Mua bán hóa đơn xử phạt như thế nào?

bởi Vudinhha
Thông báo phát hành hóa đơn sau bao lâu thì được sử dụng theo quy định mới nhất?

Hiện nay, nhiều người lợi dụng sự thông thoáng của chính sách và việc thành lập doanh nghiệp không quá khó nên các đối tượng dễ dàng thành lập hoặc mua lại công ty. Các công ty hoạt động kém hiệu quả được mua lại, sau đó thay đổi người đại diện pháp luật, trụ sở công ty, sau đó bán hóa đơn giá trị gia tăng, nhằm thu lợi bất chính. Mua bán hóa đơn sẽ bị xử phạt như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật sư X sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn.

Căn cứ:

  • Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
  • Thông tư 10/2013/TTLT – BTP – BCA – TANDTC – VKSNDTC – BTC hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về các tội trong lĩnh vực thuế, tài chính – kế toán và chứng khoán.

Nội dung tư vấn:

1. Nhận diện hành vi mua bán trái phép hóa đơn

Các công ty có hành vi mua bán trái phép hóa đơn thường có các dấu hiệu sau đây:

  • Không đóng góp vốn điều lệ theo quy định;
  • Đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề;
  • Chủ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại địa phương khác nơi đăng ký hộ khẩu thường trú;
  • Doanh thu lớn nhưng không có kho hàng hoặc kho hàng, lực lượng lao động không tương xứng;
  • Doanh nghiệp có số lượng hóa đơn sử dụng trong kỳ tăng đột biến so với lượng hóa đơn sử dụng bình quân các kỳ trước;
  • Doanh nghiệp không nộp báo cáo tài chính, hoặc có nộp nhưng thu nhập chịu thuế trong kỳ phát sinh thấp (dưới 100 triệu đồng);
  • Doanh nghiệp xin ngừng nghỉ, bỏ kinh doanh, hay có công văn giải thể sau đó xin hoạt động trở lại và thay đổi người đại diện trước pháp luật…

2. Hành vi mua bán hóa đơn bị xử phạt như thế nào?

Tùy theo mức độ và hậu quả của hành vi mua bán trái phép hóa đơn sẽ bị xử phạt hành chính hoặc theo pháp luật hình sự. Cụ thể, nếu hành vi này đủ yếu tố để cấu thành loại tội phạm thì sẽ phạm phải tội được quy định tại Điều 203 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

Điều 203. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;

đ) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

e) Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và g khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Để một cá nhân, pháp nhân trở thành chủ thể của tội mua bán trái phép hóa đơn theo quy định của pháp luật hiện hành cần thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm này. Cụ thể: 

Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

Tội này gồm loại tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, nên người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này trong bất cứ trường hợp nào. Chủ thể của tội phạm này là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

Chủ thể của tội phạm này bao gồm:

  • Cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc người của tổ chức kinh doanh bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
  • Người của tổ chức nhận in hoặc đặt in hóa đơn;
  • Cá nhân hoặc người của tổ chức mua hàng hóa, dịch vụ.

Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực quản lý việc quản lý các loại hóa đơn, chứng từ mua bán hàng hóa.

Đối tượng tác động của tội phạm này cũng là các loại hóa đơn dùng vào việc quản lý kinh tế. Hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước bao gồm:

  • Hóa đơn xuất khẩu dùng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài, xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hóa đơn giá trị gia tăng; hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ nội địa dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng; các hóa đơn khác gồm: tem, vé, thẻ, phiếu thu tiền bảo hiểm,… và phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế, chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng;
  • Lệnh thu nộp ngân sách nhà nước, giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước, bảng kê nộp thuế, biên lại thu ngân sách nhà nước và chứng từ phục hồi trong quản lý thu ngân sách nhà nước.

Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi khách quan

Người phạm tội mua bán trái phép hóa đơn có thể thực hiện một trong các hành vi như:

  • Mua, bán hóa đơn chưa ghi nội dung hoặc ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác theo quy định;
  • Mua, bán hóa đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo;
  • Mua, bán hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn đã hết giá trị sử dụng, hóa đơn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc cấp cho khách hàng khi bán hàng hóa dịch vụ;
  • Mua, bán, sử dụng hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ giữa các liên của hóa đơn.

b. Hậu quả

Đối với tội mua bán trái phép hóa đơn, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, việc xác định hậu quả sẽ có ý nghĩa trong việc đánh tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi mua bán trái phép hóa đơn khi quyết định hình phạt.

Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

  • Người thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn là do lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, biết rõ hành vi của mình là gây thiệt hại cho xã hội.
  • Động cơ, mục đích của người phạm tội này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, người phạm tội mua bán trái phép hóa đơn bao giờ cũng vì động cơ tư lợi.

Hy vọng bài viết có ích cho bạn! Liên hệ tư vấn 0833102102

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm