Nhằm phòng chống tham nhũng, đề cao tính minh bạch trong công việc cũng như nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật, công chức theo pháp luật Việt Nam chỉ có thể góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp trong một số trường hợp nhất định. Để có thể nắm rõ chi tiết hơn các quy định của pháp luật, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X nhé.
Căn cứ:
- Luật doanh nghiệp 2014;
- Luật cán bộ, công chức 2008;
- Luật phòng, chống tham nhũng 2018;
- Nghị định số 06/2010/NĐ-CP.
Nội dung tư vấn:
1. Công chức theo quy định của pháp luật Việt Nam?
Theo Khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức 2008 có quy định:
Điều 4. Cán bộ, công chức
2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Điều 2 Nghị định 06/2010/NĐ-CP có quy định căn cứ để xác định những ai là công chức như sau:
Điều 2. Căn cứ xác định công chức
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh, trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật, làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Nghị định này.
Thông tư 08/2011/TT-BNV về hướng dẫn Nghị định số 06/2010/NĐ-CP quy định những người là công chức do Bộ Nội vụ ban hành cũng đã có hướng dẫn cụ thể hơn các xác định công chức như sau:
Điều 1. Hướng dẫn về việc xác định công chức
1. Việc xác định công chức phải căn cứ theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP.
2. Những trường hợp đủ các căn cứ xác định là công chức quy định tại Điều 2 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP mà kiêm một số chức danh, chức vụ được bầu cử (không chuyên trách) theo quy định của pháp luật hoặc theo điều lệ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội thì được xác định là công chức.
3. Những người đang làm việc chuyên trách công tác Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên tại các cơ quan nhà nước, ở trong biên chế công chức, hưởng lương từ Ngân sách nhà nước, được bổ nhiệm vào một ngạch thì được xác định là công chức.
4. Những người là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong quân đội nhân dân Việt Nam và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong Công an nhân dân Việt Nam được biệt phái sang làm việc chuyên trách tại các cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và các cơ quan nhà nước thì không phải là công chức.
5. Những người đang làm việc ở các vị trí được pháp luật quy định là công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập mà chưa được tuyển dụng (đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động) thì không xác định là công chức.
Tóm lại, để được xem là công chức cần đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất: Phải là công dân Việt Nam đáp ứng đủ các điều kiện do pháp luật quy định: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, có nơi cư trú tại Việt Nam, đủ 18 tuổi trở lên, có lí lịch rõ ràng, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn phù hợp, Đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ.
Thứ hai: Công chức là do được tuyển dụng, bổ nhiệm.
Thứ ba: Công chức sẽ đảm nhận chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân, mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lí đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội.
Thứ tư: Công chức được biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
2. Quy định về việc thành lập, góp vốn doanh nghiệp đối với công chức:
Theo Điều 20 Luật cán bộ, công chức 2008 quy định về những việc khác cán bộ, công chức không được làm như sau:
Điều 20. Những việc khác cán bộ, công chức không được làm
Ngoài những việc không được làm quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này, cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền
Theo đó, tại Điểm b, d Khoản 2 Điều 20 Luật phòng chống tham những 2018 có quy định về việc người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm những việc sau đây:
Điều 20. Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn
2. Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm những việc sau đây:
a) Nhũng nhiễu trong giải quyết công việc
b. Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;
d. Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tại Khoản 4 Điều 20 Luật phòng chống tham những 2018 cũng có quy định:
Điều 20. Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn
4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
Mặt khác, tại Điểm b Khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014 cũng có quy định về các cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó có:
Điều 18. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp
2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên tại Khoản 3 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014 có quy định rằng:
Điều 18. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp
3. Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Như vậy, công chức không có quyền thành lập và điều hành, quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, công chức vẫn có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh để thu lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp, trừ trường hợp công chức đó là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước thì không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
Hy vọng bài viết có ích cho bạn!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102