Thú chơi cây cảnh là một thú vui phù hợp cho nhiều tầng lớp trong xã hội nên thu hút được khá đông người chơi và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chính vì vậy, mở một công ty mua bán cây cảnh là một lựa chọn hợp lý cho những người đam mê cây cảnh. Bài viết dưới đây của luật sư X sẽ cung cấp cho bạn về thủ tục thành lập công ty mua bán cây cảnh.
Căn cứ:
- Luật doanh nghiệp 2014;
- Nghị định số 78/2015/NĐ-CP;
- Nghị định số 50/2016/NĐ-CP;
- Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
Nội dung tư vấn:
1. Những điều cần biết trước khi thành lập công ty mua bán cây cảnh:
Dù là thực hiện bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào dù có điều kiện hay không có điều kiện thì bạn cũng cần phải cân nhắc các lưu ý mà Luật sư X rút ra dưới đây để có thể tiến hành thủ tục thành lập công ty mua bán cây cảnh, cụ thể:
Vốn điều lệ bao nhiêu là cần thiết?
Không chỉ ngành nghề mua bán cây cảnh mà bất kỳ ngành nghề nào khác khi muốn thành lập doanh nghiệp thì vốn điều lệ là một trong những điều kiện tiên quyết mà bạn cần phải quan tâm. Vốn điều lệ được hiểu đơn giản là một khoản vốn góp bằng tài sản của các thành viên hay cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một khoảng thời gian vào tài sản của công ty, và được ghi nhận tại điều lệ công ty. Pháp luật doanh nghiệp hiện hành không yêu cầu mức tối thiểu hay mức tối đa của vốn điều lệ cũng như mức vốn điều lệ tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp nên bạn có thỏa mái lựa chọn mức vốn điều lệ mà bạn có khả năng. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì chính phủ có yêu cầu mức vốn điều lệ tối thiểu nhưng đối với ngành nghề mua bán cây cảnh không phải là ngành nghề có điều kiện yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu nên bạn có thể tùy ý lựa chọn số vốn điều lệ doanh nghiệp. Ngoài ra, nếu trong quá trình hoạt động kinh doanh bạn cũng có thể thực hiện thủ tục tăng hoặc giảm vốn điều lệ của doanh nghiệp nên khi đăng ký vốn điều lệ ban đầu của doanh nghiệp với cơ quan có thẩm quyền bạn nên cân nhắc khai một số vốn “vừa phải” với mình để trách rắc rối sau này.
Loại hình doanh nghiệp cần lựa chọn
Pháp luật hiện hành quy định có 5 loại hình doanh nghiệp mà bạn có thể lựa chọn cho doanh nghiệp của mình khi thực hiệ đăng ký kinh doanh: công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh. Để bạn có thể lựa chọn loại hình doanh nghiệp một cách dễ dàng thì Luật sư X sẽ nêu khái quát đặc điểm của các loại hình doanh nghiệp trên:
- Công ty TNHH 1 thành viên được thành lập bởi chủ sở hữu là một cá nhân hoặc một tổ chức và chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm hữu hạn đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty. Tức là, nếu là bạn lựa chọn thành lập công ty TNHH 1 thành viên thì bạn sẽ là chủ sở hữu duy nhất của công ty và bạn sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm với các khoản nợ hoặc nghĩa vụ tài sản công ty trong phạm vi số vốn điều lệ mà bạn kê khai với cơ quan nhà nước. Ngoài ra, trong quá trình kinh doanh công ty TNHH 1 thành viên còn có thể chuyển đổi sang loại hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.
- Công ty TNHH 2 thành viên trở lên được thành lập bởi tối thiểu là 2 thành viên và tối đa là 50 thành viên. Như vậy, bạn phải kết hợp với một người hoặc tổ chức nữa thì mới có thể được thành lập loại hình công ty này và cũng giống như công ty TNHH 1 thành viên bạn cũng sẽ chỉ chịu trách nhiệm với các khoản nợ hoặc nghĩa vụ tài sản công ty trong phạm vi số vốn mà bạn đã góp.
- Công ty cổ phần được thành lập bởi tối thiểu 3 cổ đông sáng lập và không hạn chế số lượng cổ đông. Và cũng giống như hai loại hình trên, bạn cũng chỉ phải chịu chịu trách nhiệm với các khoản nợ hoặc nghĩa vụ tài sản công ty trong phạm vi số vốn mà bạn đã góp. Ngoài ra, công ty cổ phần cũng có một đặc điểm khác với những loại hình công ty trên là có thể chào bán, phát hành cổ phiếu hay cụm từ mà chúng ta phải hay gọi là “lên sàn” chứng khoán. Đặc điểm này cũng giúp cho loại hình công ty này dễ dàng thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư.
- Doanh nghiệp tư nhân được thành lập bởi một cá nhân. Như vậy công ty sẽ do một mình bạn làm chủ và mọi trách nhiệm với các khoản nợ hoặc nghĩa vụ tài sản công ty bạn phải chịu hoàn toàn và bằng toàn bộ tài sản của mình. Ngoài ra, khi lựa chọn loại hình doanh nghiệp này bạn sẽ không được thành lập bắt kỳ doanh nghiệp tư nhân nào khác và bạn cũng không được đồng thời là chủ sở hữu hộ kinh doanh hay là thành viên công ty hợp danh. Hơn nữa, công ty của bạn cũng không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân cũng có những ưu điểm như cơ cấu tổ chức đơn giản nên dễ dàng điều chỉnh và vận hành. Bên cạnh đó, do chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn nên rất dễ tạo lòng tin đối với đối tác, khách hàng cũng như ngân hàng.
- Công ty hợp danh được thành lập bởi ít nhất là 2 thành viên hợp danh. Ngoài những thành viên hợp danh thì công ty còn có thể có thành viên góp vốn. Hơn nữa, thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
Chọn tên doanh nghiệp:
Tên doanh nghiệp không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với doanh nghiệp khác đã đăng ký trên cùng địa bản tỉnh, thành phố và đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014. Để kiểm tra tên doanh nghiệp đã tồn tại hay chưa thì bạn có thể kiểm tra tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải gồm hai yếu tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Tên doanh nghiệp bạn chọn cũng không được vi phạm các điều cấm quy định tại Luật doanh nghiệp 2014. Các trường hợp hồ sơ nộp lên phòng đăng ký kinh doanh có tên trùng hoặc gây nhầm lẫn sẽ bị Phòng đăng ký kinh doanh trả hồ sơ về và yêu cầu sửa đổi nên bạn cần phải xem xét kỹ lưỡng tên doanh nghiệp.
Ví dụ: Nếu bạn muốn thành lập công ty cổ phần với tên riêng là ABC thì tên doanh nghiệp của bạn bắt buộc phải đầy đủ 2 yếu tố là: “Công ty cổ phần ABC”.
Trụ sở doanh nghiệp
Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc, giao dịch của doanh nghiệp; phải ở trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, tên phố (ngõ phố) hoặc tên xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Lưu ý: doanh nghiệp không được đặt trụ sở tại nhà chung cư hoặc nhà tập thể.
2. Thủ tục thành lập công ty mua bán cây cảnh:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Bộ hồ sơ gồm những giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Dự thảo điều lệ công ty
- Danh sách thành viên hoặc cổ đông sáng lập (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần)
- Giấy tờ chứng thực của thành viên, người đại diện theo pháp luật: chứng minh nhân dân, căn cước công dân,…Ngoài ra, nếu người đại diện được doanh nghiệp thuê thì cần cung cấp thêm hợp đồng lao động và quyết định bổ nhiệm.
- Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/hợp đồng thuê nhà nơi đặt trụ sở doanh nghiệp.
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với trường hợp là tổ chức)
- Giấy ủy quyền (nếu có)
- Các tài liệu khác có liên quan.
Bước 2:
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ trên thì bạn có thể nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp thông qua một trong hai phương thức sau :
- Đăng ký kinh doanh trực tiếp: Nộp hồ sơ và lệ phí trực tiếp tại bộ phận “một cửa” của Phòng Đăng ký kinh doanh.
- Đăng ký kinh doanh qua mạng: Bạn nộp hồ sơ qua mạng điện tử trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Sau khi hồ sơ nộp qua mạng đã hợp lệ, bạn sẽ phải trực tiếp ra bộ phận “một cửa” nộp lại bản giấy đã scan khi nộp qua mạng.
Địa điểm nộp hồ sơ: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh/ thành phố nơi dự kiến đặt địa chỉ trụ sở cho công ty của mình.
Sau khi nộp xong hồ sơ, sẽ nhận được một tờ giấy biên nhận hồ sơ hẹn thời gian bạn có thể nhận kết quả. Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.
Lệ phí đăng ký kinh doanh là 100.000 đồng/ lần đối với hồ sơ nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh còn đối với đăng ký qua mạng sẽ được miễn phí.
Bước 3: Nhận kết quả
Sau khoảng 3 ngày xem xét hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp của bạn thì Phòng đăng ký kinh doanh sẽ trả kết quả cho bạn. Và theo đó, sẽ có hai trường hợp xảy ra:
- Thứ nhất, hồ sơ của bạn hợp lệ thì bạn sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và mã số thuế do cơ quan thuế cấp. Sau đó, bạn thực hiện các bước tiếp theo.
- Thứ hai, hồ sơ của bạn không hợp lệ thì bạn sẽ nhận được văn bản từ chối cấp giấy chứng nhận kèm theo hướng dẫn để bạn sửa chữa, bổ sung hồ sơ.
Bước 4: Thủ tục bắt buộc phải thực hiện sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, để có thể chính thức hoạt động, doanh nghiệp cần thực hiện một số thủ tục sau:
- Đăng công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Thông báo tài khoản ngân hàng (nếu công ty bạn đăng ký tài khoản ngân hàng), mở tài khoản ngân hàng.
- Thông báo sử dụng mẫu con dấu
- Thủ tục thuế
- Nộp thuế môn bài
- Kê khai thuế
- In và đặt in hóa đơn
- Treo bảng hiệu công ty tại trụ sở
3. Những lỗi mà doanh nghiệp thường gặp phải khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh và mức phạt:
Vi phạm về kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp:
Doanh nghiệp kê khai không trung thực,
Chậm đăng công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp:
Như đã nói ở trên, thời hạn đăng công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong 30 ngày kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận. Nếu như doanh nghiệp của bạn không đăng công bố trong thời hạn 30 ngày thì sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt từ 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng và phải khắc phục hậu quả là: buộc phải công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. (Theo quy định tại Điều 26, Nghị định 50/2016/NĐ-CP).
Sử dụng con dấu nhưng chưa có giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu:
Trong trường hợp, doanh nghiệp của bạn sử dụng con dấu nhưng chưa có giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu thì doanh nghiệp của bạn có thể bị cơ quan thẩm quyền xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. (Theo quy định Điều 12 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Không treo biển hiệu tại trụ sở chính:
Trong trường hợp doanh nghiệp đã tiến hành hoạt động kinh doanh tại trụ sở nhưng không treo biển hiệu thì sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng (theo quy định tại Khoản 2, Điều 32 Nghị định 155/2013/NĐ-CP).
Vi phạm quy định về đăng ký người thành lập doanh nghiệp:
Trong trường hợp bạn không có quyền đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc không có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nhưng vẫn thực hiện thì sẽ bị cơ quan chức năng phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và bị buộc phải thay đổi thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu đó. ( theo quy định tại Điều 29 Nghị định 50/2016/NĐ-CP).
Vi phạm về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp:
Không có người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam hoặc có nhưng không đủ tiêu chuẩn để làm thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng và người đại diện theo pháp luật phải đăng ký cư trú tại Việt Nam hoặc phải thay đổi người đại diện theo pháp luật khác. (theo quy định tại Điều 33 Nghị định 50/2016/NĐ-CP)
Trên đây là mỗi số lỗi mà doanh nghiệp thường mắc phải trong quá trình trong và sau khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh. Để không bị mất tiền oan thì doanh nghiệp của bạn nên chú ý thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật khi đăng ký kinh doanh.
Hy vọng bài viết này hữu ích với bạn!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ doanh nghiệp tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102