Nếu bạn thử tìm kiếm với từ khóa “Tuyển sale bất động sản” thì chưa đầy 0,6 giây nhận được về hơn 4.500.000 kết quả tìm kiếm của Google, điều đó cho thấy nghề môi giới bất động sản trong những năm gần đầy đang ngày càng hot. Đặc biệt bất động sản luôn biến động gây nên nhiều rủi ro cho người đầu tư kinh doanh cũng như những người có nhu cầu mua bất động sản để phục vụ cuộc sống của họ. Vì vậy dịch vụ môi giới bất động sản phát triển như một “phao cứu sinh” để tháo gỡ những khó khăn này. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ điều kiện cũng như trình tự thủ tục để thành lập công ty kinh doanh môi giới bất động sản như thế nào? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu chi tiết về điều kiện, thủ tục và những lưu ý cần thiết khi muốn thành lập công ty kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản trong bài viết dưới đây nhé!!
Căn cứ pháp lý
- Luật Doanh nghiệp năm 2014;
- Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014;
- Nghị định 78/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 108/2018/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
- Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp;
- Các văn bản pháp luật có liên quan khác.
Nội dung tư vấn
1. Môi giới bất động sản là gì?
Nghề môi giới bất động sản ở Việt Nam ban đầu mang tính tự phát và thường bị hiểu nhầm với nghề cò đất, do đó nghề này chưa được coi trọng. Nếu như cò đất là những người sử dụng các mánh khóe để làm ăn, thì những người môi giới nhà đất lại sử dụng kiến thức chuyên môn về bất động sản, tầm nhìn và khả năng đánh giá thị trường để có thể tư vấn tốt nhất cho khách hàng của mình.
Trước tiên chúng ta cần hiểu bất động sản là những tài sản cố định, không thể di dời được và theo quy định của pháp luật nó chính là nhà, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất. Những bất động sản được đưa vào kinh doanh được cụ thể hóa tại Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, bao gồm: Nhà, công trình xây dựng có sẵn của các tổ chức, cá nhân; Nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai của các tổ chức, cá nhân; Nhà, công trình xây dựng là tài sản công được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đưa vào kinh doanh; Các loại đất được phép chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì được phép kinh doanh quyền sử dụng đất.
Môi giới là hoạt động của người thứ ba với mục đích tạo sự thông cảm, thấu hiểu về các vấn đề liên quan giữa các bên với nhau, hoặc là việc giải quyết những công việc nào đó liên quan giữa hai bên – người môi giới lúc này đóng vai trò là cầu nối. Ngoài ra việc môi giới có thể được xác định như là công việc tạo thu nhập thông qua các thương vụ giữa các bên với nhau. Vì vậy môi giới là công việc với mục đích tạo thu nhập mà đối tượng của nó là các thương vụ được thực hiện giữa hai bên.
Mặt khác theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có giải thích như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Kinh doanh bất động sản là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản; dịch vụ sàn giao dịch bất động sản; dịch vụ tư vấn bất động sản hoặc quản lý bất động sản nhằm mục đích sinh lợi.
2. Môi giới bất động sản là việc làm trung gian cho các bên trong mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.
Như vậy môi giới bất động sản là thực hiện công việc cho những người khác mà đối tượng là những quyền hạn khác nhau liên quan đến bất động sản. Kết quả của những hoạt động này là việc thực hiện những yêu cầu của khách hàng như hợp đồng bán, trao đổi, cho thuê và thuê với sự giúp đỡ của nhà môi giới. Những hoạt động này dẫn đến sự thay đổi ở khía cạnh pháp lí và thực tế của bất động sản. Nhà môi giới thực hiện các công việc để nhận được thù lao cho những thay đổi trên thông qua các thương vụ mà đối tượng của nó là các quyền đối với bất động sản. Môi giới bất động sản đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế hiện nay không chỉ với người tiêu dùng mà còn đối với nhà đầu tư.
2. Điều kiện thành lập công ty môi giới bất động sản
Khi muốn thành lập công ty môi giới bất động sản thì các tổ chức, cá nhân phải thỏa mãn các điều kiện nhất định tại Điều 62 Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
Điều 62. Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp và phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Cá nhân có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập nhưng phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản không được đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản.
Theo đó cá nhân, tổ chức phải thành lập doanh nghiệp và trong đó phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ hành nghề chuyên môn. Điều này xuất phát từ tính chất của ngành dịch vụ môi giới đó là cần bảo đảm cho khách hàng về sự chuyên nghiệp, thích hợp với những lượng thông tin, kiến thức nhất định và phải hoạt động dựa trên những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp. Chính vì vậy không phải ai cũng hội đủ tiêu chuẩn để thực hiện dịch vụ này. Pháp luật cũng có quy định về điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản tại Khoản 1 Điều 68 Luật kinh doanh bất động sản 2014 như sau:
Điều 68. Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản
1. Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên;
c) Đã qua sát hạch về kiến thức môi giới bất động sản.
Hồ sơ cấp chứng chỉ:
Theo quy định tại Điều 15 Thông tư 11/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng thì người dự thi sát hạch đạt điểm thi theo quy định tại Điều 12 và có đủ hồ sơ theo quy định của Điều 10 của thông tư này thì được cấp chứng chỉ. Hồ sơ được quy định tại Điều 10 gồm các thành phần sau:
- 01 Đơn đăng ký dự thi có dán ảnh mầu cỡ 4x6cm chụp trong thời gian 06 tháng tính đến ngày đăng ký dự thi (theo mẫu tại Phụ lục 1 của Thông tư này);
- 01 Bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân đối với người Việt Nam hoặc hộ chiếu đối với người nước ngoài (hoặc bản sao có bản chính để đối chiếu);
- 01 Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học về đào tạo bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản (nếu có);
- Bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp từ Trung học phổ thông (hoặc tương đương) trở lên;
- 02 ảnh mầu cỡ 4x6cm chụp trong thời gian 06 tháng tính đến ngày đăng ký dự thi, 02 phong bì có dán tem ghi rõ họ tên, số điện thoại, địa chỉ người nhận;
- Bản sao và bản dịch có chứng thực chứng chỉ do nước ngoài cấp (đối với người nước ngoài và người Việt Nam có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản do nước ngoài cấp đang còn giá trị).
Trình tự cấp chứng chỉ hành nghề môi giới phải tuân thủ theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư 11/2015/TT-BXD như sau:
Bước 1: Chủ tịch Hội đồng thi báo cáo Giám đốc Sở Xây dựng về quá trình tổ chức kỳ thi và phê duyệt kết quả thi theo đề nghị của đơn vị tổ chức kỳ thi;
Bước 2: Trên cơ sở báo cáo của Chủ tịch hội đồng thi và kết quả thi do Chủ tịch Hội đồng thi phê duyệt, Giám đốc Sở Xây dựng phê duyệt danh sách các cá nhân được cấp chứng chỉ.
Bước 3: Căn cứ quyết định phê duyệt danh sách các cá nhân được cấp chứng chỉ, đơn vị tổ chức kỳ thi sát hạch có trách nhiệm chuyển bản phô tô bài thi và hồ sơ của các cá nhân đó về Sở Xây dựng để cấp chứng chỉ.
3. Trình tự thành lập công ty môi giới bất động sản
Việc thành lập công ty môi giới bất động sản được hiểu là thành lập doanh nghiệp có kinh doanh ngành nghề môi giới bất động sản. Theo đó thủ tục thực hiện như thành lập công ty tùy thuộc vào từng loại hình công ty cụ thể như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty môi giới bất động sản
Hồ sơ bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
- Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản theo quy định;
- Dự thảo điều lệ công ty môi giới bất động sản theo quy định;
- Tùy theo loại hình doanh nghiệp muốn thành lập, chuẩn bị các giấy tờ sau đây: Nếu thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên thì chuẩn bị: Danh sách thành viên sáng lập. Nếu thành lập công ty cổ phần thì chuẩn bị: Danh sách cổ đông sáng lập;
- Hồ sơ pháp lý của cá nhân, tổ chức góp vốn;
- Doanh nghiệp thực hiện góp vốn theo quy định pháp luật, và chuẩn bị hồ sơ thành viên góp vốn như sau: Trường hợp thành viên góp vốn là cá nhân, chuẩn bị: Giấy CMND hoặc hộ chiếu. Trường hợp thành viên góp vốn là tổ chức, chuẩn bị:Quyết định thành lập công ty của tổ chức kinh tế, Quyết định cử người quản lý, đại diện góp vốn của tổ chức kinh tế, Giấy đăng ký kinh doanh (bản sao), Giấy CMND của người quản lý vốn góp (bản sao).
Lưu ý: cá nhân, tổ chức tham gia góp vốn là người nước ngoài thì toàn bộ giấy tờ, hồ sơ liên quan phải được dịch sang tiếng Việt và công chứng theo quy định.
- Biên bản họp về việc cử người đại diện trước pháp luật;
- Hợp đồng lao động của công ty với người lao động (nếu có);
- Hợp đồng thuê mặt bằng để đặt trụ sở chính công ty (nếu có);
- Và một số văn bản khác theo yêu cầu.
Bước 2: Nộp hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền
Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/ thành phố trực thuộc TW nơi công ty đặt trụ sở chính.
Bước 3: Xem xét, giải quyết hồ sơ
Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ thông báo yêu cầu bổ sung, sửa đổi trong thời hạn nhất định. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 4: Nhận kết quả
Nhận kết quả theo giấy hẹn.
4. Những lưu ý sau khi có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Các chủ thể cần lưu ý các thủ tục cần thực hiện sau khi có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm:
- Hoàn tất thủ tục khắc dấu tròn công ty và thông báo mẫu dấu lên cổng thông tin quốc gia;
- Treo bảng hiệu công ty tại trụ sở chính của doanh nghiệp;
- Hoàn tất thủ tục khai thuế ban đầu tại chi cục thuế nơi công ty đặt trụ sở chính;
- Đặt (Chữ ký số) khai thuế qua mạng;
- Mở tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp;
- Đóng thuế môn bài cho doanh nghiệp;
- Hoàn tất thủ tục xin đặt in hóa đơn, đặt in hóa đơn, phát hành hóa đơn GTGT.
Như vậy khi bạn muốn hành nghề môi giới bất động sản cần phải đáp ứng điều kiện nhất định. Trong quá trình thực hiện thành lập công ty thực hiện kinh doanh ngành nghề môi giới bất động sản cần tuân theo trình tự trên để đảm bảo quá trình đăng ký nhanh chóng, tiết kiệm thời gian.
Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn đọc!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư doanh nghiệp tại Việt Nam.
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102