Thủ tục thành lập doanh nghiệp tại huyện Sóc Sơn – Hà Nội

bởi MinhThu
Thủ tục thành lập doanh nghiệp tại huyện Sóc Sơn - Hà Nội

Huyện Sóc Sơn đang được Nhà nước tạo điều kiện phát triển về lĩnh vực thương mại – dịch vụ, công nghiệp, du lịch, giáo dục – đào tạo, nông nghiệp sinh thái, có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng; hướng tới một huyện phát triển xứng tầm là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội. Đây là vị trí thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Nếu bạn còn thắc mắc thủ tục thành lập doanh nghiệp tại huyện Sóc Sơn – Hà Nội, hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của Luật sư X.

Căn cứ pháp lý: 

Nội dung tư vấn:

1. Tại sao nên thành lập doanh nghiệp tại huyện Sóc Sơn?

Sóc Sơn là huyện nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, phía Bắc giáp huyện Phổ Yên (Thái Nguyên), phía Đông Bắc giáp huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang), phía Đông Nam giáp huyện Yên Phong (Bắc Ninh), phía Nam giáp huyện Đông Anh, phía Tây giáp huyện Mê Linh và thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc).

Sóc Sơn được phát triển dựa trên cơ sở mở rộng thị trấn Sóc Sơn về phía nam. Đây là một trong 5 đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội với tính chất là đô thị dịch vụ, gắn với trung tâm dịch vụ cấp Vùng, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các Khu công nghiệp thành khu vực phát triển thương mại, Logistic và trung chuyển hàng hóa quốc tế; là đô thị sinh thái gắn với không gian xanh trên cơ sở bảo tồn vùng núi Sóc Sơn, phát triển du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí.

Có thể thấy, đây là vị trí đắc địa cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh – thương mại, giao thương hàng hóa – cung ứng các dịch vụ, là cửa ngõ phía Bắc của thành phố Hà Nội kết nối với sân bay Nội Bài. Các doanh nghiệp thành lập tại Sóc Sơn nhằm tận dụng và phát huy lợi thế là trung tâm đầu mối giao thông quan trọng của Thành phố. 

Hiện, trên địa bàn Sóc Sơn có 2 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp và các điểm công nghiệp nhỏ với 45 doanh nghiệp FDI, 1.300 doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng hơn 12 nghìn hộ sản xuất, thu hút giải quyết việc làm cho trên 35 nghìn lao động với các ngành nghề chủ yếu như: Cơ khí, linh kiện ô tô, xe máy, thép, vật liệu xây dựng….

2. Những vấn đề cần lưu ý trước khi thành lập doanh nghiệp tại huyện Sóc Sơn

Để tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí và không bỏ lỡ các cơ hội, các chủ doanh nghiệp tương lai cần xem xét đầy đủ, toàn diện về mọi mặt pháp lý và chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ cần thiết để hoàn thiện bộ hồ sơ nộp lên cơ quan có thẩm quyền.

Sau khi quyết định thành lập doanh nghiệp tại huyện Sóc Sơn, cần cân nhắc một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, loại hình doanh nghiệp

Đây là vấn đề quan trọng nên cân nhắc đầu tiên khi thành lập doanh nghiệp. Từng loại hình doanh nghiệp sẽ có những tính chất pháp lý riêng, ảnh hưởng đến hoạt động của công ty; do đó tùy theo tình hình thực tế mà nên lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp. Pháp luật hiện nay quy định về 5 loại hình doanh nghiệp được phép hoạt động. Cụ thể:

Công ty TNHH một thành viên

Công ty TNHH một thành viên có ưu điểm chỉ có duy nhất một chủ sở hữu, nên chủ sở hữu công ty có quyền quyết định toàn bộ trong quản lý và điều hành công ty, cơ cấu tổ chức đơn giản. Ngoài ra, chủ sở hữu công ty chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn cam kết góp vào công ty dẫn đến rủi ro cho chủ sở hữu.

Tuy nhiên, công ty TNHH một thành viên bị hạn chế bởi khả năng huy động vốn, khi huy động vốn bằng cách chuyển nhượng vốn sang cho cá nhân hoặc tổ chức khác thì phải làm hồ sơ chuyển đổi loại hình công ty từ 01 thành viên lên Công ty TNHH từ 02 thành viên trở lên hoặc Công ty Cổ phần. Vì nhiều ưu điểm, hiện nay công ty TNHH một thành viên là loại hình được thành lập nhiều nhất với tỷ lệ hơn 65% số doanh nghiệp thành lập.

Công ty TNHH hai thành viên trở lên

Khắc phục những hạn chế của công ty TNHH một thành viên, mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên phù hợp để nhiều người cùng góp vốn đầu tư, san sẻ trách nhiệm và lợi nhuận. Vẫn giữ được ưu điểm khi hạn chế rủi ro cho thành viên trong công ty vì thành viên chỉ chịu trách nhiệm khi có phát sinh trong phạm vi số vốn góp vào công ty nhưng lại có khả năng huy động vốn dưới hình thức chuyển nhượng phần vốn góp

Công ty cổ phần

Đây là mô hình doanh nghiệp dành cho những dự án kinh doanh không giới hạn cổ đông đồng thời hạn chế rủi ro cho cổ đông trong công ty khi hoạt động vì cổ đông chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn góp vào công ty. Ưu điểm lớn của công ty cổ phần là khả năng mở rộng, huy động vốn đầu tư cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp. Công ty có quyền phát hành cổ phiếu, trái phiếu công ty và đưa lên Sàn giao dịch chứng khoán, có thể chuyển nhượng vốn cho cổ đông trong và ngoài công ty, số lượng cổ đông trong công ty là không giới hạn…. Tuy nhiên, trong trường hợp công ty có quá nhiều cổ đông thì việc quản lý, điều hành công ty rất phức tạp, rất dễ xảy ra trường hợp không đồng nhất ý kiến của các cổ đông trong bộ máy quản lý.

Doanh nghiệp tư nhân

Đây là mô hình kinh doanh do một cá nhân tự làm chủ nên có thể toàn quyền chủ động trong việc quản lý và điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên khác với trách nhiệm giới hạn của công ty TNHH 1 thành viên, chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu toàn bộ trách nhiệm trong quá trình kinh doanh kể cả bằng tài sản cá nhân dẫn đến rủi ro có thể xảy ra cho chủ doanh nghiệp là rất cao. Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào, cũng như được bán phần phần vốn góp cho cá nhân hoặc tổ chức khác, nên không có khả năng huy động vốn.

Nếu so sánh với các mô hình kinh doanh khác thì doanh nghiệp tư nhân lại mang nhiều bất lợi hơn cho chủ doanh nghiệp, hiện nay rất ít cá nhân hoặc tổ chức lựa chọn loại hình doanh nghiệp tư nhân để đăng ký kinh doanh.

Công ty hợp danh

Theo pháp luật quy định công ty hợp danh phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên thành lập và những thành viên hợp danh phải bằng tài sản của mình chịu trách nhiệm vô hạn đối với công ty. Tuy vậy, công ty hợp danh lại mang tư cách pháp nhân, tức có tính độc lập tương đối với các chủ sở hữu của nó. 

Do những quy định pháp lý rất phức tạp về công ty hợp danh nên số lượng công ty hợp danh thành lập hàng năm cũng không nhiều. Theo thống kê, năm 2017 chỉ có 25 công ty hợp danh được thành lập trên tổng số 153.307 doanh nghiệp (cứ 6133 doanh nghiệp thành lập thì mới có 1 công ty hợp danh). 

Thứ hai, tên công ty

Tên công ty là một dấu hiệu nhận diện cơ bản và quan trọng đối với mỗi công ty. Do vậy, việc chọn tên cho công ty mang rất nhiều ý nghĩa đối với người chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, pháp luật quy định một số nguyên tắc nghiêm ngặt đối với việc đặt tên công ty để đảm bảo không có sự trùng lặp, gây hiểu nhầm.

Thứ ba, địa chỉ của công ty

Đối với những chủ doanh nghiệp muốn đặt trụ sở công ty tại huyện Sóc Sơn để tận dụng vị trí trung tâm và thuận tiện cho hoạt động kinh doanh thì nên lưu ý trên không được đăng ký địa chỉ công ty tại chung cư, căn hộ để ở hoặc nhà ở tập thể.

Hiện nay, các doanh nghiệp được thành lập tại huyện Sóc Sơn thường phân bố không đồng đều, thường chỉ tập trung tại một số các khu công nghiệp, những địa điểm có hệ thống giao thông thuận lợi. Với vị trí thuận lợi cho phát triển công nghiệp, hiện huyện Sóc Sơn có các khu công nghiệp gồm Khu công nghiệp tập trung Sóc Sơn, Khu công nghiệp vừa và nhỏ Phù Lỗ, Khu công nghiệp sạch Minh Trí-Tân Dân, Cụm công nghiệp tập trung Nỉ-Giã.

Thứ tư, vốn điều lệ

Luật  doanh nghiệp 2014 đang có hiệu lực thi hành hiện nay không quy định bất cứ điều khoản nào về vốn điều lệ tối đa hay vốn điều lệ tối thiểu đối với 5 loại hình doanh nghiệp nêu trên. Tuy nhiên, cần lưu ý đối với một số ngành nghề kinh doanh nhất định mà Chính phủ quy định về mức vốn pháp định (mức vốn điều lệ tối thiểu) thì chủ doanh nghiệp phải tuân thủ. Còn nếu trường hợp ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp không bị quy định về mức vốn pháp định thì chủ doanh nghiệp hoàn toàn có quyền tự quyết định mức đăng ký vốn điều lệ sao cho phù hợp với tình hình tài chính và nhu cầu kinh doanh.

3. Thủ tục thành lập doanh nghiệp tại huyện Sóc Sơn – Hà Nội

Sau khi cân nhắc những vấn đề nêu trên và quyết định thành lập doanh nghiệp tại Sóc Sơn, cần thực hiện theo những bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký

Mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có những quy định khác nhau về các loại giấy tờ cần chuẩn bị. Tuy nhiên, khái quát lại cơ bản một bộ hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ gồm:

Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp

Đây là loại giấy tờ đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trong bộ hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Căn cứ theo Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT ban hành mẫu tiêu chuẩn của Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tại phụ lục I.

Dự thảo điều lệ công ty

Thông thường, điều lệ công ty sẽ được thiết lập dựa trên những quy định về điều lệ doanh nghiệp trong Luật doanh nghiệp 2014. Ngoài ra, vẫn có thể kết hợp những ý tưởng về quản trị doanh nghiệp của mình để đề ra những điều lệ cụ thể cho doanh nghiệp mình.

Hiện tại, pháp luật không quy định mẫu chuẩn cho điều lệ công ty, mà chỉ quy định bản điều lệ hợp pháp phải bao gồm những thông tin cơ bản như có tên; địa chỉ; vốn điều lệ công ty; họ, tên và chữ ký của Cổ đông/thành viên sáng lập là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông/ thành viên sáng lập là tổ chức; cơ cấu quản lý,…..

Danh sách thành viên/ cổ đông sáng lập

Do công ty TNHH một thành viên và doanh nghiệp tư nhân chỉ do một cá nhân hoặc một tổ chức làm chủ doanh nghiệp nên không trong bộ hồ sơ đăng ký thành lập 2 loại hình doanh nghiệp này không cần phải chuẩn bị danh sách này.

Lưu ý: Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp cụ thể, người đăng ký thành lập doanh nghiệp cần chuẩn bị thêm các bản sao hợp lệ các giấy tờ (có công chứng, chứng thức) sau đây:

  • Đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là cá nhân cần chuẩn bị các giấy tờ tùy thân để đối chiếu như Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu.
  • Đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức cần chuẩn bị Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng
  • Đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì pháp luật yêu cầu thêm Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 

Bước 2: Nộp hồ sơ

Hiện nay, Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch đầu tư thành phố Hà Nội yêu cầu các chủ doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký online trước, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì mới in các loại giấy tờ trên thành các bản cứng để đem tới nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa của Phòng đăng ký kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận.

Do vậy, đối với những chủ doanh nghiệp muốn đăng ký thành lập doanh nghiệp trên địa bàn huyện Sóc Sơn thì phải truy cập vào cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại https://dangkykinhdoanh.gov.vn và làm theo các bước hướng dẫn đăng ký kinh doanh online.

Sau khoảng thời gian 3 ngày, sẽ nhận được phản hồi thông qua tài khoản đã đăng ký trước đó về việc hồ sơ có được chấp thuận hay không:

  • Nếu trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì sẽ yêu cầu xem xét và bổ sung theo hướng dẫn.
  • Nếu trường hợp hồ sơ đã hợp lệ và được chấp thuận, lúc này sẽ yêu cầu phải in thành bản cứng các loại giấy tờ mà trước đó đã điền đầy đủ thông tin và lưu trữ dưới dạng file PDF.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo chấp nhận hồ sơ, sẽ buộc phải tới Phòng đăng ký kinh doanh để nộp bộ hồ sơ bằng bản cứng. Nếu sau khoảng thời gian 30 ngày mà không tới nộp thì bộ hồ sơ đã đăng ký trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sẽ không còn hiệu lực. 

Địa chỉ của Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch- Đầu tư thành phố Hà Nội hiện nay có địa chỉ tại Tầng 3 – Nhà B10A – Nam Trung Yên – Hà Nội. Điện thoại liên hệ: 024 62 820 834.

Mức phí phải nộp khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là 100.000/bộ hồ sơ

Bước 3: Nhận kết quả

Sau khoảng thời gian 1 ngày làm việc kể từ ngày nộp bản cứng bộ hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh, sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Bước 4: Thực hiện một số thủ tục bắt buộc sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp

Sau khi đăng ký kinh doanh, để doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định pháp luật thì chủ doanh nghiệp còn phải thực hiện một số công việc sau:

  • Trong thời hạn 30 ngày, phải đăng nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định tại Điều 28 Luật Doanh nghiệp, Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 05/2013/NĐ-CP và trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp là 300.000 đồng

Lưu ý: Doanh nghiệp không nên bỏ qua bước này, nếu không có thể bị xử phạt hành chính. Theo quy định tại Điều 26, Nghị định 50/2016/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/07/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Nếu doanh nghiệp không công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp đúng hạn sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng và phải khắc phục hậu quả là: buộc phải công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

  • Dựa trên mã số doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cần thực hiện một số thủ tục về thuế tại Cơ quan Thuế để kê khai, nộp thuế theo thông báo của Cục thuế thành phố Hà Nội (thủ tục tạo và phát hành hóa đơn; thủ tục mua, cấp hóa đơn; thủ tục kê khai nộp thuế,…). Hiện nay Cục thuế thành phố Hà Nội có địa chỉ tại 187A Giảng Võ, Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội.
  • Ngoài ra, nếu doanh nghiệp kinh doanh trong một số lĩnh vực đặc thù mà pháp luật cần phải xin các loại giấy phép con thì cần tìm hiểu thêm thông tin về các lĩnh vực này

Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả nhất là đối với các chủ doanh nghiệp trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Hãy liên hệ chúng tôi khi có nhu cầu thành lập công ty tại Hà Nội: 0833.102.102 (Phím số 1)

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về pháp luật kinh doanh thương mại tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm