Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam phải thực hiện thủ tục xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, sau đó thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp. Trong quá trình đầu tư, không phải lúc nào các cá nhân cũng hoàn toàn đi theo dự tinh ban đầu. Có rất nhiều tình huống nhà đầu tư muốn thay đổi dự án đầu tư, quy mô, phạm vi đầu tư, thay đổi vốn góp đầu tư hay tiến độ, thời hạn thực hiện dự án. Trong trường hợp này, nhà đầu tư cần điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp trước đó. Trong khuôn khổ bài .viết dưới đây, hãy cùng Luật sư X tìm hiểu xem thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư như thế nào nhé!
Căn cứ pháp lý
- Luật Doanh nghiệp 2014
- Luật Đầu tư 2014
- Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư
- Thông tư số 16/2015/TT-BKHĐT quy định biểu mẫu thực hiện thủ tục đầu tư và báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam
Nội dung tư vấn
1. Khái niệm giấy chứng nhận đầu tư.
Điều 3 Luật Đầu tư 2014 quy định về giấy chứng nhận đăng kí đầu tư như sau:
Điều 3: Giải thích từ ngữ
6.Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản, bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.
Theo đó, giấy chứng nhận đầu tư là giấy phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền ban hành cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thường được gắn liền với các dự án đầu tư và áp dụng phần lớn cho các cá nhân, tổ chức có yếu tố nước ngoài; được thể hiện dưới dạng: bản điện tử, văn bản ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư. Nếu giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử do cơ quan nơi nhà đầu tư thực hiện đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp của chủ đầu tư trong đó sẽ ghi lại đầy đủ các thông tin về đăng ký doanh nghiệp, thì giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lại chỉ ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.
Nói cách khác, giấy chứng nhận đầu tư là điều kiện cần thiết để thành lập công ty nước ngoài tại Việt Nam, đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài khi thành lập doanh nghiệp.
Cụ thể:
- Đối tượng được cấp giấy chứng nhận đầu tư là nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
- Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư là Phòng đăng ký đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
Theo quy định tại Luật Đầu tư 2015, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam bằng việc thành lập tổ chức kinh tế thì chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Luật Đầu tư 2014 đã có một bước tiến tích cực khi tách bạch Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, theo đó, nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam phải thực hiện thủ tục xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, sau đó thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp hoặc pháp luật khác có liên quan đến từng loại hình tổ chức kinh tế.
2.Nội dung giấy chứng nhận đầu tư.
Thông thường, giấy chứng nhận đầu tư bao gồm những nội dung chính sau:
- Mã số dự án đầu tư.
- Tên, địa chỉ của nhà đầu tư.
- Tên dự án đầu tư.
- Địa điểm thực hiện dự án đầu tư; diện tích đất sử dụng.
- Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư.
- Vốn đầu tư của dự án (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động), tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn.
- Thời hạn hoạt động của dự án.
- Tiến độ thực hiện dự án đầu tư: tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động (nếu có); tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động, hạng mục chủ yếu của dự án, trường hợp dự án thực hiện theo từng giai đoạn, phải quy định mục tiêu, thời hạn, nội dung hoạt động của từng giai đoạn.
- Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có).
- Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án (nếu có).
- Ngoài ra nếu dự án đầu tư thuộc diện được hưởng ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư thực hiện dự án cần có những điều kiện cần thiết thì cũng phải thể hiện trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các nội dung về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng và các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án.
Dựa vào những tiêu chí nêu trên, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không chỉ có tác dụng chứng minh nhà đầu tư có thể thực hiện dự án mà còn là căn cứ để các chủ thể có thẩm quyền kiểm tra xem nhà đầu tư có thực hiện dự án đúng với nội dung dự án, đúng thời hạn, tiến độ thực hiện hay không, để có những biện pháp xử phạt hành chính và ngăn chặn kịp thời những sai phạm đáng tiếc xảy ra, đồng thời tạo điều kiện để nhà nước đảm bảo tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng cho nhà đầu tư.
3.Các trường hợp cần điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.
Nhà đầu tư cần đăng kí điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư trong các trường hợp cụ thể sau đây:
- Mã số dự án đầu tư;
- Thông tin của nhà đầu tư: Tên, địa chỉ, email, số điện thoai, website…;
- Tên dự án đầu tư;
- Địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
- Diện tích đất sử dụng cho dự án;
- Mục tiêu, quy mô dự án;
- Vốn đầu tư của dự án (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động); tiến độ góp vốn và huy động vốn;
- Thời hạn hoạt động của dự án;
- Tiến độ thực hiện dự án, tiến độ thực hiện mục tiêu hoạt động;
- Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư căn cứ áp dụng;
- Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án;
- Thay đổi ngành nghề kinh doanh;
- Một số trường hợp khác.
Việc thay đổi này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tiến trình hoạt động của doanh nghiệp. Trước hết và quan trọng hơn cả, thay đổi, điều chỉnh các nội dung nêu trên trong giấy chứng nhận đầu tư một cách kịp thời và nhanh chóng giúp cho các doanh nghiệp hạn chế được tối đa những rủi ro khi bộ máy doanh nghiệp đang vận hành, tránh được những khó khăn, vướng mắc, tránh bị xử phạt hành chính cũng như các biện pháp xử lí khác của cơ quan có thẩm quyền khi các chủ thể này tiến hành kiểm tra sự đồng nhất giữa nội dung đăng kí và thực tế dự án đầu tư. Trong trường hợp này, chỉ cần thay đổi muộn, (chứ không phải là chưa thay đổi), các doanh nghiệp đã phải đối mặt với những hình thức phạt cụ thể từ cơ quan chức năng.
4. Thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư
Theo quy định tại luật Đầu tư 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, quy trình thực hiện điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư đến thời điểm hiện tại thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.
Nhà đầu tư hiện việc tách giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với nội dung đăng ký kinh doanh trên Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp cũ.
Hồ sơ bao gồm những giấy tờ cụ thể như sau:
- Bản đăng ký/đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư;
- Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư;
- Bản sửa đổi, bổ sung của điều lệ doanh nghiệp;
- Bản sửa đổi, bổ sung của hợp đồng liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh (nếu có).
- Báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp và dự án đến thời điểm đăng ký điều chỉnh.
- Hồ sơ điều chỉnh nội dung đăng ký kinh doanh (đăng ký điều chỉnh nội dung đăng ký kinh doanh trong Giấy chứng nhận đầu tư).
Căn cứ vào từng trường hợp điều chỉnh của dự án đầu tư, mà có những thay đổi nhất định trong thành phần hồ sơ như sau;
- Trường hợp thay đổi, bổ sung mục tiêu hoạt động:
- Bản đăng ký/đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư;
- Nghị quyết của hội đồng quản trị doanh nghiệp liên doanh hoặc biên bản thoả thuận của các bên hợp doanh hoặc đề nghị của chủ đầu tư nước ngoài về việc xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư
- Báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp;
- Bản giải trình việc thay đổi, bổ sung mục tiêu hoạt động;
- Ý kiến của Bộ quản lý ngành đối với dự án thuộc điều kiện thẩm tra;
- Bản sao giấy phép đầu tư (có công chứng);
- Trường hợp sát, nhập, chia, tách doanh nghiệp:
- Bản đăng ký/đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư;
- Nghị quyết của hội đồng quản trị doanh nghiệp liên doanh hoặc thoả thuận của các bên hợp doanh hoặc đề nghị của chủ đầu tư nước ngoài về việc xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư;
- Báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp;
- Đơn xin tổ chức lại doanh nghiệp;
- Hồ sơ chuyển nhượng vốn (đối với trường hợp chuyển nhượng vốn);
- Điều lệ doanh nghiệp mới (trừ trường hợp chuyển thành doanh nghiệp Việt Nam);
- Giải trình việc tổ chức lại doanh nghiệp;
- Các tài liệu liên quan đến sử dụng đất;
Lưu ý: Nhà đầu tư cần lưu ý kèm theo quyết định chia doanh nghiệp / tách doanh nghiệp/ hợp đồng hợp nhất doanh nghiệp / hợp đồng sáp nhập doanh nghiệp đối với từng trường hợp hồ sơ tương ứng.
- Trường hợp thay đổi hình thức đầu tư, chuyển nhượng vốn.
- Bản đăng ký/đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư;
- Nghị quyết của hội đồng quản trị doanh nghiệp liên doanh hoặc thoả thuận của các bên hợp doanh hoặc đề nghị của chủ đầu tư nước ngoài về việc xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư;
- Báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp;
- Đơn đăng ký chuyển nhượng vốn;
- Hợp đồng chuyển nhượng vốn;
- Sửa đổi bổ xung; hợp đồng liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, điều lệ doanh nghiệp;
- Tư cách pháp lý, tình hình tài chính của bên chuyển nhượng (trong trường hợp chuyển nhượng cho bên ngoài doanh nghiệp);
- Bản sao giấy phép đầu tư (có công chứng).
Bước 2: Nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời gửi hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan để lấy ý kiến về những nội dung điều chỉnh.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về nội dung điều chỉnh thuộc phạm vi quản lý của mình.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, có ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những nội dung điều chỉnh.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm định các nội dung điều chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Bước 3: Đăng Thông tin đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia
Trường hợp việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư làm thay đổi thông tin liên quan ở Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì nhà đầu tư phải làm thủ tục thay đổi giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014.
Doanh nghiệp có trách nhiệm bổ sung đầy đủ các thông tin còn thiếu trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp khi thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, bao gồm các thông tin: số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử (email), trang thông tin điện tử (website) của doanh nghiệp. Việc bổ sung thông tin số điện thoại của doanh nghiệp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là bắt buộc. Trường hợp doanh nghiệp không bổ sung thông tin về số điện thoại của doanh nghiệp thì hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp được coi là không hợp lệ theo quy định tại Khoản 15 Điều 4 Luật Doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện việc cập nhật, bổ sung thông tin trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 7 Điều 8 Luật Doanh nghiệp
Bước 4: Cấp lại dấu pháp nhân của doanh nghiệp theo thông tin của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Sau khi hoàn thành các bước nên trên, doanh nghiệp được cấp lại dấu pháp nhân theo thông tin trên giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, tức là mã số thuế của doanh nghiệp, theo đúng như ghi nhận hiện tại của doanh nghiệp trong nước. Trong đó, mã số thuế doanh nghiệp là một dãy các chữ số được mã hoá theo một nguyên tắc thống nhất để cấp cho từng đối tượng nộp thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo qui định của luật, pháp lệnh thuế, phí và lệ phí (gọi chung là Pháp luật về thuế).
Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được cấp 01 mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt quá trình hoạt động từ khi đăng ký thuế cho đến khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Người nộp thuế có chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc trực tiếp thực hiện nghĩa vụ thuế thì được cấp mã số thuế phụ thuộc. Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc thực hiện đăng ký thuế theo cơ chế một cửa liên thông cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì mã số ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đồng thời là mã số thuế.
Hy vọng bài viết hữu ích cho quý độc giả!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư doanh nghiệp tại Việt Nam.
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102