3 quan điểm sai lầm về vốn điều lệ khi thành lập công ty

bởi Vudinhha

Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Điều này được thể hiện trên con số thống kê khi mỗi ngày có trung bình trên dưới 300 doanh nghiệp được thành lập. Ý tưởng, giải pháp kinh doanh là phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, ngoài việc quan tâm tới các sản phẩm dịch vụ cung cấp đến khách hàng, ngày này các chủ doanh nghiệp cũng rất quan tâm tới vấn đề pháp lý đối với doanh nghiệp của mình. Một trong những vấn đề các chủ doanh nghiệp quan tâm cũng như còn nhiều băn khoăn, thắc mắc đó là vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp.

Căn cứ:

  • Luật doanh nghiệp năm 2014
  • Nghị định số 75/2015/NĐ-CP
  • Nghị định số 139/2016/NĐ-CP

Nội dung tư vấn

Qua quá trình tư vấn và tiếp xúc với những người chuẩn bị thành lập doanh nghiệp hoặc thậm chí đã là chủ doanh nghiệp rồi nhưng không phải ai cũng hiểu rõ và đúng về các vấn đề pháp lý liên quan đến vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp. Thậm trí, còn có một số người có nhìn nhận sai lầm về vấn đề này. Sau đây tôi xin được chỉ ra 3 sai lầm thường gặp nhất của những người chuẩn bị kinh doanh liên quan đến vấn đề vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp.

1. Sai lầm thứ nhất: “Chỉ được góp tiền mặt”

Như đã chia sẽ với các bác ở bài viết trước về Vốn điều lệ thì có thể hiểu đơn giản đây là một khoản góp vốn bằng tài sản của thành viên (trong công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh) hoặc cổ đông (trong công ty cổ phần) cam kết góp vào doanh nghiệp. Việc cam kết góp vốn của thành viên hay cổ đông được thể hiện thông qua điều lệ công ty và còn được thể hiện trong giấy phép đăng ký kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp. 

Rất nhiều người lầm tưởng rằng tài sản góp vốn chỉ có thể là tiền mà không phải bất cứ thứ gì khác. Tuy nhiên, thực tế pháp luật không quy định như vậy. Cụ thể, về các tài sản được phép dùng để góp vốn vào doanh nghiệp được pháp luật quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật doanh nghiệp 2014, như sau:

Điều 35. Tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Như vậy, phạm vi tài sản được dùng để góp vốn khi thành lập doanh nghiệp là rất rộng, ngoài tiền Việt Nam đồng và ngoại tệ ra, các thành viên còn có thể góp vốn bằng rất nhiều loại tài sản hữu hình khác như vàng, kim cương, phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh, xe cộ,…. Bên cạnh đó, các loại tài sản vô hình như giá trị quyền sử đụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ,…. Lưu ý rằng, các loại tài sản dùng để góp vốn vào doanh nghiệp thì phải được định giá và quy ra số tiền bằng Việt Nam đồng. Việc định giá tài sản góp vốn có thể do tự các thành viên, cổ đông xác định hoặc thuê các tổ chức định giá tài sản chuyên nghiệp thực hiện và phải được tất cả các thành viên chấp thuận. Điều này nhằm đảm bảo sẽ xác định rõ ràng tỷ lệ vốn góp của thành viên và cổ đông để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của họ.

2. Sai lầm thứ hai: “Phải góp luôn khi thành lập doanh nghiệp”

Nhiều người nghĩ rằng khi thành lập doanh nghiệp thì sẽ phải góp đầy đủ vốn điều lệ để thực hiện việc kinh doanh. Thực tế thì không phải vậy, pháp luật không quy định bắt buộc các thành viên và cổ đông của doanh nghiệp phải góp đầy đủ số vốn điều lệ khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Dòng tiền là một vấn đề vô cùng quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, do đó pháp luật cho phép các thành viên và cổ đông có quyền tự thỏa thuận và thực hiện việc góp số vốn họ đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, căn cứ theo Khoản 2 Điều 48 việc góp vốn của các thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn phải được hoàn tất trong thời hạn tối đa là 90 ngày kể từ ngày thành lập doanh nghiệp.

Điều 48. Thực hiện góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận góp vốn

….

2. Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thành viên công ty chỉ được góp vốn phần vốn góp cho công ty bằng các tài sản khác với loại tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của đa số thành viên còn lại. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp.

Như vậy, việc góp số vốn đã cam kết trong giấy đăng ký kinh doanh là nghĩa vụ của mỗi thành viên tuy nhiên ho sẽ không bắt buộc phải góp luôn ngay từ khi đăng ký kinh doanh mà pháp luật quy định trong thời hạn 90 ngày, các thành viên phải đóng đầy đủ và đúng số vốn. Nếu sau thời hạn 90 ngày, nếu có thành viên nào đó góp chưa đủ hoặc không thực hiện góp vốn thì doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn điều lệ trong giấy phép đăng ký kinh doanh. Thủ tục này được thực hiện bởi sở Kế hoạch- Đầu tư nơi các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.

3. Sai lầm thứ ba: “Phải chứng minh số vốn”

Trong kinh doanh, uy tín là một điều vô cùng quan trọng, ngoài uy tín đến từ chất lượng của sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Thì vốn điều lệ của doanh nghiệp cũng phần nào góp phần vào sự uy tín trên thương trường của các doanh nghiệp. Pháp luật quy định các doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp tư nhân) chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn điều lệ mà họ đã đăng ký. Do đó, vốn điều lệ càng lớn, càng thể hiện được phần nào uy tín và phần nào làm an tâm đối tác và khách hàng. Tuy nhiên thực tế thì pháp luật lại không quy định việc phải chứng minh số vốn đó có thật hay không. Pháp luật tôn trọng sự trung thực của các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó, điều họ nên quan tâm và được biết đó là về vốn điều lệ là căn cứ để xác định lệ phí môn bài mà doanh nghiệp đó hàng năm phải đóng cho nhà nước. Hiện nay, theo Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định thì đối với các doanh nghiệp sẽ có 2 mức lệ phí môn bài:

Điều 4. Mức thu lệ phí môn bài

1. Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

a) Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm;

b) Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm;

…..

Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức quy định tại điểm a và điểm b khoản này căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Như vậy, việc kê khai số vốn điều lệ trung thực ra sao là tùy thuộc vào mỗi thành viên của công ty. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, vốn điều lệ là căn cứ để xác định phạm vi chịu trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh của công ty. Do vậy, các thành viên phải bàn bạc và đăng ký mức vốn điều lệ một cách trung thực và hợp lý nhất cho doanh nghiệp minh.

Nếu còn điều gì băn khoăn, thắc mắc về vốn điều lệ hoặc về thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, xin hãy liên hệ với Luật sư X để được tư vấn giải đáp rõ ràng và chính xác nhất.

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102 
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm