Căn cứ pháp lý
- Luật Doanh nghiệp 2014
- Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đăng kí doanh nghiệp.
Nội dung tư vấn
1. Vốn góp là gì?
Theo khoản 13 điều 4 Luật Doanh nghiệp 2015 quy định:
Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.
Bên cạnh đó, khoản 21 điều 4 luật này cũng quy định như sau:
Phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Tỷ lệ phần vốn góp là tỷ lệ giữa phần vốn góp của một thành viên và vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh.
Theo đó, có thể thấy rằng vốn góp là số tài sản mà các thành viên công ty đóng góp để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Số lần góp vốn đó có thể một lần hoặc nhiều lần, miễn là trong thời hạn pháp luật cho phép và đúng như cam kết góp vốn vào công ty và chính là góp vốn điều lệ.
Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thành viên công ty chỉ được góp vốn phần vốn góp cho công ty bằng các tài sản khác với loại tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của đa số thành viên còn lại. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp. Theo Điều 35 Luật doanh nghiệp 2014 thì tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp theo quy định ở trên. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên.
Về thủ tục góp vốn vào công ty, các bạn có thể tham khảo tại đây để có thể có cái nhìn toàn diện nhất về thủ tục góp vốn vào công ty cổ phần nhé.
Cụ thể về thời hạn góp vốn vào công ty của từng loại hình doanh nghiệp: Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, cả công ty Cổ Phần và công ty trách nhiệm hữu hạn đều có thời hạn góp vốn là 90 ngày. Thời hạn góp vốn cụ thể trong thời hạn trên của Doanh nghiệp sẽ được ghi trong điều lệ góp vốn của công ty. Đây là một điểm tiến bộ của Luật Doanh nghiệp 2014 so với luật cũ trước đây. Thay vì quy định thời hạn góp vốn là khác nhau cho từng loại hình công ty như trước đây (Công ty cổ phần là 90 ngày, Công ty trách nhiệm hữu hạn là 36 tháng), Luật doanh nghiệp 2014 đã quy định thống nhất thời hạn thanh toán đủ phần vốn góp của tất cả các loại hình công ty đều là 90 ngày kể từ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Mối liên hệ giữa tỷ lệ sở hữu vốn góp và quyền của các thành viên trong công ty.
Khi làm kinh doanh, chúng ta luôn phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Bên cạnh đó, trong bước khởi đầu start up, ai ai cũng mong muốn tim được một mentor phù hợp, nhưng cá nhân mình vẫn nắm giữ những quyền lợi nhất định trong công ty, hoặc tối thiểu là những quyền phủ quyết, những quyết định mà chúng ta cho rằng nó không phù hợp hoặc thậm chí là gây hại cho sự vận hành của công ty. Việc nắm giữ số phần trăm vốn góp nhất định trong công ty là vấn đề vô cùng quan trọng, có thể nói là tỷ lệ sở hữu vốn góp càng cao thì sẽ càng mang lại lợi thế cho mỗi cá thể trong quyền quản lí công ty. Đây là một nguyên lí cơ bản khi tham gia điều hành quản lí công ty.
Vấn đề này được thể hiện rõ nhất qua các quy định về cuộc họp hội đồng thành viên và cuộc họp hội đồng cổ đông của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lê và công ty cổ phần. Sở dĩ chúng ta quan tâm hai loại hình công ty này mà không quan tâm đến các loại hình công ty khác bởi lẽ, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và doanh nghiệp tư nhân thì chỉ do một cá nhân điều hành và quản lí. Việc đưa ra các quyết định quan trọng cho công ty không đòi hỏi phải có ý kiến biểu quyết của tất cả các thành viên. Còn công ty hợp danh thì là loại hình không thực sự phổ biến ở Việt Nam, hơn nữa còn có tính chất là công ty đối nhân, do đó chúng ta không quan tâm về vấn đề tỷ lệ vốn góp này. Khác với các loại hình công ty trên, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có một đặc điểm chung là số lượng thành viên lớn, vì vậy khi muốn đưa ra môt quyết định có ảnh hưởng nhất định đến quá trình vận hành của công ty, thì nhất thiết cần phải tiến hành cuộc họp giữa các thành viên để lấy ý kiến biểu quyết. Vậy, trong tình huống này, chủ thể nào sẽ là người có quyền?
