So sánh các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam

bởi Vudinhha
So sánh các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam

Bạn muốn phát triển, mở rộng kinh doanh nhưng lại không biết nên lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào? Có ý kiến cho rằng công ty cổ phần là tốt nhất vì huy động vốn dễ dàng nhất, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên lựa chọn công ty trách nhiệm hữu hạn vì độ rủi ro thấp hơn hay thậm chí nên chọn doanh nghiệp tư nhân vì mình được toàn quyền tự quyết định mọi việc và không phụ thuộc vào ai,… Vậy đâu mới là lựa chọn tốt nhất? Trong bài viết dưới đây Luật sư X sẽ giúp các bạn hiểu về đặc điểm cũng như ưu nhược điểm của từng loại hình doanh nghiệp thông qua chủ đề so sánh các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Doanh nghiệp năm 2014;
  • Bộ luật Dân sự năm 2015;
  • Nghị định số 78/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 108/2018/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
  • Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp;
  • Các văn bản hướng dẫn có liên quan khác. 

Nội dung tư vấn

1. Khái quát về các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì hiện tại Việt Nam có các loại hình doanh nghiệp chủ yếu sau đây:

Trên đây là các loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Việt Nam. Ngoài ra khi thực hiện hoạt động kinh doanh nhiều cá nhân không đủ điều kiện về vốn hay thành viên để mở công ty mình mong muốn thì có thể lựa chọn loại hình hộ kinh doanh. Tuy nhiên hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp mà nó chỉ là hình thức kinh doanh ở quy mô nhỏ nhưng lại đóng vai trò khá quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và tạo thu nhập không nhỏ cho người lao động. Trong phạm vi bài viết dưới đây chúng ta sẽ tập trung so sánh 4 loại hình doanh nghiệp chính là doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và công ty cổ phần.

Thứ nhất, doanh nghiệp tư nhân: là doanh nghiệp do 1 cá nhân làm chủ sở hữu và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghệp, mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là thành viên hợp danh của công ty hợp danh và chủ hộ kinh doanh. Doanh nghiệp này không có tư cách pháp nhân và không được phép phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Thứ hai, công ty hợp danh: là doanh nghiệp mà trong đó phải có ít nhất 2 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một cái tên chung và các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ và nghĩa vụ của công ty. Ngoài thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn và các thành viên này chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Khác với doanh nghiệp tư nhân thì công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân nhưng không được phép phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Thứ ba, công ty trách nhiệm hữu hạn: công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do 1 tổ chức hoặc 1 cá nhân làm chủ sở hữu và chủ sở hữu được toàn quyền quyết định các vấn đề của công ty. Còn công ty trách nhiệm hữu hạn hai 2 thành viên trở lên là doanh nghiệp trong đó thành viên có thể là cá nhân hoặc tổ chức, tối thiểu là 2 thành viên và tối đa là 50 thành viên. Dù là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hay hai thành viên trở lên thì cả hai loại hình công ty này đều có tư cách pháp nhân, tuy nhiên chỉ được phát hành trái phiếu mà không được phát hành cổ phiếu.

Thứ tư, công ty cổ phần: là doanh nghiệp trong đó vốn điều lệ được chia thành các phần bằng nhau được gọi là cổ phần, người sở hữu cổ phần gọi là cổ đông, số lượng cổ đông tối thiểu là 03 cổ đông. Công ty có tư cách pháp nhân và được quyền phát hành cả trái phiếu lẫn cổ phiếu. 

2. So sánh giữa các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những đặc trưng riêng và tạo nên lợi thế cho chủ thể lựa chọn nó, cụ thể như sau:

Về thành viên

  • Doanh nghiệp tư nhân: do một cá nhân làm chủ và chỉ được thành lập 1 doanh nghiệp tư nhân.
  • Công ty hợp danh: ít nhất 02 thành viên hợp danh là cá nhân, có thể có thêm thành viên góp vốn và thành viên góp vốn có thể là cá nhân hoặc tổ chức.
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: có thể là tổ chức hoặc cá nhân
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên: có thể là tổ chức hoặc cá nhân, số lượng thành viên tối thiểu là 02 và tối đa là 50 thành viên.
  • Công ty cổ phần: Ít nhất là 3 cổ đông và không hạn số lượng tối đa. Cổ đông có thể là tổ chức hoặc cá nhân.

Chế độ chịu trách nhiệm của thành viên

  • Doanh nghiệp tư nhân: Chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
  • Công ty hợp danh: mỗi loại thành viên sẽ chịu trách nhiệm khác nhau, thành viên hợp danh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Còn thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp.
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn thành viên: chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn điều lệ.
  • Công ty cổ phần: chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

Tư cách pháp nhân

  • Doanh nghiệp tư nhân: không có tư cách pháp nhân
  • Các loại hình doanh nghiệp còn lại đều có tư cách pháp nhân. 

