Nếu con người có bộ não làm chức năng điều khiển mọi hoạt động của cơ thể thì doanh nghiệp có người đại diện theo pháp luật. Họ được ví như bộ não của công ty, làm những nhiệm vụ quan trọng mà từ đó có ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của chính công ty đó. Vậy vai trò đó là những vai trò gì? Pháp luật Việt Nam quy định về đối tượng này như thế nào ? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau
Căn cứ:
- Bộ luật dân sự 2015
- Luật doanh nghiệp 2014
Nội dung tư vấn
1. Người đại diện theo pháp luật là gì ?
Đại diện là một chế định quan trong pháp luật Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực dân sự nói riêng, nó rất dễ bắt gặp trong đời sống lẫn công việc hằng ngày. Do đó Bộ luật dân sự 2015 đã dành hẳn một chương để quy định về vấn đề này (chương IX).
Điều 134. Đại diện
1. Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Đại diện có 2 loại là đại diện theo pháp luật và đại diện theo uỷ quyền. Đại diện theo pháp luật có nhiều dạng như cha mẹ đối với con chưa thành niên, người giám hộ, người đại diện cho pháp nhân .v..v. Trong nội dung bài viết này chúng tôi xin đề cập đến vấn đề đại diện theo pháp luật cho pháp nhân, mà cụ thể hơn là đại diện cho doanh nghiệp.
Để làm căn cứ cho những quy định khác thì văn bản chuyên ngành có liên quan là luật Doanh nghiệp 2014 ngay từ những điều đầu tiên đã định nghĩa khái niệm này như sau:
Điều 13. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy có thể hiểu một cách đơn giản người đại diện theo pháp luật là một cá nhân cụ thể, mà chỉ có người này mới được thay mặt doanh nghiệp thực hiện những công việc liên quan như làm đại diện nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật như ký hợp đồng.v.v.
Có thể nói người đại diện theo pháp luật như người lớp trưởng của lớp đại diện cho cả tập thể để làm việc với thầy cô trong Nhà trường vậy đó, là một thành phần không thể thiếu để đảm bảo sự hoạt động bình thường của một tổ chức, một doanh nghiệp.
2. Những quy định liên quan đến người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần.
Điều này được quy định tại điều Điều 13 và Điều 14 Luật doanh nghiệp 2014.
Điều 13. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
3. Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
4. Trường hợp hết thời hạn ủy quyền theo khoản 3 Điều này mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây:
a) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp;
b) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
5. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.
6. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác theo quy định của Bộ luật hình sự thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty.
7. Trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thẩm quyền có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại Tòa án.
Như vậy có thể rút ra được những vấn đề quan trọng đó là:
- Công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều hơn một người làm đại diện theo pháp luật. Hay nói cách khác luật không hạn chế số lượng người, việc quy định số lượng người kèm trách nhiệm và nghĩa vụ của từng người sẽ được nêu cụ thể trong Điều lệ công ty.
- Nếu chỉ có một người thì người đó phải cư trú ở Việt Nam, trường hợp đi nước ngoài phải uỷ quyền lại. Trong trường hợp uỷ quyền lại thì vẫn phải chịu trách nhiệm do người được uỷ quyền gây ra. Trường hợp có nhiều hơn hai người thì tối thiểu phải có một người ở Việt Nam.
- Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác, hoặc trước đó đã uỷ quyền rồi nhưng hết hạn uỷ quyền thì thực hiện theo các quy định tại khoản 4 và 5 Điều 13 của luật này.
Tuy nhiên điều cần lưu ý là trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thẩm quyền có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại Tòa án mà không nhất thiết phải dựa vào điều lệ công ty quy định.
Với vai trò to lớn và quan trọng như thế nên mỗi việc làm của người đại diện sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự hoạt động của công ty. Để giảm thiểu rủi ro và làm căn cứ xác định trách nhiệm trong việc xử lí thì luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định cụ thể trách nhiệm của họ như sau:
Điều 14. Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
b) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về việc người đại diện đó và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp khác.
2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy có thể nói người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nói chung và của công ty cổ phần nói riêng có vai trò và trách nhiệm vô cùng lớn lao. Đặc biệt riêng đối với công ty cổ phần có đặc thù là công ty theo hướng mở chứ không khép kín như doanh nghiệp tư nhân hay công ty TNHH nên vai trò giám sát và điều phối của họ lại càng nặng nề.
Hy vọng bài viết hữu ích cho các bạn.
Tham khảo thêm các bài viết có liên quan:
- Tại sao nên chọn thành lập công ty cổ phần ?
- Sự khác nhau giữa công ty TNHH và công ty cổ phần ?
- Thủ tục giải thể chi nhánh công ty cổ phần.
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102