2.1.Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Theo Luật Doanh nghiệp 2014, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, cuộc họp Hội đồng thành viên sẽ được tiến hành khi có số thành viên dự họp sở hữu ít nhất 65% vốn điều lệ.
Cuộc họp này có thể bàn bạc về những vấn đề khác nhau nhưng tựu chung lại thì có hai loại quyết định:
- Quyết đình thông thường: Đòi hỏi phải được số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành
- Sửa đổi, bổ sung nội dung của Điều lệ công ty
- Quyết định phương hướng phát triển công ty;
- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
- Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;
- Quyết định đặc biệt.: Là những quyết định khiến công ty có sự thay đổi lớn, đòi hỏi phải được số phiếu đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành.
- Bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;
- Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
- Tổ chức lại, giải thể công ty.
2.2.Công ty cổ phần
Theo điều 141 Luật Doanh nghiệp 2015 thì cuộc học hội đồng cổ đông của công ty cổ phần sẽ được tổ chức khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
- Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành (có số cổ đông dự họp đại diện ít hơn 51% tổng số phiếu biểu quyết thì được triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông triệu tập lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 33% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
- Trường hợp cuộc họp triệu tập lần thứ hai có số cổ đông dự họp đại diện ít hơn 33% tổng số phiếu biểu quyết thì được triệu tập họp lần thứ ba trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ hai, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Trường hợp này, cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.
Giống như cuộc họp hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cuộc họp hội đồng cổ đông cũng tiến tới thống nhất hai loại quyết định chính, đó là:
- Quyết định thông thường: Được thông qua khi được số cổ đông đại diện cho ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành.
- Định hướng phát triển công ty;
- Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;
- …
- Quyết định đặc biệt: Nghị quyết về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
- Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;
- Thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh
- Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty;
- Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, hoặc tỷ lệ, giá trị khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định
- Tổ chức lại, giải thể công ty;
- Các vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định.
3.Tỷ lệ sở hữu vốn góp bao nhiêu là an toàn?
Từ những phân tích ở trên, chúng ta hoàn toàn có thể suy luận ngược lại rằng, nếu một người sở hữu tỉ lệ cổ phần trong công ty là 36%, thì sẽ có quyền phủ quyết tất cả các quyết định quan trọng của công ty. Các nhà đầu tư thường chọn tỷ lệ vốn góp là 36%, là mức tỷ lệ an toàn, để bảo toàn quyền quản lí của mình đối với công ty, đặc biệt là đối với công ty còn non trẻ. Điều này đồng nghĩa với việc họ hoàn toàn có quyền phủ quyết tất cả các vấn đề mà họ cho rằng không phù hợp hoặc thậm chí là gây hại đến sự vận hành và phát triển của công ty, để tránh những thiệt hại xảy ra, hay những thất bại không cần thiết trong quá trình hoạt động doanh nghiệp.
Cần lưu ý rằng, theo quy định của pháp luật, những tỉ lệ về vốn góp hay những tỷ lệ về biểu quyết thông qua, có thể được thay đổi dựa trên sự thỏa thuận thông qua điều lệ công ty, Điều này có nghĩa là, khi thành lập công ty mà chủ thể đầu tư có tỷ lệ vốn góp hay thỉ lệ cổ phần thấp, thì họ hoàn toàn có thể tác động để thay đổi tỉ lệ này thông qua điều lệ công ty. Thay vì quy định những quyết định khiến công ty có sự thay đổi lớn, đòi hỏi phải được số phiếu đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành, hay những nghị quyết về nội dung quan trọng được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành,… thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể giảm tỷ lệ này xuống để cá nhân mình có thể nhận được những ưu đãi hơn khi mà công ty vận hành một cách trơn tru.
Hy vọng bài viết hữu ích cho quý độc giả!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ doanh nghiệp tại Việt Nam.
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.