Quyết định đặc biệt của hội đồng thành viên là gì?

bởi Luật Sư X

Khác với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và doanh nghiệp tư nhân, khi muốn  đưa ra một quyết định có ảnh hưởng đến việc vận hành và phát triển của doanh nghiệp mình, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phải tiến hành mở cuộc họp hội đồng thành viên, để lấy ý kiến biểu quyết, qua đó đưa đến thống nhất xem quyết định trên có nhận được sự ủng hộ của đa số các thành viên hay không. Trong cuộc họp này sẽ có hai loại quyết định được đưa ra, đó là quyết định thông thường và quyết định đặc biệt. Vậy quyết định đặc biệt của hội đồng thành viên là gì? Trong khuôn khổ bài viết dưới đây, hãy cùng Luật sư X tìm hiểu nhé. 

Căn cứ pháp lý

  • Luật Doanh nghiệp 2014
  • Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đăng kí doanh nghiệp. 

Nội dung tư vấn

1. Hội đồng thành viên là gì? 

Mỗi công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đều cần phải có một hội đồng thành viên để tiến hành ra những quyết định mang tính chất quan trọng đối với công ty. Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014, Hội đồng thành viên gồm tất cả các thành viên công ty, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty. Điều lệ công ty quy định định kỳ họp Hội đồng thành viên, nhưng ít nhất mỗi năm phải họp một lần.

Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có các quyền và nghĩa vụ như sau:

  • Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;
  • Quyết định tăng hoặc giảm vốn điều lệ, quyết định thời điểm và phương thức huy động thêm vốn;
  • Quyết định dự án đầu tư phát triển của công ty;
  • Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và chuyển giao công nghệ; thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;
  • Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, ký và chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty;
  • Quyết định mức lương, thưởng và lợi ích khác đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty;
  • Thông qua báo cáo tài chính hằng năm, phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận hoặc phương án xử lý lỗ của công ty;
  • Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty;
  • Quyết định thành lập công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện;
  • Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
  • Quyết định tổ chức lại công ty
  • Quyết định giải thể hoặc yêu cầu phá sản công ty;
  • Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

Như vậy, có thể thấy rằng, Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên gồm các thành viên công ty và là cơ quan quyết định cao nhất của công ty. Cùng với đó,  Hội đồng thành viên cũng được quy định về quyền hạn và nhiệm vụ nhằm đảm bảo cho quá trình vận hành và phát triển của công ty.

2. Cuộc họp hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. 

  • Hội đồng thành viên được triệu tập họp theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc theo yêu cầu của thành viên hoặc nhóm thành viên quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều 50 của Luật Doanh nghiệp. Cuộc họp của Hội đồng thành viên phải được tổ chức tại trụ sở chính của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
  • Chủ tịch Hội đồng thành viên phải chấp thuận kiến nghị và bổ sung chương trình họp Hội đồng thành viên nếu kiến nghị có đủ nội dung theo quy định được gửi đến trụ sở chính của công ty chậm nhất 01 ngày làm việc trước ngày họp Hội đồng thành viên; trường hợp kiến nghị được trình ngay trước khi họp thì kiến nghị được chấp thuận nếu đa số các thành viên dự họp tán thành.
  • Điều kiện cần để có thể tiến hành cuộc họp hội đồng thành viên:
    • Khoản 1 Điều 59 Luật Doanh Nghiệp quy định cuộc họp Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên được tiến hành khi có số thành viên dự họp sở hữu ít nhất 65% vốn điều lệ; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
    • Trường hợp Điều lệ không quy định hoặc không có quy định khác, triệu tập họp Hội đồng thành viên trong trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành theo quy định thì được thực hiện như sau:
      • Triệu tập họp lần thứ hai phải được thực hiện trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Cuộc họp Hội đồng thành viên triệu tập lần thứ hai được tiến hành khi có số thành viên dự họp sở hữu ít nhất 50% vốn điều lệ;
      • Trường hợp cuộc họp lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành theo quy định nêu trên thì được triệu tập họp lần thứ ba trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày dự định họp lần thứ hai. Trường hợp này, cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành không phụ thuộc số thành viên dự họp và số vốn điều lệ được đại diện bởi số thành viên dự họp.
  • Những thành phần bắt buộc tham dự và biểu quyết tại cuộc họp hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên: Khoản 3 Điều 59 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định,  thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên phải tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng thành viên. Thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên, hình thức biểu quyết do Điều lệ công ty quy định
  • Phiên họp hội đồng thành viên được phép kéo dài trong thời gian bao lâu: Khoản 4 Điều 59 Luật doanh nghiệp 2014 quy định, trường hợp cuộc họp đủ điều kiện quy định tại Điều này không hoàn thành chương trình họp trong thời hạn dự kiến, thì có thể kéo dài phiên họp; thời hạn kéo dài không được quá 30 ngày, kể từ ngày khai mạc cuộc họp đó.

3. Quyết định đặc biệt của hội đồng thành viên là gì?

Cuộc họp hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể bàn bạc về rất nhiều các vấn đề khác nhau như: Quyết định sửa đổi, bổ sung nội dung của Điều lệ công ty, Quyết định phương hướng phát triển công ty; Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; Thông qua báo cáo tài chính hằng năm; … Tuy nhiên, đây là những quyết định thông thường, chỉ đòi hỏi được số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành là đã được thông qua. 

Tuy nhiên, bên cạnh những quyết định thông thường đã nêu trên, còn có những quyết định khiến công ty có sự thay đổi lớn. Quyết định này có thể định hướng cả một quá trình vận hành và phát triển của công ty sau này. Những quyết định này được gọi là quyết định đặc biệt, cụ thể là những quyết định như sau: 

  • Bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;
  • Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty. Điều lệ công ty được sửa đổi, bổ sung những vấn đề chủ yếu sau đây:
    •  Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có);
    • Ngành, nghề kinh doanh;
    • Vốn điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần;​​​​​​
    •  Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần; phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần từng loại của cổ đông sáng lập;
    • Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần;
    • Cơ cấu tổ chức quản lý
    • Người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần;
    •  Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;
    • Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý và Kiểm soát viên;
    • Những trường hợp thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần;
    • Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;
    • Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty
    • Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.

Trong quá trình sửa đổi bổ sung điều lệ công ty cần chú ý, điều lệ được sửa đổi, bổ sung phải có họ, tên và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

  • Tổ chức lại công ty. Các loại hình tổ chức lại công ty là:
    • Chia doanh nghiệp. 
      • Sau khi các công ty mới được cấp giấy phép kinh doanh thì doanh nghiệp bị chia chấm dứt tồn tại.
      • Các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó thực hiện các nghĩa vụ này.
    • Tách doanh nghiệp. Tách doanh nghiệp có thể thực hiện bằng một trong những phương thức như:
      •  Một phần phần vốn góp của các thành viên cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp được chuyển sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị tách và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới;
      • Toàn bộ phần vốn góp của một hoặc một số thành viên cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp của họ được chuyển sang cho các công ty mới;
      • Kết hợp hai hình thức trên.
    • Hợp nhất doanh nghiệp: Hợp nhất doanh nghiệp là trường hợp hai hoặc một số công ty (gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp lại, gộp lại thành một  công ty mới (gọi là công ty hợp nhất) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty hợp nhất, đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất
    • Sáp nhập doanh nghiệp: sáp nhập doanh nghiệp là một hình thức tập trung kinh tế mà theo đó, một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) chuyển toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ của mình sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.
  • Giải thể công ty. Có bốn trường hợp giải thể công ty được quy định rõ theo pháp luật về Doanh nghiệp:
    • Thứ nhất, giải thể theo quyết định của chủ doanh nghiệp
    • Thứ haikhi kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn
    • Thứ ba, công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật Doanh nghiệp trong thời hạn 06 tháng liên tục
    • Thứ tư, công ty bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014, thì những quyết định này chỉ được thông qua khi được số phiếu đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành. Theo khoản 13 điều 4 Luật Doanh nghiệp 2015 quy định:

Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.

Bên cạnh đó, khoản 21 điều 4 luật này cũng quy định như sau:

Phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Tỷ lệ phần vốn góp là tỷ lệ giữa phần vốn góp của một thành viên và vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh.

Theo đó, có thể thấy rằng vốn góp là số tài sản mà  các thành viên công ty đóng góp để tạo thành vốn điều lệ của công ty.  Số lần góp vốn đó có thể một lần hoặc nhiều lần, miễn  là trong thời hạn pháp luật cho phép và đúng như cam kết góp vốn vào công ty và chính là góp vốn điều lệ. Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thành viên công ty chỉ được góp vốn phần vốn góp cho công ty bằng các tài sản khác với loại tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của đa số thành viên còn lại.

Đây là một quy định vô cùng hợp lí và thiết thực. Bởi xuất phát từ tính chất của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên là công ty đối vốn, những chủ thể có tỷ lệ vốn góp cao cũng sẽ có ưu thế hơn trong việc điều hành công ty, cũng như việc đưa ra phủ quyết đối với những vấn đề mà họ cho rằng không phù hợp với sự phát triển hay thậm chí là có nguy cơ gây thiệt hại nặng nề đến quá trình vận hành của công ty. 

Hy vọng bài viết hữu ích cho quý độc giả!

Khuyến nghị 

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ doanh nghiệp tại Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm