Tự ý bán data của khách hàng có vi phạm pháp luật không?

bởi

Nhập từ khóa “data khách hàng”, chỉ trong vòng 0.45 giây đã cho ra khoảng 39.900.000 kết quả. Tương tự như vậy, chỉ trong vòng khoảng 0.48 giây, đã xuất hiện khoảng 18.100.000 kết quả về danh sách khách hàng tiềm năng tại Hà Nội. Có thể thấy, data của khách hàng được công khai mua bán ngày càng tràn lan trên các phương tiện truyền thông đại chúng, điều này mang lại không ít phiền toái cho nhiều người. Vậy, bán data của khách hàng là gì? Việc tự ý bán data của khách hàngvi phạm pháp luật không? Trong khuôn khổ bài viết dưới đây, hãy cùng Luật sư X tìm hiểu nhé. 

Căn cứ:

  • Hiến pháp 2013
  • Luật An toàn thông tin mạng 2015
  • Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017
  • Bộ luật dân sự 2015
  • Nghị định 185/2013/NĐ-CP.
  • Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Nội dung tư vấn 

1.Hành vi tự ý bán data của khách hàng là gì? 

Bạn đã bao giờ phải liên tục tiếp nhận các các tin nhắn rác chào mời mua bảo hiểm, mua nhà, trúng thưởng xe,mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, ô tô khi đang gấp rút chuẩn bị một cuộc họp quan trọng tại công ty? Bạn đã bao giờ bị “khủng bố” email khi liên tiếp nhận được các thông tin về danh sách may mắn trúng thưởng siêu xe, trong đó bạn là một trong những nhân tố may mắn nhất? Hay ngay cả những cô cậu sinh viên mới chân ướt chân ráo bước vào cánh cổng trường đại học, đã choáng ngợp bởi những cuộc điện thoại mời chào đến với trung tâm luyện thi tiếng anh giá rẻ mà đảm bảo đầu ra nhất Hà Nội? Đó chính là khi mà data, tức thông tin cá nhân của bạn đã không may bị rao bán cho các tổ chức trên với số tiền tương xứng. Mức giá của những danh sách này dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, tùy theo loại dữ liệu, số lượng thông tin mà người mua yêu cầu (số lượng khách hàng, mức độ cập nhật, tầm quan trọng của thông tin). Không chỉ mua với giá “hữu nghị”, nhiều người còn được khuyến mãi nếu mua nhiều với các gói danh sách đã được lọc theo ngành nghề, vùng miền, khu vực…Điều nguy hiểm ở chỗ, những thông tin này khi vào tay đối tượng xấu có thể bị lợi dụng để làm giả thẻ tín dụng ngân hàng, làm giả tài khoản… để chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Việc bạn bị lộ số điện thoại của bạn cho các trung tâm gia sư, nhà đất, chăm sóc sắc đẹp… có thể là do thông tin cá nhân mà ít ai để ý đó là khi đi mua sắm, khách hàng cung cấp số điện thoại để tiện giao dịch, nhận khuyến mãi trong các cửa hàng hoặc trên mạng xã hội hay khi tham gia các đợt điều tra xã hội học… Hoặc cũng có thể do các đường dây rao bán thông tin cá nhân về tên, tuổi, số điện thoại di động, fax, email…Những trường hợp này xảy ra thường xuyên và có vẻ quá đỗi bình thường đối với mỗi người, tuy nhiên ít người có thể lường trước được những mối nguy hại mà nó gây ra cho chính bản thân mình và cả gia đình mình.

2. Hành vi tự ý bán data của khách hàng có vi phạm pháp luật không?

Hành vi vi phạm quy định của Bộ luật dân sự 2015

Thứ nhất, tại điều 38 Bộ luật dân sự 2015 có quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau: 

Điều 38: Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Quyền riêng tư là quyền của cá nhân được tự quyết đối với đời sống của mình mà không chịu bất kì sự can thiệp nào từ những người xung quan khác. Với quyền này, các cá nhân được sống như mong muốn mà không chịu ảnh hưởng, tác động bởi bất kì chủ thể nào khác. Bí mật cá nhân, bí mật gia đình là những thông tin tư liệu mà cá nhân không muốn công khai, bộc bạch, được giữ kín bằng các biện pháp thông thường hoặc biện pháp kĩ thuật khác nhau. 

Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được cá nhân đó đồng ý. Quy định này hoàn toàn phù hợp với mọi cá nhân trong đời sống, xã hội, được thể hiện bằng sự tôn trọng của pháp luật đối với đời sống riêng tư của cá nhân. 

Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên của gia đình đồng ý. Đây là một quy định mới được bổ sung trong Bộ luật dân sự 2015, bởi vì có những thông tin không phải là bí mật riêng tư hoặc thuộc đời sống riêng tư của riêng một cá nhân mà của chung các thành viên trong cùng gia đình.

Trong quá trình giao kết hợp đồng, có thể các bên trong hợp đồng biết được về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của đối tác. Theo quy định của điều luật, cấm các bên không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, đặc biệt là những hợp đồng liên quan đến dịch vụ khám chữa bệnh, thẩm mĩ, tư vấn pháp lí, … là những dịch vụ mang tính nhạy cảm, bản thân người sử dụng dịch vụ có thể phải cung cấp thông tin về đời sống riêng tư của mình. Điều luật này thể hiện sự chú trọng,  quan tâm của nhà nước ta tới quyền nhân thân của mỗi cá nhân. Các quyền nhân thân của cá nhân ngày càng được mở rộng và bảo vệ chặt chẽ. 

Thứ hai, theo điều 387 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thông tin trong giao kết hợp đồng như sau: 

2. Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác.

Thông tin bên đề nghị cung cấp cho bên được đề nghị có thể là thông tin đã được công khai hóa hoặc có thể là những thông tin bí mật không thể tiết lộ. Trong số đó, số điện thoại riêng, số máy bàn gia đình, địa chỉ nhà, … không thể được coi là những thông tin ai cũng có thể tùy tiện công khai. Điều luật quy định mộ bên nhận được thông tin của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng phải có trách nhiệm bảo mật và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích cá nhân của mình hoặc cho các mục đích trái pháp luật khác. Trường hợp này, mặc dù hợp đồng chưa được giao kết nhưng bên được đề nghị vẫn phải bảo mật thông tin bởi lẽ tiết lộ có thể ảnh hưởng tới lợi ích của bên đề nghị hoặc bên thứ ba

Từ những phân tích trên, có thể thấy, hành vi rao bán data của khách hàng, chính là việc cung cấp thông tin riêng tư của khách hàng, những thông tin mà khách hàng muốn giữ kín và không muốn công khai. Việc lợi dụng các giao dịch dân sự như mua bán quấn áo (xin số điện thoại để làm thẻ khách hàng thân thiện), mua bán nhà đất (xin thông tin về số điện thoại, đại chỉ, nhân thân), hồ sở khám bệnh (lịch sử bệnh lí mà nạn nhân muốn giấu) để thu thập thông tin  khách hàng và rao bán chúng với mục đích thương mại, đã vi phạm nghiêm trọng quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, cũng như quyền được bảo mật thông tin trong giao kết hợp đồng

Hành vi vi phạm quy định của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Điều 288 Bộ luật hình sự 2015 có quy định như sau:

Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

Tội này có cấu thành tội phạm như sau: 

  • Chủ thể: Chủ thể của tội là chủ thể thường – bất kỳ cá nhân nào khi có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định
  • Khách thể: xâm phạm đến sự an toàn của hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông.
  • Mặt khách quan:
    • Hành vi phạm tội được thể hiện ở một trong các dạng sau:
      • Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet (gọi chung là mạng) những thông tin trái pháp luật,những thông tin vi phạm các điều cấm của pháp luật (như thông tin bôi xấu danh dự, nhân phẩm của người khác, các thông tin phản khoa học gây hoang mang và bức xúc trong dư luận…), hoặc vi phạm các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mĩ tục của dân tộc.
      • Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó. Đây là quyền của cá nhân, tổ chức trong việc định đoạt các thông tin về bí mật đời tư của cá nhân, các thông tin riêng của tổ chức mà họ là chủ sở hữu các thông tin đó. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng đây là những thông tin riêng hợp pháp thì chủ sở hữu của những thông tin đó mới được pháp luật bảo vệ.
      • Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
    • Hậu quả: Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc đối với tội này.  Khi chủ thể thực hiện các hành vi nêu trên và dẫn đến hậu quả là gây thiệt hại nghiêm trọng, thiệt hại về vật chất có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, có cân nhắc đến các thiệt hại phi vật chất như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện các chính sách, đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của hoạt động các cơ quan, tổ chức, thì mới cấu thành tội phạm.
  • Mặt chủ quan: Chủ thể thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Tức người thực hiện hành vi phạm tội đã ý thức được rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy được trước hậu quả do hành vi của mình gây ra và mong muốn hậu quả xảy ra. Thực tế cho thấy, chưa từng có một chủ thể nào thực hiện hành vi đưa hoặc rao bán thông tin  cá nhân của người khác tràn lan trên mạng xã hội lại không ý thức được hậu quả là sự phiền toái mà người đó phải gánh chịu cả. Thậm chí người đưa tin còn lường trước được cả những hiểm họa mà người bị lộ thông tin  cá nhân chưa từng hình dung tới. 

Như vậy, nếu việc rao bán thông tin khách hàng dẫn dến những hậu quả nghiêm trọng cả về chất và cả phi vật chất như đã nên trên, thì chủ thể thực hiện hành vi hoàn toàn có thể bị xử lí hình sự với tội danh đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Hành vi vi pham quy định của Luật an toàn thông tin mạng 2015.

Điều 7 Luật an toàn thông tin mạng 2015  quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

1. Ngăn chặn việc truyền tải thông tin trên mạng, can thiệp, truy nhập, gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép và làm sai lệch thông tin trên mạng trái pháp luật.

2. Gây ảnh hưởng, cản trở trái pháp luật tới hoạt động bình thường của hệ thống thông tin hoặc tới khả năng truy nhập hệ thống thông tin của người sử dụng.

3. Tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an toàn thông tin mạng của hệ thống thông tin; tấn công, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống thông tin.

4. Phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo.

5. Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân.

6. Xâm nhập trái pháp luật bí mật mật mã và thông tin đã mã hóa hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tiết lộ thông tin về sản phẩm mật mã dân sự, thông tin về khách hàng sử dụng hợp pháp sản phẩm mật mã dân sự; sử dụng, kinh doanh các sản phẩm mật mã dân sự không rõ nguồn gốc.

Như vậy việc phát tán trái pháp luật thông tin cá nhân của người khách cũng là một hành vi bị nghiêm cấm.

Điều 8, Luật An toàn thông tin mạng quy định, người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 

3.Hành vi tự ý bán data của khách hàng bị xử lí như thế nào? 

Tùy từng mức độ nghiêm trọng của hành vi mà chủ thể thực hiện có thể bị áp dụng mức xử phạt thích đáng. 

  • Trước hết, nếu hậu quả gây ra chưa thực sự nghiêm trọng, cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức thực hiện việc tự ý bán dât của khách hàng. 
    • Theo Điều 65 Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng và buộc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm có chứa đựng thông tin của người tiêu dùng.
    • Theo Điểm a khoản 5 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì người nào có hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng.
  • Tuy nhiên, nếu hậu quả do hành vi tự ý bán data của khách hàng để lại thực sự nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nặng nề và nghiêm trọng tới đời sống của cá nhân người bị hại thì chủ thể thực hiện hành vi sẽ phải gánh chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo quy định tại điều 288 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì mức phạt dao động từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng. Thậm chí, người phạm tội có thể bị  phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm để trả giá cho hành vì của mình.

Hi vọng bài viết sẽ có ích với các bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm