoặc thanh toán không đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đó sẽ không được quyền phát hành trái phiếu, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác.
3. Việc phát hành trái phiếu cho các chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn không bị hạn chế bởi quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác thì Hội đồng quản trị có quyền quyết định loại trái phiếu, tổng giá trị trái phiếu và thời điểm phát hành, nhưng phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp gần nhất. Báo cáo phải kèm theo tài liệu và hồ sơ giải trình nghị quyết của Hội đồng quản trị về phát hành trái phiếu.
5. Trường hợp công ty cổ phần phát hành trái phiếu chuyển đổi thành cổ phần thì thực hiện theo trình tự, thủ tục tương ứng chào bán cổ phần theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Công ty thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần.
Vậy tại sao pháp luật lại quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp?
Có thể thấy, trái phiếu doanh nghiệp là một hình thức tài trợ cho vay nợ. Công ty có thể kêu gọi một nguồn vốn lớn cho nhiều doanh nghiệp, cùng với vốn chủ sở hữu, các khoản vay ngân hàng và hạn mức tín dụng. Nói chung thì một công ty cần phải có một thu nhập tiềm năng nhất định để có thể cung cấp chứng khoán nợ cho công chúng với lãi suất ưu đãi.
4. Các hình thức mua trái phiếu
Việc mua trái phiếu đã được pháp luật quy định cụ thể tại Điều 128 Luật doanh nghiệp 2014:
Điều 128. Mua cổ phần, trái phiếu
Cổ phần, trái phiếu của công ty cổ phần có thể được mua bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty và phải được thanh toán đủ một lần.
Như vậy, bạn có thể mua trái phiếu của công ty cổ phần bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty.
Lưu ý, khi mua trái phiếu bạn sẽ phải thanh toán đủ một lần.
Ngoài ra, theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 149 Luật doanh nghiệp 2014, giá bán của trái phiếu sẽ do Hội đồng quản trị của công ty cổ phần quyết định.
5. Hậu quả pháp lý của trái phiếu khi tổ chức lại doanh nghiệp
– Trường hợp chia doanh nghiệp: Trái phiếu của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn bị chia sang các công ty mới thành lập (Điểm a Khoản 2 Điều 192 Luật doanh nghiệp 2014).
– Trường hợp hợp nhất doanh nghiệp: Trái phiếu của công ty bị hợp nhất thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty hợp nhất (Điểm a Khoản 2 Điều 194 Luật doanh nghiệp 2014).
– Trường hợp sáp nhập doanh nghiệp: Cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập (Điểm a Khoản 2 Điều 195 Luật doanh nghiệp 2014).
Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư doanh nghiệp tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102