Theo quy định của pháp luật, chi nhánh của doanh nghiệp có có thể nhân danh doanh nghiệp ký kết hợp đồng trong phạm vi uỷ quyền của doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là chi nhánh có thể ký kết hợp đồng với công ty mẹ của doanh nghiệp đó hay không? Để trả lời câu hỏi này, bài viết sau xin nêu ra một số quy định pháp luật hiện hành và quan điểm phân tích của người viết.
Căn cứ:
- Luật Doanh nghiệp 2014
- Bộ luật Dân sự 2015
Nội dung tư vấn
1. Công ty mẹ là gì? Chi nhánh là gì?
Có thể hiểu, Công ty mẹ là một công ty sở hữu một phần hoặc toàn bộ số cổ phần của một công ty khác để có thể kiểm soát việc điều hành và các hoạt động của công ty này (công ty con) bằng việc gây ảnh hưởng hoặc bầu ra Hội đồng quản trị. Cụ thể luật Doanh nghiệp quy định mô hình công ty mẹ con như sau:
Điều 189. Công ty mẹ, công ty con
1. Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;
b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.
Như vậy, khái niệm công ty mẹ thường đề cập đến một công ty mà tự nó không sản xuất hàng hóa hay dịch vụ, mà mục đích của nó chỉ để sở hữu cổ phiếu của các công ty khác.
Đối với chi nhánh, luật Doanh nghiệp quy định khái niệm này tại khoản 1 Điều 45 như sau:
Điều 45. Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp
1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để hiểu rõ về chi nhánh của doanh nghiệp thì cần kết hợp với khái niệm chi nhánh được đề cập trong Bộ luật Dân sự 2015. Theo bộ luật thì chi nhánh được hiểu như sau:
Điều 92. Văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân
1. Pháp nhân có thể đặt văn phòng đại diện, chi nhánh ở nơi khác với nơi đặt trụ sở của pháp nhân.
2. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ đại diện theo uỷ quyền cho lợi ích của pháp nhân và thực hiện việc bảo vệ các lợi ích đó.
3. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân, kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền.
4. Văn phòng đại diện, chi nhánh không phải là pháp nhân. Người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh thực hiện nhiệm vụ theo uỷ quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được uỷ quyền.
5. Pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập, thực hiện.
Từ hai quy định trên, có thể hiểu chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp theo sự uỷ quyền của doanh nghiệp trong phạm vi và thời hạn được uỷ quyền (kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền). Chi nhánh có thể thực hiện việc ký kết hợp đồng nhân danh doanh nghiệp (nếu được doanh nghiệp uỷ quyền ký kết hợp đồng). Tuy nhiên, chi nhánh không phải là pháp nhân, không có tài sản độc lập và không thể tự nhân danh chính chi nhánh ấy tham gia vào các quan hệ pháp luật.
2. Chi nhánh có được ký hợp đồng với công ty mẹ không?
Như đã phân tích, chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, không phải là pháp nhân và không có tài sản độc lập. Khi ký kết hợp đồng, chi nhánh sẽ nhân danh doanh nghiệp thành lập chi nhánh để thiết lập giao dịch. Do đó, Chi nhánh sẽ không thể tự ký kết với bất kỳ công ty nào (kể cả công ty mẹ của doanh nghiệp) nếu tự nhân danh chính chi nhánh đó.
Tuy nhiên, trong trường hợp chi nhánh đó nhân danh công ty ký kết hợp đồng với công ty mẹ thì có phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Đầu tiên cần xác định đây là hợp đồng giữa công ty con và công ty mẹ, chi nhánh chỉ là đơn vị được uỷ quyền để ký kết hợp đồng chứ không phải là chủ thể giao kết hợp đồng.
Theo luật Doanh nghiệp, quan hệ hợp đồng giữa công ty con và công ty mẹ được quy định như sau:
Điều 190. Quyền và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con
…
2. Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập.
Trong quan hệ hợp đồng được nêu trên, công ty mẹ và công ty con là hai pháp nhân độc lập, có tài sản riêng, có khả năng nhân danh chính mình tham gia vào các quan hệ pháp luật. Đồng thời, pháp luật không cấm công ty mẹ và công ty con ký kết hợp đồng hay thực hiện việc giao dịch với nhau nên hai công ty trong mô hình này vẫn được ký kết hợp đồng với nhau và phải đảm bảo cho hợp đồng được thực hiện một cách độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với từng chủ thể.
Kết luận lại, chi nhánh vẫn có thể ký kết hợp đồng với công ty mẹ nếu được sự uỷ quyền hợp pháp của doanh nghiệp và đảm bảo hợp đồng được thực hiện một cách độc lập, bình đẳng theo điều kiện đối với từng chủ thể. Đồng thời, hợp đồng mà chi nhánh ký kết phải nằm trong phạm vi và thời hạn được doanh nghiệp uỷ quyền.
Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn đọc!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư doanh nghiệp tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102