Lưu ý: Khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tư cách pháp nhân như sau:

Điều 74. Pháp nhân

1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Huy động vốn

  • Doanh nghiệp tư nhân và Công ty hợp danh: không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn: được phép phát hành trái phiếu
  • Công ty cổ phần: được phát hành cả cổ phiếu và trái phiếu để huy động vốn.

Lưu ý:

  • Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.
  • Trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định và với một lợi tức quy định. Người phát hành có thể là doanh nghiệp (trái phiếu trong trường hợp này được gọi là trái phiếu doanh nghiệp), một tổ chức chính quyền như Kho bạc nhà nước (trong trường hợp này gọi là trái phiếu kho bạc), chính quyền (trong trường hợp này gọi là công trái hoặc trái phiếu chính phủ). Người mua trái phiếu, hay trái chủ, có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp hoặc chính phủ.

Chuyển nhượng vốn

  • Doanh nghiệp tư nhân: có quyền bán hoặc cho thuê doanh nghiệp tư nhân
  • Công ty hợp danh: Thành viên hợp danh không được quyền chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại. Còn thành viên góp vốn được quyền chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác.
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn: ưu tiên chuyển nhượng nội bộ nếu nội bộ không mua hết mới được phép chuyển nhượng sang bên ngoài cụ thể: Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện và chỉ được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán.
  • Công ty cổ phần: Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

Tăng giảm vốn

  • Doanh nghiệp tư nhân: được quyền tăng giảm vốn. Nếu giảm vốn xuống dưới mức vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp chỉ được giảm sau khi đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.
  • Công ty hợp danh: thực hiện bằng cách tăng giảm thành viên
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác; Được quyền tăng vốn từ chủ sở hữu đầu tư thêm hoặc huy động thêm thành viên mới.
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên: Được quyền tăng giảm vốn và phải thông báo trong vòng 10 ngày kể từ ngày hoàn thành.
  • Công ty cổ phần: Tăng vốn bằng cách tăng số lượng cổ phần được quyền chào bán. Giảm bằng cách công ty mua lại cổ phần và làm thủ tục điều chỉnh trong vòng 10 ngày kể từ ngày haofn thành việc mua lại cổ phần.

Xử lý góp vốn không đúng hạn

  • Doanh nghiệp tư nhân: chủ doanh nghiệp có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư
  • Công ty hợp danh: Thành viên hợp danh không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty. Trường hợp có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định thì chủ sở hữu công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trongthời gian trước khi công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ.
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên: Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty; Thành viên chưa góp vốn đủ phần vốn góp như đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp; Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên. Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp theo khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên.
  • Công ty cổ phần: Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giásố cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi CDDSL trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán.

Cơ cấu tổ chức quản lý

  • Công ty hợp danh:  Hội đồng thành viên, Chủ tịch hội đồng thành viên đồng thời kiêm nhiệm giám đốc và tổng giám đốc
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu có thể được tổ chức theo một trong hai mô hình sau: Hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc và Ban kiểm soát. hoặc Chủ tịch công ty, giám đốc hoặc tổng giám đốc và Ban kiểm soát
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có chủ sở hữu là cá nhân được tổ chức theo mô hình sau: Chủ tịch công ty, giám đốc hoặc tổng giám đốc. Theo đó thì chủ tịch công ty có thể kiêm nhiệm giám đốc hoặc tổng giám đốc, hoặc thuê người làm giám đốc hoặc tổng giám đốc.
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên được tổ chức theo mô hình sau: Hội đồng thành viên, Chủ tịch hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc tổng giám đốc, Ban kiểm soát (Đối với công ty có từ 11 thành viên trở lên). Đối với công ty có ít hơn 11 thành viên thì không yêu cầu có Ban kiểm soát.
  • Công ty cổ phần: có hai dạng mô hình sau: Có Ban kiểm soát: Bao gồm Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc tổng giám đốc và Ban kiểm soát.
    • Mô hình không có ban kiểm soát:
      • Bao gồm Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc, có ít hơn 11 thành viên và là tổ chức nắm ít hơn 50% cổ phần.
      • Bao gồm Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và ít nhất 20% thành viên hội đồng quản trị là thành viên độc lập.

Trên đây là những đặc điểm cũng như sự khác nhau của mỗi loại hình doanh nghiệp, chính điều này đã tạo nên những lợi thế cũng như hạn chế của từng loại hình, làm căn cứ để chủ thể có thể so dễ dàng so sánh, đối chiếu để lựa chọn loại hình doanh nghiệp cho phù hợp với nhu cầu và mong muốn kinh doanh của mình.

3. Ưu điểm và nhược điểm của các loại hình doanh nghiệp

Doanh nghiệp tư nhân là gì

Ưu điểm:

  • Do là chủ sở hữu duy nhất của công ty nên Doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn chủ động trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty.
  • Chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ Doanh nghiệp tư nhân tạo sự tin tưởng cho đối tác, khách hàng và giúp cho công ty ít chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi pháp luật như các loại hình công ty khác.
  • Thủ tục thành lập công ty đơn giản.
  • Tự do sử dụng lợi nhuận sau thuế.
  • Chủ doanh nghiệp đóng thuế thu nhập cá nhân ngay trên thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nhược điểm:

  • Do không có tư cách pháp nhân nên mức độ rủi ro của chủ công ty tư nhân cao.
  • Do phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng cả tài sản của mình nên dù doanh nghiệp phá sản thì chủ doanh nghiệp vẫn phải trả các khoản nợ bằng toàn bộ tài sản cá nhân của mình.

So sánh doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể:

So sánh doanh nghiệp tư nhân với Công ty TNHH 1 thành viên

Công ty hợp danh là gì?

Ưu điểm:

  • Công ty hợp danh đặc trung cho công ty đối nhân, là kết hợp được uy tín cá nhân của nhiều người. Do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh mà công ty hợp danh dễ dàng tạo được sự tin cậy của các bạn hàng, đối tác kinh doanh.
  • Việc điều hành quản lý công ty hợp danh không quá phức tạp do số lượng các thành viên ít và là những người có uy tín, tuyệt đối tin tưởng nhau.

Nhược điểm:

  • Do phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty nên đối với các thành viên hợp danh của công ty có rủi ro hơn khi kinh doanh.
  • Công ty không được phát hành cổ phiếu để huy động vốn.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là gì?

Ưu điểm:

  • Chỉ phải chịu trách nhiệm đối với các hoạt động của công ty trong phạm vi vốn góp của mình
  • Điều hành và quản lý công ty cũng không phức tạp vì chủ sở hữu được toàn quyền quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty
  • Rất dễ dàng khi thực hiện việc chuyển nhượng công ty.

Nhược điểm:

  • Vì chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm trong quá trình kinh doanh trong phạm vi số vốn cam kết góp vào công ty nên có ít sự tin tưởng từ các đối tác muốn liên kết, hợp tác.
  • Bị hạn chế việc huy động vốn do công ty không có quyền phát hành cổ phiếu. Khi muốn tăng hoặc giảm vốn điều lệ bằng cách chuyển nhượng vốn góp cho người khác hoặc tiếp nhận phần vốn của thành viên mới thì phải chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên.

https://www.youtube.com/watch?v=ipLp1xYzBtg

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là gì?

Ưu điểm:

  • Thủ tục thành lập đơn giản hơn các loại hình công ty khác;
  • Chủ doanh nghiệp có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
  • Chỉ trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty nên ít gây rủi ro cho người góp vốn;
  • Chế độ chuyển nhượng vốn được điều chỉnh chặt chẽ nên nhà đầu tư dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi các thành viên, hạn chế sự thâm nhập của người lạ vào công ty.

Nhược điểm:

  • Việc huy động vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn bị hạn chế do không có quyền phát hành cổ phiếu;
  • Chịu sự điều chỉnh chặt chẽ hơn của pháp luật hơn các loại hình công ty khác;
  • Do thực hiện theo chế độ hữu hạn nên uy tín bị ảnh hưởng trước đối tác, khách hàng nhưng không quá đáng kể.

Công ty cổ phần là gì

Ưu điểm:

  • Ít rủi ro cho cổ đông trong công ty khi hoạt động vì cổ đông chỉ chịu trách nhiệm khi có phát sinh trong phạm vi số vốn góp vào công ty
  • Công ty có quyền phát hành cổ phiếu, trái phiếu công ty và đưa lên Sàn giao dịch chứng khoán, có thể chuyển nhượng vốn cho cổ đông trong và ngoài công ty, số lượng cổ đông trong công ty là không giới hạn, chính vì vậy có thể xem công ty cổ phần là loại hình có khả năng huy động vốn cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp.
  • Cổ đông có thể dễ dàng, tự do chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế cổ phần cổ đông thông qua việc bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Nhược điểm:

  • Do cổ đông chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn nên việc cộng tác sẽ bị hạn chế về sự tin tưởng
  • Do không hạn chế cổ đông do đó dễ có sự phân hóa các nhóm cổ đông đối kháng nhau về mặt lợi ích nên việc quản lý, điều hành công ty sẽ phức tạp hơn.
  • Việc thành lập công ty cổ phần cũng phức tạp hơn các loại hình công ty khác do bị ràng buộc về chế độ tài chính, kế toán.
  • Sẽ khó khăn hơn khi đưa ra một quyết định nào đó dù là về quản lý doanh nghiệp hay kinh doanh do phải thông qua Hội Đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông… Vậy nên rất dễ bỏ qua những cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.
  • Chủ sở hữu (thường và đa số) không trực tiếp tham gia vào hoạt động hàng ngày của công ty đồng thời, loại hình công ty cổ phần cũng có nguy cơ dễ bị người khác, công ty khác thôn tính.

Trên đây là sự so sánh giữa các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam, qua sự khác nhau cũng như ưu nhược điểm của từng loại hình sẽ giúp chủ thể kinh doanh mong muốn thành lập doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan và từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp với nhu cầu kinh doanh cũng như các mong muốn khác. Đếm đây chắc hẳn các bạn đã có thể có lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp nhất với chính mình.

Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn đọc!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm