Thủ tục thành lập công ty dịch vụ bảo vệ có vốn nước ngoài tại Việt Nam

bởi Vudinhha

Nhìn nhận một cách khách quan, những thay đổi sâu sắc của xã hội và các biến động trên thương trường toàn cầu trong thời đại kỹ thuật số đã một phần đưa đẩy cuộc sống của con người hiện đại đến chốn bão tố lo âu. Ca sĩ đi hát bị vây đánh ở hội chợ, trung tâm thương mại bị trộm hàng loạt túi xách hàng hiệu; hội trợ triển lãm, sự kiện ca nhạc, lễ hội bị những vị khách không mời mà tới quấy rối phá tan bầu không khí,… Trong bối cảnh xã hội phức tạp đó, không lạ khi nói nhân viên bảo vệ là một nhân tố không thể thiếu. Nắm bắt được nhu cầu này, tại nước ta, các công ty bảo vệ chuyên nghiệp mọc lên ngày càng nhiều. Với môi trường đầu tư thuận lợi, linh vực này có thể coi là một chiếc pizza ngon mắt mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài khao khát được chia phần. Vậy, khi một nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty ở Việt Nam, họ cần chuẩn bị những điều kiện gì? Thủ tục có phức tạp không? Thời gian xin phép bao lâu? Có yêu cầu đặc biệt gì không? Trong khuôn khổ bài viết dưới đây, hãy cùng Luật sư X tìm hiểu xem, thủ tục thành lập công ty dịch vụ bảo vệ có vốn nước ngoài tại Việt Nam là gì nhé.

Căn cứ:

Nội dung tư vấn

1. Công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được hiểu như thế nào? 

Khoản 16,17 điều 3 Luật đầu tư 2014 có  quy định như sau:

16.Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.

17. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.

Theo đó, công ty có vốn đầu tư nước ngoài là một trong những loại hình của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Có thể hiểu công ty có vốn đầu tư nước ngoài là công ty có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Đây là một bước tiến mới trong kĩ thuật lập pháp ở nước ta nói chung, cũng như trong lĩnh vực đầu tư nói riêng, khi quy định mới này đã khắc phục được những hạn chế vủa định nghĩa “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” trong Luật Đầu tư 2005.Theo quy định tại khoản 6, Điều 3, Luật Đầu tư  2005 quy định:

6.Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp của Việt Nam, do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại

Với quy định chung này, doanh nghiệp Việt Nam chỉ cần có một cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được coi là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đương nhiên, các doanh nghiệp này sẽ phải gánh chịu những điều kiện đầu tư dành cho khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các điều kiện hạn chế gia nhập thị trường theo cam kết với WTO của Việt Nam. Điều này gây ra một thực tế khá trớ trêu, rằng chính pháp luật nước ta lại gây sức ép đối với hệ thống doanh nghiệp nước nhà.

2. Các hình thức đầu tư.

2.1.Các hình thức đầu tư vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Một là, góp vốn thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, do nhà đầu tư nước ngoài thành lập tại Việt Nam, tự quản lý và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh.Tài sản của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thuộc quyền sở hữu của một hoặc nhiều tổ chức cá nhân nước ngoài. Khi góp vốn thành lập doanh nghiệp này,  tổ chức cá nhân nước ngoài sẽ tự quản lý và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh. Nhà nước Việt Nam chỉ quản lý thông qua việc cấp giấy phép đầu tư và kiểm tra họ có thực hiện đúng pháp luật hay không, chứ không can thiệp vào việc tổ chức quản lý của doanh nghiệp. 

Ưu điểm của hình thức này có thể kể đến là: Việc doanh nghiệp chịu sự điều hành quản lý trực tiếp hoặc gián tiếp từ nhà đầu tư nước ngoài với cách thức quản lý khác với các doanh nghiệp trong nước, thường đem đến hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ được đầu tư công nghệ, vốn và nguồn nhân lực tốt hơn. Mặt khác, nước chủ nhà không cần bỏ vốn, sẽ tránh được những rủi ro trong kinh doanh, thu ngay được tiền thuê đất, thuế, giải quyết việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua những rủi ro khá rõ rệt khi nhà đầu tư quyết định góp vốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Đầu tiên là về vấn đề khác biệt văn hóa. Doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam sẽ gặp phải sự khác biệt về văn hóa kinh doanh với những doanh nghiệp trong nước, ảnh hưởng tới việc tiếp cận thị trường Việt Nam. Tiếp đó là những hạn chế nhất định của pháp luật Việt Nam dành cho loại hình  doanh nghiêp này vì mục đích bảo vệ nhà đầu tư trong nước.

Đối với hình thức này, theo điều 22 Luật Đầu tư 2014, thì trước khi thành lập, nhà đầu tư nước ngoài cần có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư,…

Hai là, liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp liên doanh là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh ký giữa hai bên hoặc nhiều bên để tiến hành đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Ưu điểm của hình thức liên doanh là góp phần giải quyết tình trạng thiếu vốn, nước sở tại tranh thủ được nguồn vốn lớn để phát triển kinh tế nhưng lại được chia sẻ rủi ro. Bên cạnh đó, còn có cơ hội để đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm. Về phía nhà đầu tư, hình thức này là công cụ để thâm nhập vào thị trường nước ngoài một cách hợp pháp và hiệu quả, tạo thị trường mới, góp phần tạo điều kiện cho nước sở tại tham gia hội nhập vào nền kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên hình thức này có nhược điểm là thường dễ xuất hiện mâu thuẫn trong điều hành, quản lí doanh nghiệp do các bên có sự khác nhau về chế độ chính trị, truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ, luật pháp,… Hơn nữa, nước sở tại thường rơi vào thế bất lợi do tỷ lệ góp vốn thấp, năng lực quản lí yếu kém so với các nhà đầu tư nước ngoài. 

2.2. Các hình thức đầu tư vốn nước ngoài thành lập công ty dịch vụ bảo vệ tại Việt Nam.

Để thực hiện thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài nói chung, nhà đầu tư trước hết phải đáp ứng một số điều kiện sau:

  • Ngành nghề của nhà đầu tư phải nằm trong những ngành nghề mà Việt Nam đã cam kết cho phép đầu tư trong Biểu cam kết WTO hoặc không thuộc biểu cam kết WTO nhưng pháp luật Việt Nam có quy định cụ thể;
  • Phải có dự án đầu tư;
  • Thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định pháp luật.

Dịch vụ bảo vệ (CPC 87305) không có trong biểu cam kết của WTO và FTAs nhưng được quy định tại nghị định 96/2016/NĐ-CP về an ninh, trật tự.Từ những quy định khái quát chung về doanh ngiệp và đầu tư trên, có thể thấy rằng, tổ chức, cá nhân có vốn nước ngoài muốn kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ bảo vệ có hai hình thức sau: 

Thứ nhất, thực hiện dưới hình thức cơ sở kinh doanh nước ngoài góp vốn mua máy móc, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ.

Thứ hai, tham gia liên doanh với một doanh nghiệp Việt Nam đã có đăng ký kinh doanh ngành nghề bảo vệ và đang thực hiện kinh doanh trong lĩnh vực này trong trường hợp cần đầu tư máy móc, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ

3.Thủ tục thành lập.

Bước 1: Thành lập công ty dịch vụ bảo vệ Việt Nam;

Hồ sơ thành lập công ty bao gồm: 

  • Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh dịch vụ bảo vệ;
  • Điều lệ công ty;
  • Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần)
  • Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực:
    • Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân;
    • Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức và kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân, văn bản uỷ quyền của người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức ;
    • Quyết định góp vốn đối với thành viên công ty, cổ đông công ty là tổ chức;
    • Giấy uỷ quyền thực hiện dịch vụ thành lập công ty cho tổ chức, cá nhân (nếu có ủy quyền)

Nộp Sở Kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. 

Bước 2: Xin giấy phép đủ điều kiện (vì đây là ngành nghề có điều kiện)

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ bao gồm: 

  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và biểu trưng (logo) của doanh nghiệp;
  • Bản khai lý lịch (có dán ảnh và xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú), bản sao bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng (có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền), bản sao quyết định nghỉ hưu, xuất ngũ hoặc quyết định nghỉ việc (nếu có),
  • Phiếu lý lịch tư pháp của những người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp

Bước 3: Chuyển nhượng phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài

Hồ sơ gồm có: 

  • Văn bản đăng ký góp vốn, phần vốn góp gồm những nội dung:
    • Thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, phần vốn góp;
    • Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế.
  • Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.
  • Bản sao công chứng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hiện tại.
  • Biên bản họp và quyết định của công ty về việc chấp thuận cho thành viên chuyển nhượng vốn góp cho người nước ngoài.
  • Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp.

Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả.

Trong trường hợp hiện Quý khách muốn tham khảo và tìm hiểu dịch vụ thành lập công ty có vốn nước ngoài của chúng tôi. Hãy gọi ngay tới số máy: 0833 102 102

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm